Chuẩn hóa đội ngũ từ cơ sở: Hiệu quả từ cách làm sáng tạo

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định đội ngũ cán bộ, công chức có vị trí hết sức quan trọng trong quản lý kinh tế - xã hội, tham mưu hoạch định chính sách, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ này thông qua đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá.

Đây cũng là một trong những giải pháp cụ thể hóa các mục tiêu đặt ra trong Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy.

Cán bộ UBND huyện Quốc Oai hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Hùng
Cán bộ UBND huyện Quốc Oai hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Phạm Hùng

Sau khi Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tiếp tục được chú trọng. Không chỉ quan tâm đến đội ngũ cán bộ chủ chốt, Hà Nội vẫn là một trong những địa phương đi đầu trong việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho lãnh đạo, quản lý, hướng tới chuẩn hóa tới đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn. Song song với đó, TP chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tại các cơ quan hành chính.

Trong đó, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành và triển khai Kế hoạch số 46-KH/TU về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức TP giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, định lượng rõ đến năm 2025, 40% số cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được đào tạo, bồi dưỡng đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; tất cả cán bộ được quy hoạch vào các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được đào tạo cao cấp lý luận chính trị.

Toàn bộ cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn quy định trước khi bổ nhiệm ngạch, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý; tất cả cán bộ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên có trình độ chuyên môn đại học, lý luận chính trị từ trung cấp trở lên...

Theo Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo, trong từng thời kỳ, giai đoạn khác nhau, căn cứ vào yêu cầu thực tiễn, Đảng bộ TP Hà Nội đã chủ động tiến hành công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với nhiều giải pháp căn cơ, mang tính đột phá, đổi mới phù hợp thực tiễn.

Tuy nhiên, công tác này cũng bộc lộ một số hạn chế, trong đó, nội dung cập nhật công nghệ thông tin, kiến thức, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ đương chức và quy hoạch còn rập khuôn, thiếu sáng tạo, chưa có đổi mới mang tính đột phá; kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, việc đổi mới hơn nữa nhiệm vụ này là hết sức cần thiết.

Các kế hoạch, mục tiêu đang được hiện thực hóa. Mới đây, Ban Tổ chức Thành ủy phối hợp trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong khai giảng lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho 579 Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn nhiệm kỳ 2020 - 2025. Các học viên được học tập, nghiên cứu 18 chuyên đề với nội dung thiết thực về thẩm quyền, trách nhiệm, nhiệm vụ. Trong đó có những kỹ năng lãnh đạo, quản lý và xử lý tình huống trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của Bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn.

Như nhiều cán bộ cơ sở đã nhận định, với lượng kiến thức vừa phong phú, đa dạng, vừa chuyên sâu, qua lớp học, cán bộ có thêm nhiều kiến thức, nhất là kinh nghiệm xử lý các tình huống trong thực tế, giúp hiệu quả công việc được nâng lên rõ rệt. Đồng thời nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý, ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử, phục vụ Nhân dân…

Không chỉ ở cấp TP, bản thân Đảng bộ các quận, huyện cũng chủ động đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ từ quận, huyện tới cấp ủy, chính quyền cơ sở. Bởi thực tiễn cho thấy, cán bộ có năng lực, tâm huyết, lại được bồi dưỡng kỹ năng giải quyết những vấn đề, nhất là những vấn đề khó từ thực tiễn sẽ giúp chất lượng công việc cao hơn.