Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuẩn bị phương án nhân sự thay người có tín nhiệm thấp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 16/1, tại Phiên họp thứ 14, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Nghị quyết này có hiệu lực từ 1/2/2013.

Ngoài những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư mà Nghị quyết 35 của Quốc hội quy định, Nghị quyết hướng dẫn còn quy định các chức danh lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ở HĐND cấp xã, phường, thị trấn, gồm các chức danh: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND xã, phường, thị trấn; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các Ủy viên của UBND xã, phường, thị trấn.

Theo Nghị quyết, trường hợp một người đồng thời giữ nhiều chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện đối với chức vụ cao nhất. Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ tại kỳ họp thường lệ đầu tiên hàng năm của Quốc hội, HĐND các cấp, kể từ năm thứ hai của mỗi nhiệm kỳ.

Chuẩn bị phương án nhân sự thay người có tín nhiệm thấp - Ảnh 1

Thành ủy Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước lấy phiếu tín nhiệm đối với cá nhân các đồng chí lãnh đạo, quản lý của Thành phố. Ảnh: Thanh Hải

Thay vì nhiều người cùng một phiếu, UBTVQH yêu cầu chỉnh lý mỗi người một lá phiếu. Người được lấy phiếu tín nhiệm cần gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội (ĐBQH), HĐND trước kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm nêu rõ kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định... Đặc biệt, phải nêu rõ kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri. Tự đánh giá về các nội dung tu dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức…

Với người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 2/3 tổng số ĐBQH, HĐND đánh giá "tín nhiệm thấp" hoặc 2 năm liên tiếp có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp", UBTVQH, Thường trực HĐND có trách nhiệm nhanh chóng trình Quốc hội, HĐND bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó hoặc chậm nhất tại kỳ họp tiếp theo, trừ trường hợp người đó có đơn xin từ chức.

Trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH, HĐND bỏ phiếu "không tín nhiệm" thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền đã giới thiệu người đó có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn việc miễn nhiệm, cách chức.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên UBTVQH nghiên cứu, rà soát, hướng dẫn đầy đủ các nội dung trong Nghị quyết 35 một cách chi tiết tương tự như quy chế bầu cử. Đồng thời chú ý quy định chi tiết về quy trình hướng dẫn từ chức, miễn nhiệm; thay thế cán bộ trong trường hợp tín nhiệm thấp trên tinh thần là phải khẩn trương nhưng không nóng vội. Mặc dù "từ chức" khi bị tín nhiệm thấp là cơ chế "tự thân" của cán bộ, người giữ chức vụ được bầu, nhưng song song với việc thực hiện cơ chế đánh giá cán bộ, luôn cần phải chuẩn bị sẵn sàng nhân lực thay thế. Đồng thời, cũng đề nghị Ủy ban Pháp luật nghiên cứu quy định tính hợp lệ của phiếu hợp lý, chặt chẽ, không để xảy ra trường hợp rủi ro trong quá trình bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm.

Cùng ngày, UBTVQH cũng cho ý kiến về việc thành lập Thanh tra Kiểm toán Nhà nước trực thuộc Kiểm toán Nhà nước, đổi tên Vụ Quan hệ quốc tế thành Vụ Hợp tác quốc tế và việc bố trí vốn đầu tư giai đoạn 2013 - 2015 cho các dự án trụ sở làm việc của Kiểm toán Nhà nước. Đồng thời, bế mạc Phiên họp thứ 14 sau 2,5 ngày diễn ra với nhiều nội dung quan trọng.