Theo đánh giá, thị trường BĐS Hà Nội đã chuẩn bị sẵn “tâm thế” cho một chu kỳ tăng trưởng mới.
Phục hồi tích cực
Sau một thời gian biến động do ảnh hưởng từ lạm phát toàn cầu và xung đột chính trị - quân sự tại một số quốc gia trên thế giới, từ đầu năm 2024 đến nay, kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng ở mức ổn định, lạm phát được kiểm soát, sản xuất trong nước khôi phục, vốn đầu tư và chỉ số tiêu dùng tăng trưởng mạnh... Lĩnh vực BĐS cũng đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, Thủ đô Hà Nội trở thành tiêu điểm, được xem là điểm sáng cho bức tranh toàn cảnh về thị trường BĐS ở thời điểm này.
Trong số những địa phương vốn là chủ lực của thị trường BĐS như TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Quốc (Kiên Giang), thì Thủ đô Hà Nội ghi nhận có sự phục hồi tích cực, sôi động nhất ở hầu hết các phân khúc, không chỉ phân khúc căn hộ chung cư, mà cả đất nền và biệt thự - nhà phố cũng đang bỏ xa các thị trường chủ lực khác.
Đơn cử, đối với phân khúc căn hộ chung cư, trong 6 tháng đầu năm 2024 Hà Nội có thêm trên 10.800 sản phẩm (trong khi tổng nguồn cung cả nước khoảng 27.300 sản phẩm), tăng 176% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó, tại TP Hồ Chí Minh chỉ có thêm gần 1.700 sản phẩm và giảm tới 56% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, lượng quan tâm tìm kiếm các sản phẩm BĐS từ đầu năm đến nay tại thị trường Hà Nội, qua số liệu thống kê từ trang tinbatdongsan.com.vn cũng tỏ ra vượt trội, bình quân tăng khoảng 75% so với cùng kỳ năm 2023. Cụ thể, lượt tìm kiếm các loại đất nền, thổ cư tăng 118%; chung cư tăng 46%; nhà riêng, nhà phố, biệt thự ghi nhận lượt tìm kiếm tăng lần lượt 33%, 27% và 9%.
Trong khi đó, thị trường Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh ghi nhận mức tăng bình quân lần lượt là 44% và 30%.
“Số liệu thống kê thị trường có thể thấy rõ, mức độ và khả năng phục hồi của thị trường BĐS Hà Nội tốt hơn nhiều so với các thị trường chủ lực khác. Mặc dù đều trải qua những đợt biến động chung, nhưng theo đánh giá của chúng tôi, Thủ đô Hà Nội chịu tác động từ đại dịch Covid-19 nhẹ nhất. Điều đó đã tạo ra “đà” phục hồi tốt hơn ở thời hậu Covid-19, so với các thị trường khác. Đồng thời kết hợp cùng hàng loạt cơ chế, chính sách của Chính phủ nhằm giúp thị trường BĐS phục hồi, duy trì được sự tăng trưởng và đến thời điểm này thì trở nên sôi động hơn cả” - Giám đốc batdongsan.com.vn Đinh Minh Tuấn nhìn nhận.
Lợi thế tăng trưởng từ hạ tầng và chính sách
Thời điểm hiện tại, Thủ đô Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông trọng điểm, kết nối các khu vực phát triển của TP và các tỉnh vùng Thủ đô tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Nếu như các tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh... đã hoàn thành và đưa vào vận hành, thì hiện nay Hà Nội lại đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng tuyến Vành đai 4, kết nối Thủ đô với toàn khu vực Bắc bộ, giúp thúc đẩy quá trình đô thị hóa và hình thành những đô thị vệ tinh. Đây được xem là xung lực quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho thị trường BĐS Hà Nội trong thời gian tới.
Trước đó, vào năm 2023, sau khi làm việc với chính quyền TP Hà Nội, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS đã tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết cho 400/712 dự án nhà ở, khu đô thị của Hà Nội, giúp các dự án này nhanh chóng được đưa vào triển khai đầu tư xây dựng, mở rộng thêm nguồn cung cho thị trường.
Cũng trong năm 2023, UBND TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn và UBND quận huyện, thị xã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ tại Nghị quyết 33/NQ-CP, nhằm thúc đẩy thị trường BĐS phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Ngoài ra, UBND TP Hà Nội cũng ban hành quyết định về thẩm định, phê duyệt mức giá đấu giá đất, đồng thời ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt mức giá khởi điểm để phục vụ công tác đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng hoặc thuê đất trên địa bàn TP, giúp giảm tải quy trình thủ tục và rút ngắn thời gian triển khai các dự án trên địa bàn.
Đáng chú ý, từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường BĐS cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng tiếp tục được cộng hưởng bởi hàng loạt những cơ chế, chính sách mới như: Nghị định số 64/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập và tiền thuê đất trong năm 2024;
Thông tư số 06/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; Thông tư số 42/2024/TT-BTC của Bộ Tài chính về thẩm định giá BĐS; Thông tư số 11/2024/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu DN. Bên cạnh đó là hàng loạt các Nghị định hướng dẫn thi hành các dự án luật sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS), cũng được xem là “cú hích” lớn cho thị trường BĐS Hà Nội.
