Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuẩn bị “bấm nút” thông qua TPP

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chia sẻ về những...

Kinhtedothi - Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chia sẻ về những công việc mà Quốc hội đã chuẩn bị để “bấm nút” thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và giải đáp những khó khăn và vướng mắc khi thực hiện TPP.

Nền kinh tế số được hình thành

Thưa ông, theo quy định thì TPP sẽ chỉ có thể được thực thi khi Quốc hội các nước thành viên thông qua. Vậy, có bao nhiêu phần trăm TPP sẽ trở thành hiện thực?
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

- Trong TPP có điều khoản quy định là tổng số nước phê chuẩn mà giá trị thương mại đạt mức 60 - 70% trở lên thì Hiệp định có hiệu lực. Như vậy, chúng ta thấy rằng nếu Quốc hội Mỹ và Quốc hội Nhật Bản thông qua thì về cơ bản TPP được thông qua. Mà Mỹ và Nhật Bản lại là những quốc gia chủ trì chính của TPP. Vì vậy, chúng ta tin rằng 100% TPP sẽ trở thành hiện thực.

So với những hiệp định thương mại trước đây mà Việt Nam đã tham gia, ví dụ như WTO, thì TPP có những điểm gì khác biệt, thưa ông?

- Theo tôi, có 3 vấn đề lớn. Thứ nhất, TPP xác định một vị thế mới, một phương thức mới và một hình thái kinh tế mới. Lần đầu tiên chúng ta thấy rằng trong một hiệp định đa quốc gia, vấn đề kinh tế số được đặt ra. Trước đây, chúng ta hay nói tới thời đại công nghiệp hóa, kinh tế xanh, rồi điện tử hóa, cơ khí hóa, nhưng bây giờ, TPP đã chính thức đưa vào khái niệm nền kinh tế số. Nền kinh tế này đòi hỏi một bước đột phá lớn trong phát triển khoa học công nghệ mà chúng ta cần phải nhận thức một cách thấu đáo.

Thứ hai, Hiệp định TPP đã dành hẳn một chương nói về DN Nhà nước (DNNN). Nội dung này góp phần củng cố định hướng của Đảng và Nhà nước ta về vai trò của DNNN trong nền kinh tế thị trường. Như vậy, chúng ta không còn phải băn khoăn về vai trò của DNNN nữa. Vấn đề còn lại là chúng ta phải làm thế nào để nâng cao hoạt động của DNNN theo tinh thần Nghị quyết T.Ư 3 Khóa IX.

Thứ ba, tất cả các nước tham gia TPP đều là thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), điều khoản về lao động được quy định trong Hiệp định TPP sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam thực hiện việc mang lại những thuận lợi nhất cho người lao động (NLĐ). Theo cá nhân tôi, đây là 3 điểm đột phá rất mới.

Quốc hội đã chuẩn bị gì cho việc “bấm nút”?

Theo quy định, sau 14 - 16 tháng TPP được ký chính thức thì Quốc hội các nước phải thông qua. Vậy, để chuẩn bị cho các đại biểu “bấm nút” thông qua thì các cơ quan chức năng của Quốc hội đã làm được những gì rồi, thưa ông?

- Có thể nói trong quá trình đàm phán TPP thì trong nhiều nội dung, các cơ quan chuyên môn của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn có liên quan của Chính phủ cũng đã thảo luận rất kỹ, nhất là những vấn đề cần phải xin ý kiến Bộ Chính trị. Đến thời điểm này, có thể nói kết quả đàm phán TPP đạt 100% yêu cầu mà chúng ta đặt ra. Thậm chí có những điều khoản còn đạt ở mức cao hơn mức mà chúng ta kỳ vọng. Bởi vì khi đi đàm phán, chúng ta đặt ra các mức cao là phải thế này, thấp là phải thế này. Có rất nhiều cái chúng ta đạt được ở mức cao và có lợi cho DN Việt Nam. Hiện nay, theo quy trình, thì đã báo cáo Hội nghị T.Ư 13 và cả T.Ư 14 về TPP. T.Ư đã có ý kiến là nhất trí thông qua những kết quả đàm phán. Vì vậy, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về TPP. Quốc hội sẽ thảo luận để hoàn thiện và ngay trong những ngày họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XIV, tôi tin là Hiệp định TPP sẽ được thông qua, vì cơ bản những điều kiện và thách thức đặt ra cho chúng ta trong quá trình tham gia TPP đều đã được Việt Nam, mà cụ thể là đoàn đàm phán có những thỏa thuận tương đối chặt chẽ với các đối tác.

Về mặt pháp lý, theo ông, các bộ luật của chúng ta như Luật DN, Luật Đầu tư có cần phải điều chỉnh để tương thích với các điều khoản của TPP không?

- Có thể nói rằng, cho tới thời điểm này, nhiều luật của chúng ta, ví dụ như Luật Đầu tư đã tương đương với các cam kết mà chúng ta thực hiện ở trong TPP. Để chuẩn bị cho quá trình hội nhập, Hiến pháp năm 2013 của chúng ta cũng đã quy định là công dân được làm mọi việc mà pháp luật không cấm. Còn Nhà nước muốn cấm công dân phải thông qua luật. Thế thì nó thể hiện ngay ở trong 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nếu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì các bộ phải công bố các điều kiện trên các website của mình và DN cứ thế mà thực hiện, không phải đi xin xỏ ai cả. Thế rồi sau đó thì DN phải chịu trách nhiệm trước các hoạt động của mình và các cơ quan quản lý Nhà nước đi hậu kiểm.

Theo quy định của TPP thì các thành viên tham gia hiệp định phải thành lập các bộ phận chuyên môn để xử lý các vấn đề như DNNN, vấn đề môi trường, vấn đề chống tham nhũng… Vậy, Việt Nam có thành lập các Ủy ban chuyên môn này không hay vẫn làm như truyền thống là mỗi bộ, ngành “nắm” một mảng, thưa ông?

- Thực ra trong 30 chương của TPP thì có tới 29 chương quy định về các vấn đề của nền kinh tế và xã hội, còn một chương 30 là điều khoản chung, điều khoản thi hành. Trong đó quy định mỗi nước tham gia TPP phải có một đầu mối chung để điều hành việc thực hiện TPP. Còn cả khối sẽ có một Ủy ban để điều phối chung nhằm xử lý những vấn đề nảy sinh. Ví dụ như vấn đề DNNN, vấn đề mua sắm công, vấn đề sở hữu trí tuệ… Thực ra, những vấn đề như sở hữu trí tuệ thì quy định của TPP cũng không khác mấy so với Công ước Berne (mà Việt Nam tham gia năm 2004), nhưng cụ thể hơn, chi tiết hơn. Nếu chúng ta coi Công ước Berne là luật thì những quy định của TPP là nghị định quy định chi tiết, cụ thể hơn.

Còn việc thành lập bộ phận chuyên môn riêng hay không thì Chính phủ phải chuẩn bị phương án để trình và thuyết phục các đại biểu Quốc hội “bấm nút”.

Theo quy định của TPP thì đến năm 2018, đa số các loại thuế đều có mức 0%. Việc này sẽ làm giảm nguồn thu đáng kể. Đây có là mối lo ngại lớn của Quốc hội không, thưa ông?

- Trong xu thế chung của thế giới thì thuế xuất nhập khẩu thường có xu hướng sẽ giảm sút. Thu ổn định là thuế thu nhập DN và thuế VAT, đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân. Ở các nước phát triển, thuế thu nhập cá nhân chiếm khoảng 60% nguồn thu. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà trong chương trình tranh cử đầu tiên của các lần tranh cử tổng thống ở Mỹ thì đều nói về thuế thu nhập cá nhân. Ví dụ, giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, giảm thuế cho tầng lớp có thu nhập cao. Đấy là xu thế tất yếu. Nếu chúng ta không vào TPP thì chúng ta cũng phải đi theo xu hướng này. Chứ chúng ta không thể duy trì mức thuế xuất nhập khẩu cao như thế này mãi được.

“Sức ép” của tự do lập hội

Thưa ông, một trong những điều kiện tiên quyết của TPP là NLĐ được quyền thành lập hội, hay công đoàn cơ sở. Liệu phải thực hiện ngay điều khoản này có là quá sớm so với điều kiện của Việt Nam hiện nay không?

- Chúng ta không nên lo lắng quá nhiều về điều này. Những quy định của TPP không khác mấy so với quy định của ILO mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1998. Trong ILO có 2 công ước quan trọng nhất, đó là Công ước 87 về quyền tự do lập hội của NLĐ ở cơ sở, hay quyền lập công đoàn cơ sở. NLĐ được quyền lập hội và họ được tự do tham gia một tổ chức hội nào đó mà họ muốn và chính quyền phải chấp nhận. Họ có quy chế, có đăng ký, và các tổ chức ấy được đối xử bình đẳng.
Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại tỉnh Tiền Giang. 	Ảnh: Thanh Hải
Chế biến tôm xuất khẩu sang thị trường Mỹ tại tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Thanh Hải
Công ước thứ hai là Công ước 107, khi công đoàn tập hợp được trên 50% NLĐ thì họ có quyền liên kết lại để ký với chủ thỏa ước lao động; và nếu cần, họ có thể đình công, hay kêu gọi đình công hợp pháp. Công đoàn này có thể hỗ trợ công đoàn khác. Họ liên kết ngang, liên kết dọc.

Như vậy là, ngay từ năm 1998, khi tham gia ILO, chúng ta đã chuẩn bị kỹ cho quá trình này rồi.

Vậy, còn các điều khoản về việc đáp ứng cho NLĐ như điều kiện làm việc, nơi ăn chốn ở… như yêu cầu của TPP mà các DN Việt Nam phải đáp ứng?

- Các yêu cầu trong TPP đều là mục tiêu mà Việt Nam phấn đấu xây dựng. Ví dụ, phải đảm bảo để NLĐ không làm việc quá 48 tiếng trong tuần; hay chỗ làm việc cũng quy định điều kiện vệ sinh, ánh sáng; hay không có lao động trẻ em. Những yêu cầu đó, hiện nay chúng ta đang phấn đấu. Đảng và Nhà nước còn đấu tranh yêu cầu các chủ lao động cải thiện điều kiện làm việc cho người công nhân, cải thiện điều kiện ăn ở trong khu ở của NLĐ. Đến mức nào đó, chúng ta thấy mục tiêu chúng ta đang phấn đấu trùng với tiêu chí, giới hạn kỹ thuật mà TPP đặt ra. Đấy chính là quyền mưu cầu hạnh phúc của con người.

Xin cảm ơn ông!