CPI tháng gần Tết Nguyên đán được quan tâm hơn bởi đây là thời kỳ nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân tăng cao so với các tháng khác trong năm. Tuy nhiên, việc CPI tháng này bất động được lý giải bằng rất nhiều nguyên nhân.
Giá nhiều mặt hàng cơ bản giảm
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính, có 9 nhóm tăng; trong đó, nhóm giáo dục có mức tăng cao nhất (0,89%); tiếp đến là nhóm đồ uống và thuốc lá, tăng 0,44%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,37%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,3%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,25%...
Tuy nhiên, trong khi những nhóm hàng hóa trên tăng thấp thì một số nhóm hàng hóa cơ bản khác lại có sự giảm mạnh đáng kể. Hai nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm là giao thông - giảm 2,82%, bưu chính viễn thông giảm 0,06%.
Những yếu tố góp phần kiềm chế CPI trong tháng 1 phải kể đến là: Mức thấp và giảm của giá cả nhiều loại hàng hóa trên thị trường thế giới trong năm 2015 được tiếp tục trong tháng khởi đầu của năm 2016. Đơn cử giá gas giảm 1,56% so với tháng 12/2015 do các DN giảm giá từ ngày 1/1/2016, giảm 31.000 đồng/bình 12 kg do giá gas thế giới giảm. Đặc biệt, giá xăng giảm 760 đồng/lít, dầu diezen giảm 2.120 đồng/lít vào các ngày 18/12/2015 và 4/1/2016 dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm 6,44% so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung khoảng 0,27%. Giá xăng dầu giảm có tác động kéo giá nhập khẩu tính bằng USD thấp xuống, mặc dù lượng nhập khẩu tăng, trong khi tỷ giá VND/USD ở trong nước cơ bản ổn định, gần đây có những ngày còn giảm xuống, nên tính bằng VND tăng không đáng kể.
Bên cạnh đó, tổng cung tăng do tăng trưởng kinh tế cao lên, chuyển từ xuất siêu sang nhập siêu trong năm 2015. Tổng cầu tuy tăng cao hơn, nhưng về quy mô tuyệt đối vẫn thấp hơn tổng cung, trong khi một số nhu cầu của một bộ phận dân cư về một số loại hàng hóa, dịch vụ đã tương đối bão hòa. Một số bộ phận, nhất là người nghèo, người cận nghèo, người gặp rủi ro, người thất nghiệp, thiếu việc làm có nhu cầu cao trong dịp gần Tết Nguyên đán nhưng thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán lại thấp.
Tập trung bình ổn thị trường
Trong năm 2015 và tháng 1/2016, mặc dù CPI tăng thấp, nhưng với sự chỉ đạo kiềm chế không thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, nên không tác động đến CPI. Nhiều địa phương, đặc biệt là 2 thị trường tiêu thụ lớn nhất cả nước là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có kinh nghiệm nhất nhiều năm trong việc chuẩn bị hàng hóa Tết tiếp tục phát huy sự chủ động trong công tác bình ổn thị trường. Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết trên địa bàn TP đạt trên 21.600 tỷ đồng; lượng hàng bình ổn thị trường và lượng hàng phục vụ Tết có tổng giá trị gần 12.800 tỷ đồng, với hơn 1.000 điểm bán hàng. TP Hồ Chí Minh có lượng hàng bình ổn khoảng 16.000 tỷ đồng. Các tỉnh Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai cũng đã có kế hoạch cụ thể.
Mặc dù CPI tăng thấp, nhưng không giảm 4 tháng liền như năm trước (từ 2 tháng cuối năm 2014 đến 2 tháng đầu năm 2015), nên chưa thể chủ quan với lạm phát, với tác động của nhiều yếu tố, trong đó có các yếu tố đáng lưu ý. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các loại hàng hóa, dịch vụ có thể bắt đầu từ tháng 2. Tỷ giá năm 2015 đã tăng cao (5,34%); năm nay có thể không cao hơn, nhưng vẫn thuộc loại cao. Bội chi ngân sách, nợ công lớn... làm cho lạm phát cao. Dòng tiền có thể chuyển từ chứng khoán, vàng, ngoại tệ sang kênh tiêu dùng...
Giá xăng giảm dẫn tới chỉ số giá nhóm nhiên liệu giảm so với tháng trước. Ảnh: Hải Linh
|