“Các dự án luật mới chính thức có hiệu lực thi hành góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án BĐS, kỳ vọng mang lại những tín hiệu khởi sắc cho giai đoạn cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Tôi cho rằng, với tình hình phục hồi như hiện nay thì thị trường BĐS Hà Nội sẽ thực sự sôi động và tăng trưởng mạnh từ năm 2025, trong đó khu vực phía Đông và phía Tây vẫn được xem là địa bàn chủ lực” - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp nhận định.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường BĐS Hà Nội đã được cộng hưởng rất nhiều yếu tố có tác động tích cực. Đặc biệt, sau khi các bộ luật mới chính thức có hiệu lực thi hành là cơ sở để tháo gỡ khó khăn cho hàng loạt các dự án ở giai đoạn trước, đồng thời tạo điều kiện cho DN tiếp cận những dự án mới dễ dàng hơn. Thời gian qua, khu vực phía Đông và phía Tây Thủ đô đã phát triển mạnh mẽ, được rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, tiếp cận, tìm kiếm cơ hội. Dự báo những khu vực này sẽ tiếp tục được DN quan tâm đầu tư trong thời gian tới cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cơ sở hạ tầng.
Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính
Đánh giá về sự phục hồi, tăng trưởng vượt trội của thị trường BĐS Hà Nội thời gian gần đây so với các thị trường chủ lực khác, Giám đốc Bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng, với việc Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính đã tạo ra quỹ đất lớn cho Thủ đô kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng còn thiếu hoặc còn yếu, qua đó cũng tạo ra một quỹ đất tương đối lớn cho thị trường BĐS, bởi vậy xu hướng nguồn cung BĐS thời điểm hiện tại của Thủ đô đang tăng trưởng trái ngược với các khu vực khác.
“Thị trường BĐS Hà Nội đang phục hồi, tăng trưởng sôi động hơn rất nhiều so với các địa bàn khác, bởi ngoài lợi thế là quỹ đất lớn thì giá bán các sản phẩm BĐS của Hà Nội cũng đang ở giai đoạn hấp dẫn hơn. Cụ thể, thời điểm hiện tại mức giá BĐS bình quân ở Hà Nội thấp hơn TP Hồ Chí Minh khoảng 10%, ngoài ra mức giá bán ở Hà Nội thời gian gần đây ghi nhận tăng trưởng cao hơn TP Hồ Chí Minh cũng là điều dễ hiểu, bởi sau một thời gian bị lấn lướt, thời điểm này thị trường Hà Nội đang tăng tốc để thu hẹp khoảng cách” – ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt phân tích.
Lực đẩy từ các “ông lớn”
Theo Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh tiếp thị SenGroup Lê Ngọc Tùng Vi, bên cạnh những yếu tố vĩ mô thì những động thái của các DN kinh doanh BĐS cũng đang có tác động tích cực đến quá trình phục hồi, tăng trưởng của thị trường BĐS Hà Nội.
Đó là việc hàng loạt DN chủ động đưa ra nhiều chính sách ưu đãi bán hàng nhằm kích cầu và giúp thị trường bước vào chu kỳ phát triển mới, đơn cử như chính sách cho phép khách hàng chỉ cần thanh toán khoảng 30% giá trị hợp đồng và phần còn lại có thể được hỗ trợ vay trả chậm kéo dài tới 15 năm của Vingroup...
“Thời điểm này, khi các bộ luật mới đã chính thức có hiệu lực thi hành, đã giúp vực dậy niềm tin rất lớn cho thị trường BĐS, khi nhiều khó khăn liên quan đến pháp lý được tháo gỡ, cộng hướng với việc ngân hàng giảm lãi suất cho vay, DN kinh doanh BĐS đưa ra chính sách bán hàng phù hợp đánh trúng tâm lý của nhà đầu tư, cũng như người mua nhà, kéo theo động lực cho những DN khác tích cực tham gia vào thị trường. Qua đó, chúng ta có thể hi vọng vào sự phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường BĐS Hà Nội nói riêng và thị trường BĐS cả nước nói chung” – ông Lê Ngọc Tùng Vi cho hay.
Cùng quan điểm, Giám đốc Cấp cao CBRE Nguyễn Hoài An cũng cho rằng, thị trường BĐS Hà Nội thời gian gần đây có sự chuyển minh mạnh mẽ, ví dụ như khu vực phía Đông và phía Tây Thủ đô.
Từ chỗ là những khu vực hạ tầng giao thông hạn chế, thiếu cả hệ thống hạ tầng công cộng, dịch vụ, nhưng sau khoảng 10 năm trở lại đây đã phát triển thành những trung tâm sầm suất, giá trị BĐS tăng nhanh chóng theo từng quý, từng năm, bởi sự xuất hiện của một số “ông lớn” trong lĩnh vực BĐS, kéo theo đó là hàng loạt dự án đại đô thị, các sản phẩm BĐS với số lượng lớn được đưa ra thị trường.
Với lợi thế về quỹ đất còn khá nhiều, cùng với việc hệ thống hạ tầng, đặc biệt là giao thông đang tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư, dự báo trong vòng 5 - 7 năm nữa BĐS Hà Nội sẽ có sự tăng trưởng mạnh về quy mô và giá bán.
TP Hà Nội đang tích cực đẩy mạnh quá trình giãn dân tại khu vực nội đô lịch sử để phục vụ công tác tái thiết đô thị. Bên cạnh đó là xu hướng dịch chuyển địa điểm sinh sống của nhóm “dân số vàng” (tuổi từ 30 – 50) sang các khu vực ngoại thành, nơi có hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công cộng, dịch vụ đã và đang được đầu tư đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận tiện với trung tâm và các tỉnh, TP lân cận. Đặc biệt, các khu vực ngoại thành Hà Nội đang có lợi thế về quỹ đất còn tương đối nhiều, không những vậy nhiều DN kinh doanh BĐS lớn đều đã có sự hiện diện tại những khu vực này, nên đã thu hút được một lượng lớn khách hàng từ trung tâm dịch chuyển đến sinh sống. Đây chính là lợi thế để thị trường BĐS Hà Nội bứt phá trong thời gian tới.
Giám đốc cấp cao Bộ phận tư vấn và nghiên cứu BĐS – Savills Hà Nội Đỗ Thu Hằng