Theo kế hoạch, Lễ hội Khai ấn đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 20/2 đến ngày 25/2 (tức từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng).
Trong đó, ngày 20/2 (tức ngày 11 tháng Giêng) tổ chức Lễ rước kiệu Ngọc Lộ.
Ngày 21/2 (tức ngày 12 tháng Giêng) tổ chức Lễ rước Nước, tế Cá.
Ngày 23/2 (tức ngày 14 tháng Giêng): trong khoảng từ 22 giờ 15 phút đến 22 giờ 40 phút thực hiện nghi lễ dâng hương; trong khoảng từ 22 giờ 40 phút đến 23 giờ 10 phút tổ chức nghi lễ rước Kiệu ấn; trong khoảng từ 23 giờ 15 phút thực hiện nghi lễ Khai ấn.
Ngày 24/2 (tức ngày 15 tháng Giêng): từ 2 giờ 00 phút thực hiện nghi lễ hồi Kiệu ấn; từ 5 giờ 00 tổ chức phát ấn cho người dân và du khách ở 4 địa điểm gồm nhà Giải Vũ tại Cung Thiên Trường, Đền Cố Trạch và nhà trưng bày tại Cung Trùng Hoa.
Ngày 25/2 (tức ngày 16 tháng Giêng) tổ chức tế, lễ Tết Thượng nguyên tại đền Cố Trạch và làm lễ dâng Chúc văn hoàn cung.
Theo đó, Lễ chính Khai ấn đền Trần năm nay diễn ra vào dịp cuối tuần, với điều kiện thời tiết tốt và giao thông thuận lợi, dự báo lượng khách về dự lễ sẽ rất đông. Để Lễ hội Khai ấn đền Trần Xuân năm nay đảm bảo an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi theo kế hoạch đề ra, Ban Thường vụ Thành ủy Nam Định đã ban hành văn bản tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức lễ hội Khai ấn.
UBND thành phố Nam Định xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội Khai ấn; thành lập Ban tổ chức lễ hội; ban hành quy chế làm việc, phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ trước, trong và sau lễ hội.
Ban tổ chức lễ hội cũng thành lập 4 Tiểu ban: Nghi lễ, Tuyên truyền, An ninh trật tự, Hậu cần. Các Tiểu ban xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo công tác: thông tin tuyên truyền, trang trí khánh tiết, an ninh trật tự, an toàn giao thông, y tế, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ…
Với tổng diện tích 92,53 ha, Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần bao gồm 3 phân khu chính: Khu công viên văn hóa Trần (25,6 ha); Khu Trung tâm lễ hội (23,6 ha) và Khu đệm, dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật. Các hồ A, B đã hoàn thành, ốp lát đá tự nhiên quanh hồ (diện tích 18,5 nghìn m²), lắp đặt các bồn trồng cây đúc sẵn quanh hồ đảm bảo mỹ quan đô thị, đáp ứng lượng khách thập phương đông đảo về tham quan, dự lễ và ngắm cảnh. Hệ thống giao thông và các cơ sở dịch vụ trên địa bàn của các khu vực quanh Đền Trần đã được nâng cấp, xây dựng hiện đại.
Lực lượng Công an tỉnh đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn trong lễ hội Khai ấn; chỉ đạo Công an thành phố Nam Định, Công an phường Lộc Vượng phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ huy động hơn 2.500 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ, bảo vệ tổ dân phố, quản lý trật tự đô thị, thanh tra giao thông đảm bảo công tác an ninh trong đêm Khai ấn, an toàn cho người dân và du khách trong thời gian diễn ra lễ hội.
Thành phố tổ chức các tổ liên ngành thường trực tại khu vực đền Trần từ trong Tết Nguyên đán Giáp Thìn để kiểm soát, giám sát, phát hiện các trường hợp ăn xin, vi phạm pháp luật nhằm kịp thời xử lý. Do làm quyết liệt, bố trí các tổ liên ngành trực 3 ca hàng ngày tại khu vực Đền Trần nên năm nay tình trạng ăn xin, bán hàng rong chèo kéo khách tại đây không còn.
Nét mới của Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân năm nay, tại khu vực sân quảng trường Đông A - công trình đã được thi công sắp hoàn thiện trong Dự án Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, Ban tổ chức lễ hội dự kiến sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, hấp dẫn phục vụ du khách về dự lễ như: biểu diễn trống hội cà rùng; chơi cờ bỏi; tổ tôm điếm; múa lân - sư - rồng; thả diều sáo; hát Chèo; hát Văn; hát Xẩm; múa rối nước; tổ chức Chương trình “Mùa Xuân thượng võ”, biểu diễn võ thuật, thi đấu vật; các chương trình nghệ thuật của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài tỉnh; trưng bày triển lãm sinh vật cảnh, giới thiệu các sản phẩm OCOP Nam Định; Triển lãm “Hành cung Thiên trường - Dấu ấn vàng son”, triển lãm “Ảnh đẹp du lịch Nam Định”...
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ biểu dương các ngành chức năng và thành phố Nam Định đã triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm trước Quý Mão 2023. Kỳ lễ hội được đánh giá là tổ chức bài bản, chuyên nghiệp và thành công nhất từ trước đến nay.
Để phát huy những kết quả đạt được, các đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ yêu cầu UBND thành phố tăng cường phối hợp với các sở, ngành của tỉnh, các đơn vị liên quan tổ chức hiệu quả hơn nữa Lễ hội Khai ấn Đền Trần Xuân Giáp Thìn 2024. Theo đó, các đơn vị liên quan khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lễ hội, tập trung ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi, hiện tượng phản cảm, không đảm bảo nếp sống văn minh lễ hội như: đổi tiền lẻ, thu phí dịch vụ trông giữ phương tiện không đúng quy định...; tăng cường kiểm soát khu vực nội tự, yêu cầu người dân sau khi vào đền lễ thì rời khỏi khu vực nội tự Đền Trần trong đêm Khai ấn để đảm bảo việc tổ chức nghi lễ Khai ấn trang nghiêm, an toàn.
Các lực lượng chức năng quản lý chặt chẽ việc phát "ấn lộc" cho du khách theo đúng quy định; kiểm soát chấn chỉnh các dịch vụ trông giữ phương tiện đảm bảo thu đúng giá vé niêm yết; tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ phân luồng giao thông, phòng chống cháy nổ, y tế, vệ sinh môi trường, đảm bảo an ninh trật tự trong các thời điểm trước, trong và sau lễ hội để Lễ hội Khai ấn Đền Trần 2024 diễn ra an toàn, lành mạnh, văn minh, góp phần lan tỏa giá trị văn hoá truyền thống, nhân văn đến với bạn bè, du khách.