Chưa thể lạc quan về “sức khỏe” doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên 71.000 DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm 2015, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Phải chăng những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong năm qua là chưa đủ để vực dậy DN?

93,8% doanh nghiệp giải thể có quy mô nhỏ

“Chúng tôi là DN dệt may hoạt động gần 20 năm nay nhưng quy mô ngày càng phải thu nhỏ vì gánh quá nhiều loại phí, thuế thuê đất, chi phí xuất nhập khẩu chuyển hàng tăng, lương và bảo hiểm cho người lao động cũng tăng… Chúng tôi không dám nhận đơn hàng nhiều vì càng làm càng lỗ”, những chia sẻ của bà Từ Thị Bích Lộc - Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Anh có lẽ cũng là khó khăn chung của nhiều DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa hiện nay.
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH May xuất khẩu Khánh Sơn. 	Ảnh: Trần Việt
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH May xuất khẩu Khánh Sơn. Ảnh: Trần Việt
Nhìn vào Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2015 do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 13/4 có thể thấy, số DN hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2015 tiệm cận con số 9.500, trong đó phần lớn là những DN quy mô nhỏ có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (chiếm 93,8%). Ngành có số lượng DN giải thể nhiều nhất trong năm 2015 là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô - xe máy, kế đến là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong năm 2015 là 71.391 DN, tăng 22,4% so với cùng kỳ năm 2014. Việc số lượng DN ngừng hoạt động tăng mạnh cho thấy "sức khỏe" của cộng đồng DN chưa được cải thiện, đa số các DN vẫn còn nhiều khó khăn, và hầu hết các ngành đều có số lượng DN ngừng hoạt động tăng. Đáng chú ý, ngành nghệ thuật, vui chơi và giải trí tuy gia tăng số lượng DN đăng ký thành lập mới, nhưng cũng là ngành có tỷ lệ DN phải giải thể và ngừng hoạt động tăng cao (150,5%). Điều này cho thấy những rủi ro đi kèm sự tăng trưởng “nóng” về số lượng DN thành lập mới ở lĩnh vực này. Tiếp đến là các ngành y tế và hoạt động trợ giúp xã hội (68,8%), nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (56,7%)...

Báo cáo cũng cho thấy, trong năm 2015, cả nước có 21.506 DN quay trở lại hoạt động, tăng 39,5% so với năm trước. Tình hình DN gia nhập thị trường năm 2015 cũng có sự cải thiện rõ rệt so với năm 2014, thể hiện sự nỗ lực của cộng đồng DN và tính hiệu quả của các giải pháp chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho DN. “Tuy nhiên, việc tỷ lệ DN phải ngừng hoạt động vẫn tăng cao cho thấy các DN vẫn đang gặp nhiều khó khăn và rất cần các chính sách hỗ trợ của Chính phủ” - TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI khuyến nghị.

"Điểm sáng" dịch vụ phát triển kinh doanh

Cũng theo Báo cáo, năm 2015, số lượng các DN dịch vụ tăng lên đáng kể, từ 94.000 DN lên đến trên 300.000 DN trong giai đoạn 2007 - 2015, chiếm 68,35% tổng số các DN đang hoạt động tại Việt Nam. Khu vực dịch vụ cũng tạo ra khoảng 17,1 triệu việc làm, chiếm 32,43% tổng số việc làm.

Mặc dù còn khá mới mẻ nhưng các DN dịch vụ và chuyên môn là một trong những ngành phát triển nhanh nhất hiện nay. Với tác động làm giảm chi phí; tăng khả năng cạnh tranh, dịch vụ phát triển kinh doanh được coi là công cụ hữu dụng cho các DN, đặc biệt đối với DN nhỏ và vừa. Theo báo cáo, nhìn chung, nhu cầu dịch vụ phát triển kinh doanh ngày càng tăng song đa số DN vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của các dịch vụ này. Bên cạnh đó, chất lượng của các hoạt động dịch vụ phát triển kinh doanh chưa tốt khiến nhiều DN không mặn mà sử dụng, dẫn đến tỷ lệ lớn từ 60% - 80% các DN không biết hoặc biết nhưng không sử dụng. Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Sỹ Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ KH&ĐT cho rằng, DN có thể có nhu cầu về dịch vụ phát triển kinh doanh nhưng họ không đủ khả năng chi trả hoặc không muốn chi trả. Ngoài ra, năng lực của các đơn vị dịch vụ cũng là vấn đề cần xem lại.

