Ngành hẹp, thị trường lớn
Theo thống kê, thị trường thang máy thế giới hiện nay khoảng 129 tỷ USD/năm, tốc độ tăng trưởng 7 - 8%/năm và trở thành bộ phận cấu thành không thể thiếu của xu hướng phát triển đô thị thông minh, hiện đại.
Nhưng tại Việt Nam, thang máy vẫn đang là một vấn đề còn mới mẻ. Cả nước có khoảng 3.000 tòa nhà cao tầng; trong đó, tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, dòng thang máy gia đình ở Việt Nam cũng có những bước phát triển vượt bậc. Hiện tại việc lắp đặt thang máy làm phương tiện giao thông đi lại trong các tòa nhà gia đình đã rất phổ biến và thông dụng. Với giá thành phù hợp, tốn ít điện năng, hố thang bé và chi phí bảo trì bảo dưỡng thấp thì việc lắp đặt hệ thống thang máy cho gia đình như nhà biệt thự, liền kề, nhà phố, nhà ống… ngày càng tăng nhanh về số lượng, chất lượng.
Các hãng thang máy Hitachi, Otis, Schindler, Mishubishi, Sanyo… đã xuất hiện ở thị trường đầy tiềm năng này. Hiện cả nước có trên 400 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy với hơn 1.500 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy. Nhu cầu nhân lực đến năm 2025 dự báo cần khoảng 10.000 lao động kỹ thuật bảo trì, sửa chữa và 3.750 nhân viên lắp đặt.
Hiện mỗi năm Việt Nam nhập trung bình khoảng 6.000 tháng máy và 1,7 triệu bộ linh kiện, đã chứng tỏ thang máy là ngành hẹp nhưng thị trường ngày càng lớn.
Nhân lực thang máy chưa được chuẩn hóa
Theo Thông tư số 01/2021/TT-BLĐTBNX, thang máy thuộc nhóm cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp về chất lượng sản phẩm, những tiêu chuẩn quốc gia về an toàn lao động. Nhưng đến nay tháng máy vẫn chưa được định danh là một nghề lao động được đào tạo chính thức.
Các doanh nghiệp lĩnh vực này tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp những chuyên ngành như điện, điện tử, điều khiển tự động, cơ khí, xây dựng, động cơ… ở trường đại học, cao đẳng kỹ thuật rồi đào tạo thêm kiến thức chuyên sâu, cả lý thuyết và thực tế về thang máy. Các hoạt động đào tạo theo kiểu cầm tay chỉ việc.
Việc tự đào tạo nhân lực của các doanh nghiệp khi chưa được cấp phép là rào cản khiến nguồn nhân lực thang máy khó được chuẩn hóa và công nhận. Thực tế, nhiều doanh nghiệp thang máy cũng chưa đủ điều kiện để được cấp phép đào tạo vì chưa có đủ chương trình, giáo trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Điều này khiến nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra trên địa bàn Hà Nội và cả nước nói chung. Điển hình là ngày 25/5/2022 mới đây, ca bin thang máy từ tầng 7 rơi tự do đã khiến 2 thợ thang máy đang làm việc tại ngõ 523 Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) tử vong. Trước đó, vụ rơi vận thăng lồng tại công trình xây dựng Sở Tài chính Nghệ An đã làm 3 người tử vong, 8 người khác bị thương nặng.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia nước ngoài, những doanh nhân đang kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, các công ty thang máy lớn của Việt Nam đều chỉ ra hàng loạt bất cấp khiến cho ngành thang máy chưa thể tiến nhanh như mong muốn.
Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Bộ LĐ-TB&XH) TS Nguyễn Chí Trường khẳng định, đã đến lúc các lao động ngành thang máy cần phải có Chứng chỉ Kỹ năng nghề Quốc gia. Các thang máy gia đình cần phải khai báo, kiểm định trước khi đưa vào sử dụng.
Thang máy là các thiết bị công nghệ phức tạp, đòi hỏi mức độ an toàn cao nên cần thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm định. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thang máy bắt buộc sử dụng lao động qua đào tạo để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và của chính lao động lắp đặt, bảo trì thang máy.
Các tham luận tại hội thảo đều cho rằng nhu cầu xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành thang máy Việt Nam là có thực. Chính vì thế, Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần sớm đưa nghề kỹ thuật thang máy vào danh mục nghề đào tạo. Trong thời gian tới các cơ quan quản lý nhà nước cần sớm xây dựng và ban hành Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Quốc gia.
Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Hải Đức