Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chuẩn bị sân chơi mới thuế tối thiểu toàn cầu

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Việt Nam sẽ áp dụng thuế suất tối thiểu 15% (thuế tối thiểu toàn cầu) từ 1/1/2024. Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron... có khả năng chịu ảnh hưởng. Cần có những chính sách ưu đãi để giữ chân "đại bàng" FDI...

Bài toán giữ chân “đại bàng”

Thuế suất 15% sẽ áp dụng với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ buộc phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.

Việt Nam sẽ áp dụng thuế suất tối thiểu 15% (thuế tối thiểu toàn cầu) từ 1/1/2024. Ảnh minh hoạ
Việt Nam sẽ áp dụng thuế suất tối thiểu 15% (thuế tối thiểu toàn cầu) từ 1/1/2024. Ảnh minh hoạ

Ông Lưu Đức Huy - Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài, về cơ bản sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các nước có số vốn đầu tư lớn vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…

Các nước thuộc Liên minh châu Âu, hay các nước không phải thành viên EU như Thụy Sĩ, Vương Quốc Anh, Na Uy và các nước, khu vực tại châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Úc sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024.

Riêng Mỹ đã nâng mức thuế suất tối thiểu của Cơ chế thuế tối thiểu hiện hành từ 10,5% lên 21% và sửa đổi các quy tắc liên quan để phù hợp với các quy định về Thuế tối thiểu toàn cầu.

Tổng Cục thuế tính toán sơ bộ có khoảng 122 Tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của Quy định này. Những cái tên như Samsung, Intel, LG, Bosch, Sharp, Panasonic, Foxconn, Pegatron với vốn đầu tư đăng ký chiếm gần 30% tổng vốn FDI tại Việt Nam (khoảng 131,3 tỷ USD) là những dự án có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu.

Ngân sách ước tính sẽ thu được hơn 14.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Tức là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho các doanh nghiệp ngoại sẽ không còn tác dụng, nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư. Đặc biệt là với các nhà đầu tư chiến lược trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt trong thu hút đầu tư nước ngoài hiện nay.

Trước đó, tại các cuộc xúc tiến đầu tư, các doanh nghiệp FDI đề xuất Việt Nam sớm có chính sách hỗ trợ để giảm tác động. Trong đó, kiến nghị Việt Nam sẽ cần phải “bù lại” bằng cách thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi khác bên cạnh việc nâng cao môi trường kinh doanh (lao động, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính ...).

Chính sách ưu đãi đảm bảo môi trường đầu tư hấp dẫn

Theo PGS.TS Hoàng Văn Cường, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng, có hiệu lực. Đến nay 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đồng thuận với chính sách thuế này. Việc thu bổ sung thuế tối thiểu toàn cầu nếu Việt Nam không áp dụng thì những quốc gia nơi đặt trụ sở chính của các tập đoàn nước ngoài có quyền thu phần thuế chênh lệch, như thế sẽ mất khoản thuế trên.

Theo ông Cường, Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI do các lợi thế về nguồn nhân lực giá rẻ, vị trí địa lý thuận lợi, các hiệp định FTA trong môi trường kinh tế tăng trưởng nhanh và hệ thống chính trị, pháp luật ổn định, ôn hòa. Theo đó vốn đầu tư FDI kỳ vọng vẫn là yếu tố hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế trong các năm tới, và là động lực tăng trưởng cho nhóm bất động sản khu công nghiệp.

Thu hút đầu tư nước ngoài FDI 11 tháng đạt gần 29 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 20,25 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018 - 2023.

Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược phát triển, Việt Nam Nguyễn Thi Nga cũng cho rằng, các nền kinh tế cạnh tranh xuống đáy bằng thuế suất thấp là do có nhiều yếu tố bất lợi như chính trị không ổn định; hạ tầng yếu kém, chi phí sản xuất và logistics cao, năng suất lao động thấp, thị trường nhỏ, tham gia ít hiệp định thương mại tự do, nguồn nhân lực chất lượng thấp, cơ chế chính sách nhiêu khê, phiền hà...

Để hấp dẫn FDI, đồng thời bảo đảm quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, trước mắt, Chính phủ phải đàm phán riêng với từng doanh nghiệp sẽ bị áp thuế tối thiểu trong năm tới để tìm ra giải pháp hài hòa “hai bên cùng thắng”. Đồng thời phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực, giảm chi phí về thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp, tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch... “Toàn bộ cơ chế, chính sách này tất cả doanh nghiệp đều được hưởng bình đẳng và vẫn tuân thủ tuyệt đối yêu cầu của OECD”- bà Nga nhấn mạnh.

Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đang khẩn trương triển khai xây dựng Nghị định quy định chi tiết các nội dung được giao trong Nghị quyết của Quốc hội để bảo đảm bảo đầy đủ các căn cứ pháp lý, đồng bộ, thống nhất với quy định tại Nghị quyết để triển khai thực hiện.

 

Khi Việt Nam triển khai thuế tối thiểu toàn cầu thì có thể dành phần thuế thu thêm đó để phát triển hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư công nghệ, giúp doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi giá trị của chính các tập đoàn đa quốc gia đó. Thái Lan dự kiến phân bổ 50 - 70% số thuế tối thiểu toàn cầu cho quỹ nâng cao năng lực cạnh tranh của Uỷ ban đầu tư. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Thái Lan và cần tính cho cả các doanh nghiệp trong nước. (Phó Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn)