Tại phiên họp báo Chính phủ chiều 29/11, phóng viên nêu vấn đề Bộ Công Thương phát đi thông tin trong năm tới có thể sẽ thay xăng A92 bằng E5.
Tuy nhiên, với mức độ tiêu thụ thị trường xăng A92 vào khoảng gần chục triệu tấn/năm, trong khi nguồn cung cấp E5 chỉ từ 2 nhà máy nhiên liệu sinh học của Công ty Tùng Lâm với sản lượng khoảng 3 triệu tấn, liệu có đủ sản lượng cung ứng cho thị trường hay không?
Liệu khi thay thế rồi có tình trạng đứt đoạn nguồn cung của thị trường hay không? Trong bối cảnh này, Bộ Công Thương có tính tới việc khởi động lại các dự án nhà máy xăng sinh học đang đắp chiếu để đạt được sản lượng cung ứng cho thị trường hay không?
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay, về việc thay thế xăng Ron 92 bằng xăng E5, vài năm trước đây, giá xăng dầu rất cao và do nhu cầu bảo vệ môi trường, Chính phủ đã có Quyết định 53, triển khai từng bước đưa xăng E5, E10 vào tiêu thụ.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do giá xăng dầu giảm đột ngột, trước đây thời điểm cao nhất lên tới trên 140-150 USD/thùng, nay chỉ còn 50 USD. Do nguyên nhân khách quan như vậy nên việc sản xuất, tiêu thụ, đưa xăng E5, E10 vào tiêu thụ rất khó khăn.
Hiện nay, cả nước có 4 nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học, nhưng chỉ nhà máy nhiên liệu sinh học của Công ty Tùng Lâm là còn hoạt động với công suất 2 nhà máy là 150.000 tấn/năm. Những nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học khác vì nhiều lý do khác nhau cái thì không sản xuất, cái chưa đầu tư xong.
“Vì vậy, hiện nay chưa có quyết định cuối cùng thời điểm nào thì xăng A92 được thay thế bằng E5. Cho nên, thông tin đến tháng 6/2017 có thể thay thế toàn bộ xăng A92 bằng E5 là chưa chính xác”, Thứ trưởng khẳng định.
Theo thứ trưởng, ở nước ta, sản xuất nhiên liệu sinh học ở quy mô lớn rất khó khăn. Hiện nay, nhiên liệu sinh học được sử dụng nhiều ở hai nước Brazil và Mỹ. Mỹ có điều kiện thuận lợi là sản xuất nguyên liệu cho quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học rất rẻ. Ở Mỹ, với công nghệ biến đổi gene, năng suất trồng ngô khoai sắn rất cao, nguồn nguyên liệu rất rẻ để sản xuất nhiên liệu sinh học, có khả năng cạnh tranh, đặc biệt trong bối cảnh giá xăng dầu rất thấp. Trong khi đó, chúng ta không có vùng nguyên liệu lớn để trồng sắn, mà nhiên liệu sinh học chủ yếu sản xuất từ sắn và năng suất sắn của chúng ta không cao. Vì vậy, mặc dù có 4 nhà máy sản xuất xăng nhiên liệu nhưng hiện chỉ còn nhà máy của Tùng Lâm còn sản xuất được. Chúng ta phải có sự đánh giá toàn diện về sản xuất xăng sinh học và lộ trình thay thế xăng A92 bằng xăng sinh học trong thời gian tới.