Chuẩn bị xét xử “siêu lừa” Huyền Như và đồng phạm

Bài, ảnh: Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

KInhtedothi - Theo thông tin từ TAND TP Hồ Chí Minh, từ ngày 2 – 5/1/2018 tới đây, đơn vị này sẽ mở phiên toà xét xử “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như (39 tuổi) - nguyên Phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) Chi nhánh TP Hồ Chí Minh và Võ Anh Tuấn (45 tuổi) - nguyên cán bộ Văn phòng Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, từ năm 2007, “siêu lừa” Huyền Như đã vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Đến năm 2010, do kinh doanh thua lỗ và phải trả lãi suất cao, nên Huyền Như không còn khả năng thanh toán.
 Bị can Huỳnh Thị Huyền Như tại phiên tòa xét xử đồng phạm tháng 9/2016.
Sau đó, lợi dụng quyền Trưởng phòng Giao dịch Điện Biên Phủ của VietinBank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh, từ tháng 6/2010, bị can Huyền Như đã lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho ngân hàng này để trực tiếp gặp gỡ, thỏa thuận với các đối tượng môi giới, đại diện của 5 công ty về việc nhận tiền gửi với lãi suất ưu đãi vượt trần lãi suất của Nhà nước quy định.
Cụ thể, Huyền Như đã lợi dụng các cá nhân, đơn vị gửi tiền vào VietinBank muốn nhận lãi suất cao để thỏa thuận trái pháp luật và dẫn dụ các đơn vị gửi tiền vào ngân hàng này. Khi các cá nhân và đơn vị này chuyển tiền thanh toán vào VietinBank, bị can Huyền Như sẽ lập chứng từ ký giả chữ ký của chủ tài khoản và sử dụng quyền trên hệ thống để trực tiếp thao tác chuyển tiền của khách hàng đi trả nợ cá nhân. Với thủ đoạn nêu trên, trong khoảng thời gian từ tháng 5 - 9/2011, “siêu lừa” Huyền Như đã chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của 5 công ty.
Cáo trạng cũng xác định, bị can Anh Tuấn biết Huyền Như lấy tên giả và danh nghĩa cán bộ của VietinBank để đi huy động vốn của Công ty TMCP Đầu tư Hưng Yên (Công ty Hưng Yên) nhưng để mặc cho “siêu lừa” làm giả hợp đồng. Theo đó, bị can Huyền Như đã lừa đảo chiếm đoạt của Công ty Hưng Yên hơn 200 tỷ đồng. Trong khi đó, theo bản án sơ thẩm ngày 27/1/2014 của TAND TP Hồ Chí Minh đã xác định, quá trình lừa đảo, bị can Anh Tuấn được Huyền Như cho 10 tỷ đồng.
Với hành vi nêu trên, hai bị can Huyền Như và Anh Tuấn bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tại bản án hình sự phúc thẩm, Toà phúc thẩm TAND Tối cao (nay là TAND cấp cao) tại TP Hồ Chí Minh nhận định: Hành vi chiếm đoạt số tiền trên 1.000 tỷ đồng của 5 công ty nói trên có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản”.
Tuy nhiên, quá trình điều tra lại, trên cơ sở xem xét, đánh giá động cơ, mục đích và phương thức thủ đoạn thực hiện hành vi phạm tội của Huyền Như, CQĐT xác định, có lỗi của 5 công ty khi thực hiện thoả thuận trái pháp luật với Huyền Như trong việc gửi tiền hưởng lãi suất vượt trần trái quy định nhà nước, lỗi trong quá trình thực hiện giao dịch gửi tiền vào ngân hàng… Đồng thời, xem xét lỗi của ngân hàng này trong việc giám sát, quản lý tiền gửi của khách hàng thì xét cả quá trình từ khi Huyền Như hình thành ý thức chiếm đoạt đến khi tội phạm hoàn thành, xuyên suốt vụ án Huyền Như là hành vi lừa đảo.... Vì vậy, CQĐT khẳng định, không có căn cứ để thay đổi tội danh từ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” sang “Tham ô tài sản” đối với Huyền Như.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần