Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuẩn bị các điều kiện để phục hồi du lịch

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Du lịch Hà Nội đã bước qua một năm đầy thách thức vì dịch Covid-19. Để phục hồi du lịch thời kỳ hậu Covid-19, các DN cần chuẩn bị nền tảng cho giai đoạn sau thông qua khai thác tiềm năng, thế mạnh vốn có của Thủ đô.

Khách du lịch mua đồ lưu niệm tại chợ đêm Đồng Xuân. Ảnh: Hoài Nam
Hà Nội sẽ đón từ 13 - 19 triệu lượt khách
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 của Sở Du lịch Hà Nội mới đây, nhiều chuyên gia nhận định: Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn phức tạp, ngành du lịch xác định ít nhất trong nửa đầu năm 2021, do thị trường quốc tế vẫn “đóng cửa” nên thị trường nội địa là đòn bẩy cho ngành du lịch hồi phục. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết, năm 2021, ngành du lịch đề ra mục tiêu đón 10,96 - 15,34 triệu lượt khách nội địa, khách quốc tế đạt từ 2,2 - 3,7 triệu lượt khách. Tổng lượng khách du lịch sẽ đạt khoảng từ 13,16 - 19,04 triệu lượt khách. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội sẽ tập trung khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch văn hóa, sinh thái, gắn với hoạt động thể thao. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch CLB du lịch lữ hành UNESCO Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng, hoạt động kích cầu du lịch với các chương trình khuyến mại trong năm 2020 đã chạm “đáy” về giá. Vì thế trong năm tới, các đơn vị sẽ tập trung vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ để hấp dẫn du khách.

Hiện, các đơn vị quản lý điểm đến của Hà Nội cũng xây dựng nhiều sản phẩm trong năm 2021. Cụ thể, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã có kế hoạch tổ chức Hội chợ chữ Xuân. Di tích nhà tù Hỏa Lò thực hiện tiếp phiên bản mới của tour khám phá đêm, nhằm hướng tới nhiều đối tượng du khách hơn. Còn Ban Quản lý Vườn quốc gia Ba Vì tổ chức một số hoạt động mới như leo núi, đi bộ địa hình để tạo sản phẩm thể thao độc đáo cho người Hà Nội và du khách thập phương trải nghiệm.

Ghi dấu bằng những sản phẩm riêng

Theo các chuyên gia, nhiều di tích, di sản, làng nghề, ẩm thực... độc đáo là thế mạnh lớn nhất của Hà Nội trong việc xây dựng tour du lịch đặc trưng qua đó thu hút du khách. Tổng Giám đốc Công ty CP Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan cho biết: Hà Nội với hơn 1000 làng nghề và nhiều di tích lịch sử, văn hóa vì vậy ngành du lịch nên xây dựng sản phẩm “Cảm xúc Hà Nội”. Cụ thể là khai thác hài hòa các yếu tố, cảnh quan, di tích, ẩm thực, làng nghề của Thủ đô như đưa khách đến tham quan chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, ngắm cảnh hồ Hoàn Kiếm, mua sắm tại khu phố cổ, chợ Đồng Xuân, thăm làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc… “Nên triển sản phẩm này như một thương hiệu riêng của du lịch Thủ đô, định hướng các DN khách sạn, vận chuyển, điểm đến, liên kết giảm giá, nhưng không giảm chất lượng”- ông Hoan đề nghị.

Đồng tình với ý kiến này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nêu rõ: Để thu hút khách, Hà Nội cần xây dựng thêm những sản phẩm du lịch mới gắn với văn hóa và kinh tế ban đêm, nhất là khi TP đã mở rộng không gian đi bộ khu phố cổ; Mở rộng, nâng tầm các trung tâm mua sắm, khu ẩm thực đạt chuẩn để thu hút du khách. “Nghiên cứu về hoạt động phát triển kinh tế ban đêm của các TP Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... cho thấy, 70% chi tiêu của du khách rơi vào khung giờ từ 18 giờ hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau. Đây là cơ hội để Hà Nội xây dựng tour du lịch đêm”- ông Siêu hiến kế.

Theo Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch Nguyễn Anh Tuấn: Thời gian tới Hà Nội cần có kế hoạch phát triển kinh tế đêm một cách bài bản, quy củ; qua đó không chỉ tăng thêm sản phẩm du lịch độc đáo phục vụ khách du lịch mà còn tác động tích cực tới các ngành kinh tế, dịch vụ khác. Ngoài ra, với vùng rừng núi rộng lớn tại Ba Vì, Mỹ Đức… Hà Nội còn nhiều cơ hội để phát triển du lịch nghỉ dưỡng hay MICE (du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện) nhằm phát huy cao nhất tiềm năng của Thủ đô.

Từ những nhận định trên cho thấy, để kích cầu du lịch thông qua khai thác thị trường nội địa đòi hỏi các DN du lịch Hà Nội xây dựng các tour đặc trưng. Đây chính là cách định vị thương hiệu để tạo sức bật cho du lịch Thủ đô thời kỳ hậu Covid-19.
Ngành du lịch Hà Nội tập trung tổ chức tốt các sự kiện, lễ hội du lịch lớn trong năm 2021 như: Lễ hội kích cầu du lịch, lễ hội áo dài, ẩm thực và các sự kiện mang tầm quốc tế, tận dụng cơ hội sự kiện SEA Games 31 diễn ra tại Hà Nội để quảng bá… Tiến tới tổ chức các lễ hội, sự kiện này thường xuyên, định kỳ hàng năm, tạo điểm nhấn trong tổng thể du lịch của Thủ đô.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền