Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chưa sát với thực tế

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Gần hai tháng sau lễ khai giảng năm học mới, vấn đề giảm tải chương trình và sách giáo khoa vẫn đặt ra với nhiều nghi ngại. Chuyện nhỏ nhất là "độ nặng" của sách vở trong chiếc cặp sách của học sinh cũng không có gì thay đổi. Hàng ngày, các em vẫn phải "vác" lên vai chiếc cặp quá tải.

Sách vở trĩu vai

Thông thường một chiếc cặp của học sinh lớp 1 phải mang đầy đủ bộ sách giáo khoa Tiếng Việt, sách bài tập Tiếng Việt, sách Toán và bài tập Toán, ít nhất 3 cuốn vở gồm vở dặn dò, Toán, Tiếng Việt. Còn lại tùy theo thời khóa biểu từng hôm, trẻ mang theo sách cho các môn phụ như Thủ công, Mỹ thuật, Tin học, tiếng Anh, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội... Với từng đó sách vở, cộng với một chiếc cặp khá to, mỗi học sinh tiểu học phải đeo thêm chừng 4 - 6kg sau lưng mỗi ngày đến trường.

Để tránh việc quá tải của cặp, một số trường tiểu học (TH) ở Hà Nội đã cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 để toàn bộ sách vở, dụng cụ học tập ở trường, chỉ mang vở tiếng Việt và Toán về nhà ôn bài. Tiêu biểu là trường Tiểu học Mai Dịch, hàng ngày học sinh chỉ cần mang cuốn sách giáo khoa nào cần soạn bài về nhà để đọc trước, còn vở chính tả, tập làm văn, ghi đầu bài... đều để lại trường. Thi thoảng trường phải mang cân đến từng lớp kiểm tra đột xuất cân nặng cặp của học sinh. Nếu em nào phải mang quá nặng sẽ đề nghị giáo viên chủ nhiệm xem xét điều chỉnh. Giải pháp đã được nhiều trường ngoài công lập áp dụng. Bà Nguyễn Thị Diệp, Hiệu trưởng trường TH dân lập Lý Thái Tổ cho biết: Trường có tủ sách tại lớp, nên học sinh cũng không phải mang sách về. Điều này giảm áp lực rất lớn cho các em. Tuy nhiên phương thức này chỉ có thể áp dụng ở một số trường có điều kiện cơ sở vật chất tốt. Còn phần lớn các trường TH, học sinh chỉ có thể để ở lớp một số dụng cụ học tập nhất định như hộp thực hành, bảng, còn lại vẫn ngày ngày đi về cùng chiếc cặp nặng trĩu.

Thừa nhận việc học sinh phải đeo cặp nặng là rất phổ biến ở các trường bán trú, nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý chỉ ra rằng, nguyên nhân sâu xa là học sinh phải học quá nhiều. Học ở trường, về nhà phải học tiếp, buộc các em phải mang sách vở đi, về. Ngoài ra, Luật Xuất bản cũng không cấm việc in sách và tài liệu nên hàng loạt sách tham khảo được in ấn, phát hành. Có sách thầy cô bắt mua rồi bắt trẻ học, có sách chính bố mẹ lại "đeo" thêm cho con mình.

Vẫn mang tính hình thức

PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho rằng: Việc nặng hay nhẹ không nên xem xét ở mặt khối lượng mà hãy xem xét về mặt kiến thức. Chính kiến thức nặng nề quyết định việc học sinh có phải mang sách vở nhiều hay không. Việc mang sách về nhà đối với trẻ nhỏ là không cần thiết. Sách có thể để ở lớp và học sinh chỉ cần về tay không, hôm sau lại đến học tiếp. Với học sinh cấp 2, thời gian học ở nhà chỉ nên 30 - 45 phút mỗi ngày và chỉ làm bài tập miệng chứ không phải viết. Và giải pháp tốt nhất để học sinh không phải mang cặp nặng là giảm tải chương trình học, nhưng điều này chưa được thực hiện triệt để.

Khi đề cập đến vấn đề quá tải trong "sự học" của trẻ em hiện nay, không ít giáo viên cũng bức xúc: Trọng lượng chiếc cặp của học sinh còn quá tải nếu các em vẫn tiếp tục bị "quá tải" về lượng kiến thức ngay trong những giờ học chính khóa. Không ít trường đến thời điểm này đã đưa "chỉ thị" giảm tải của Bộ GD&ĐT vào thực hiện, tuy nhiên việc giảm tải chưa hợp lý, bởi những nội dung phù hợp với độ tuổi của học sinh lại chưa giảm. Bởi thế, nhiều người nghi ngờ rằng, chủ trương giảm tải đưa ra chỉ mang tính hình thức, không sát với thực tế, học sinh vẫn phải đối mặt với áp lực nặng nề của kiến thức, thi cử và còn bởi bệnh thành tích phấn đấu "100% học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi" nhiều trường tiểu học đưa ra.