Vì vậy, việc nghiên cứu để đưa ra giải pháp hài hòa, hợp lý trong quy hoạch xây dựng hiện đại nhưng vẫn bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống bản địa, tận dụng tối đa ưu điểm của điều kiện tự nhiên là rất cần thiết.
Hệ lụy khi phát triển khu đô thị nóng
Từ năm 1986, khi Việt Nam bước vào giai đoạn công nghiệp hóa và đô thị hóa toàn diện, các khu đô thị mới ngay lập tức mọc lên, đầu tiên ở những TP lớn sau đó lan dần ra các tỉnh, thành. Đến nay, sau 35 năm chuyển đổi cơ cấu kinh tế, có thể nói, các khu đô thị mới hoặc khu dân cư nông thôn mới mọc lên với tốc độ chóng mặt. Xét về mặt tích cực, quá trình đô thị hóa đã thay đổi nhiều cho diện mạo kiến trúc và cảnh quan đô thị, đặc biệt đã tạo ra nhiều quỹ nhà ở, công trình công cộng, công trình hạ tầng kỹ thuật đáp ứng được phần nào nhu cầu phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, do phát triển nhanh, phát triển nóng cũng đã để lại những tồn tại, bất cập không nhỏ trong quá trình thực hiện quy hoạch và xây dựng các khu đô thị mới. Trong đó, phải kể đến vấn đề phát triển dân cư mới vùng ven đô, việc ứng xử với các không gian kiến trúc cảnh quan làng xã trong đô thị, các vấn đề bảo tồn những giá trị bản địa, truyền thống. Đặc biệt, trong khu đô thị mới chưa có chế tài cụ thể, nghiêm ngặt cho việc thiết kế kiến trúc cảnh quan, dẫn đến một thực tế “mạnh ai người ấy làm” một cách tự phát, thiếu đồng bộ, ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan chung của đô thị.
Thực tế cho thấy, các khu đô thị mới được quy hoạch, xây dựng khá đa dạng có diện tích từ dưới 10ha đến trên 200ha, mà những quy hoạch đó chủ yếu chỉ cần đáp ứng qui chuẩn QCVN01/2008 (sửa đổi và cập nhật 2014, 1019 và 2021). Trong quy chuẩn đó cũng chỉ có đầy đủ yêu cầu về mật độ, chiều cao, tỷ lệ từng loại đất mà không có các quy định về ngôn ngữ, màu sắc và hình thái kiến trúc.
Trong khi đó, diện tích cho phép xây dựng các khu đất ở luôn chiếm 30 - 40% mà trong đất ở có tới 90% là nhà ở chia lô nhưng lại không có hướng dẫn hay quy định cụ thể về kiến trúc loại hình công trình này. Điều này dẫn đến hệ lụy là tạo ra khe hở cho chủ đầu tư tự do “sáng tác” vì lợi ích trước mắt, phục vụ cho mục đích bán hàng mà xây dựng những khu đô thị mới thiếu bản sắc, nhàm chán, thậm chí sao chép nguyên mẫu như kiểu “một Paris giữa lòng Hà Nội” hay “một Venice giữa lòng Phú Quốc”.
Giải pháp từ quy hoạch xanh
Khoảng 15 năm trở lại đây, khái niệm "kiến trúc xanh" - “kiến trúc sinh thái” hay “kiến trúc phát triển bền vững” xuất hiện ngày càng nhiều. Có nhiều cách hiểu khác nhau về những khái niệm đó nhưng đều hướng tới việc nhắc nhở chúng ta hãy cẩn thận trong thiết kế và xây dựng, bảo vệ môi trường khi trên toàn trái đất các hiện tượng biến đổi khí hậu, thảm họa về môi trường ngày càng diễn ra hết sức phức tạp.
Việc thực hiện các quy hoạch này giúp cho con người tạo ra các không gian ở, không gian sinh hoạt tối ưu hơn. Nó cũng giúp cho chúng ta kiểm soát tốt hơn các vấn đề môi trường, môi sinh xung quanh. Tổng hợp ý kiến của một số chuyên gia về quy hoạch xây dựng, có thể nói, một đồ án quy hoạch xây dựng được cho là thành công nếu nó được nghiên cứu tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của hiện trạng, tôn trọng tối đa các điều kiện thiên nhiên nơi quy hoạch, không tác động quá mức và làm tăng giá trị của hiện trạng. Bên cạnh đó, trong thiết kế quy hoạch xây dựng, việc nghiên cứu tôn trọng địa hình và điều kiện thiên nhiên của hiện trạng không những đem lại cho đồ án quy hoạch có chất lượng tốt mà còn tiết kiệm chi phí cho việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Tuy nhiên, trên thực tế, các dự án quy hoạch (đặc biệt là dự án xây dựng các khu công nghiệp, hay khu đô thị mới), việc tôn trọng cảnh quan hiện trạng hay địa hình tự nhiên nơi xây dựng dự án dường như rất ít khi được nhắc tới. Đa phần dự án được xây dựng với một mật độ xây dựng rất lớn, việc nghiên cứu quy hoạch chưa được đầu tư đúng mức, thời gian thực hiện việc xây dựng quá ngắn, tất cả nguyên nhân đó dẫn tới khối lượng đào đắp rất cao, các không gian cảnh quan thiên nhiên bị xâm hại một cách thô bạo.
Điều này vô tình làm cho khu vực xây dựng dự án mất cân bằng sinh thái một cách nghiêm trọng. Chúng ta cũng có thể thấy ngay hệ lụy của việc mất cân bằng sinh thái này qua việc ngập lụt ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội hay việc sạt lở đất đá từ việc xây dựng các dự án trên đồi cao ở TP Hạ Long - Quảng Ninh… Đây là những minh chứng rất cụ thể cho việc lập quy hoạch thiếu tôn trọng môi trường thiên nhiên, đặc biệt là địa hình và các đường đồng mức.
Thứ hai, quy hoạch xanh còn là thiết kế quy hoạch tận dụng tối đa hướng nắng, hướng gió tốt, đảm bảo vi khí hậu cho các công trình và cụm công trình xây dựng. Quay trở lại quá khứ, tại những ngôi làng truyền thống vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, chúng ta có thể thấy được mặc dù tại thời điểm đó không có những nhà chuyên môn về kiến trúc hay quy hoạch nhưng cha ông ta vẫn tạo ra được các không gian “đô thị làng xã” hết sức hợp lý.
Các công trình xây dựng cho dù co cụm nhưng vẫn đảm bảo về mật độ xây dựng, đặc biệt tận dụng tối đa các hướng gió tốt và tránh được hướng gió xấu. Tổng thể làng xã luôn tạo ra những không gian vi khí hậu với cây đa, bến nước sân đình… Tổ chức không gian làng xã luôn hội tụ đầy đủ các yếu tố của một không gian sống sinh thái.
Để thiên nhiên không bị tàn phá, để môi trường sống của chúng ta luôn tốt đẹp, đặc biệt chống chọi với biến đổi khí hậu, thì việc nghiên cứu tận dụng tối đa các hướng nắng, hướng gió tốt, tạo các không gian đối lưu trong một đồ án quy hoạch cũng là một điều không thể bỏ qua của những nhà làm nghề thiết kế. Thiết kế quy hoạch phải tạo ra mạng lưới sinh thái, đặc biệt là các không gian xanh, không gian mở trong đô thị và việc kết nối các không gian đó.