Do vậy, để phát triển được dịch vụ phát triển DN, theo ông Hùng, cần phải có sự thay đổi, từ cách thức phát triển dịch vụ theo nhu cầu cụ thể của DN và các DN nhỏ và vừa sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ đó. Từ thực tế trên, cần có sự góp mặt của Nhà nước để tạo cho thị trường hoạt động, tăng hiệu lực thực thi pháp luật và niềm tin của DN. Nhà nước cần đóng vai trò là chất xúc tác để thị trường vận động thay vì làm thay công việc của các DN dịch vụ phát triển kinh doanh.
Kinh doanh không thể bám vào “quan hệ”
Chưa thể lạc quan về “sức khỏe” doanh nghiệp - Ảnh 1Bên lề Lễ công bố, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã có cuộc trao đổi xoay quanh những kết luận từ Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2015.
Xin ông cho biết ý kiến của mình về kết quả Báo cáo thường niên DN mà VCCI vừa công bố?
- Điểm đáng chú ý của báo cáo lần này là bức tranh đáng lo ngại về cộng đồng DN trong nước. Năm 2015 trong khi tốc độ tăng trưởng đã cải thiện nhưng chủ yếu dựa vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm đến 71% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, doanh thu của nhiều DN trong nước ngày càng giảm. Tình hình đáng lo ngại hơn khi ta đã có cam kết hội nhập và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, hàng hóa Thái Lan và nhiều nước ASEAN đang tràn ngập thị trường Việt Nam, trong khi DN ta ngày càng nhỏ bé và chưa sẵn sàng để cạnh tranh.
Tuy nhiên, có nhiều tín hiệu khả quan cho thấy các DN đã bắt đầu chú ý hơn đến  đổi mới khoa học công nghệ (KHCN) và có những DN đạt được tiến bộ, kết quả rất đáng khích lệ. Ví dụ Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã mời các giáo sư của Đại học Bách khoa nghiên cứu và tư vấn về KHCN, cây Thanh Long được áp dụng công nghệ đèn chiếu sáng… Các nghiên cứu cho thấy những DN biết đầu tư cho KHCN đều đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh cao hơn. Song những ứng dụng vào sản xuất như vậy còn quá ít.
Theo ông thì vì sao quy mô DN có chiều hướng thu nhỏ?
- Quy mô của DN đang có xu hướng nhỏ đi vì môi trường vĩ mô chưa ổn định, các DN Việt Nam còn đang gánh chịu lãi suất ngân hàng cao, lãi suất của ta hiện từ 9 – 10% (gấp 2,8 lần Thái Lan và Trung Quốc). Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của DN tại Việt Nam cũng cao hơn nhiều. Ví dụ khi phí đường bộ tăng lên, nguyên nhân là vì DN xây dựng đó vay vốn ngân hàng phải trả lãi cao.
Các khoản chi phí ngoài pháp luật cũng là một gánh nặng của DN. Hệ lụy của vấn đề này là gì, thưa ông?
- Thực tế là tỷ lệ DN nộp chi phí ngoài pháp luật của DN Việt Nam không những không giảm mà còn tăng lên. Đây là vấn đề chúng ta phải giải quyết. DN phải chuyển sang kinh doanh chiến lược chứ không thể bám vào các mối quan hệ. Tôi xin cảnh báo rằng khi hội nhập, những quan hệ kiểu này không giúp ích gì cho DN, thậm chí ảnh hưởng tới DN vì các DN nước ngoài có thể kiện nếu họ phát hiện ra chúng ta dùng quan hệ để có hợp đồng.
Giai đoạn hội nhập từ năm 2016 là giai đoạn mới đòi hỏi bộ máy Nhà nước và DN phải có cải cách mạnh mẽ để nắm bắt và chiếm lĩnh thị trường.
Xin cảm ơn ông!
Trang Anh ghi

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần