Chuẩn hóa thông tin thuê bao di động: Xóa sổ SIM rác

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Sau ngày 31/3, các thuê bao di động có thông tin không đúng quy định cũng như không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa 1 chiều và tiến tới là cắt dịch vụ.

Đây được xem là hành động mạnh tay của Bộ TT&TT cùng các nhà mạng nhằm triệt tiêu vấn nạn SIM rác, cuộc gọi lừa đảo đang hoành hành gây nhiều bức xúc cho người dùng.

Các thuê bao di động có thông tin không đúng quy định, không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa 1 chiều và tiến tới là cắt dịch vụ sau ngày 31-3. Ảnh Tuấn Anh
Các thuê bao di động có thông tin không đúng quy định, không trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ bị khóa 1 chiều và tiến tới là cắt dịch vụ sau ngày 31-3. Ảnh Tuấn Anh

Cắt dịch vụ nếu thông tin không chuẩn
Theo ước tính, trong tổng số 126 triệu thuê bao di động đang hoạt động thì có xấp xỉ 4 triệu thuê bao chưa được chuẩn hóa về thông tin (Viettel có 1,3 triệu; MobiFone có 1,4 triệu; VinaPhone có 1,1 triệu). Bắt đầu từ ngày 15/3, các nhà mạng tiến hành nhắn tin cho những thuê bao này để yêu cầu bổ sung thông tin.

Người tiêu dùng đăng ký thuê bao tại một cửa hàng Mobifone. Ảnh Thanh Hải
Người tiêu dùng đăng ký thuê bao tại một cửa hàng Mobifone. Ảnh Thanh Hải

Nếu sau 15 ngày, các thuê bao chưa cập nhật hoặc không đúng thông tin sẽ bị dừng hoạt động 1 chiều, sau 60 ngày thuê bao không có thông tin chuẩn xác sẽ bị cắt dịch vụ. Như vậy, 31/3 sẽ là thời điểm cuối cùng để các thuê bao di động cập nhật đầy đủ các thông tin nếu không muốn bị khóa.


Cũng trong dịp này, Cục Viễn thông đã yêu cầu các nhà mạng rà soát, đối chiếu, triển khai các giải pháp xác thực thông tin của các thuê bao đã có đầy đủ giấy tờ và đăng ký thông tin đúng quy định để đảm bảo thông tin thuê bao chính xác, trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đây là điều kiện tiên quyết nhằm đảm bảo quyền lợi của người sử dụng, tránh làm ảnh hưởng đến việc thuê bao đã có thông tin đúng quy định, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ trong việc phối hợp chuẩn hóa thông tin thuê bao. Đồng thời, nhà mạng cũng được khuyến cáo trong quá trình chuẩn hóa dữ liệu cần tuyên truyền đến người dùng, tránh bị kẻ xấu lợi dụng nhắn tin với nội dung tương tự để lừa đảo, đánh cắp thông tin.


Đối với người dùng, Cục Viễn thông cũng lưu ý, nếu nhận được đề nghị chuẩn hóa thông tin thuê bao từ DN viễn thông nghĩa là thông tin đăng ký của mình có thể chưa đầy đủ theo quy định, chưa khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó người dùng cần phối hợp với nhà mạng để thực hiện công việc chuẩn hóa thông tin, tránh các trường hợp giả mạo, mạo danh để thực hiện các hành vi trái pháp luật.


Theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã, việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người dùng viễn thông di động là yêu cầu quan trọng trong Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Quá trình này nhằm đảm bảo thông tin của người dùng trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như giải quyết triệt để tình trạng SIM, thuê bao di động không đúng quy định.

"Đây cũng là hoạt động cần thiết, phải có sự tham gia phối hợp giữa các bên cơ quan quản lý Nhà nước - nhà mạng - người dân nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng SIM điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục…" - ông Nguyễn Phong Nhã chia sẻ.


Triệt tiêu SIM không chính chủ
Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Bộ TT&TT yêu cầu các nhà mạng thực hiện rà soát lại thông tin đăng ký của các thuê bao di động. Nếu tính từ năm 2018 đến nay, đã có hơn 22 triệu thuê bao không có đầy đủ thông tin hoặc thông tin không chính xác bị xóa khỏi hệ thống.


Bên cạnh đó, việc tiến hành đối soát thông tin thuê bao qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng đã được các nhà mạng thực hiện ngay trong năm 2022. Tính đến hết tháng 11/2022, các nhà mạng đã rà soát được 1/4 trên tổng số 76 triệu thuê bao di động có đăng ký thông tin, trong đó có 90% thông tin là đúng và chỉ 10% chưa chính xác nên cần xác minh lại. Được biết, quá trình đối chiếu này sẽ được hoàn thành ngay trong quý I/2023.


Mặc dù cả phía cơ quan quản lý Nhà nước cùng các nhà mạng đã có nhiều biện pháp thắt chặt quản lý thông tin thuê bao di động nhưng tình trạng SIM không khai báo thông tin hoặc thông tin không chính xác đang lưu hành trên thị trường là khá lớn. Cuộc thanh tra của Bộ TT&TT hồi cuối năm 2022 về hoạt động quản lý thông tin thuê bao của các nhà mạng đã cho thấy vẫn còn có những lỗ hổng trong việc xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định cũng như SIM sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của các DN viễn thông di động.

Theo đó, cả 7 nhà mạng trong đợt thanh tra này đều có vi phạm và bị xử phạt số tiền lên tới hơn 1,7 tỷ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là: Quản lý chưa chặt chẽ dẫn tới thông tin thuê bao không chính xác, không đầy đủ theo quy định; chấp nhận đăng ký thông tin thuê bao bên ngoài điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; nhân viên đại lý/điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng thông tin cá nhân hoặc sử dụng thông tin của người khác để đăng ký thông tin thuê bao…

Do đó, kế hoạch triển khai chuẩn hóa thông tin thuê bao di động lần này của Cục Viễn thông được xem là hoạt động cần thiết nhằm chấm dứt tình trạng trên, đưa SIM di động vào diện quản lý chặt, gắn liền với người dùng, từ đấy triệt tiêu những hệ quả tiêu cực có thể nảy sinh như tin nhắn rác, cuộc gọi lừa đảo…
Được biết, tới thời điểm hiện tại, các nhà mạng lớn gồm: Viettel, MobiFone, VinaPhone đều chuẩn bị sẵn sàng hệ thống để hỗ trợ người dùng của mình có thể tự chuẩn hóa thông tin sau quá trình đối soát. Người dùng có thể thực hiện qua ứng dụng, website hoặc tới trực tiếp quầy giao dịch của nhà mạng. Đối với một số trường hợp đặc biệt, nhà mạng sẽ cho nhân viên đến tận nơi hỗ trợ người dùng chuẩn hóa thông tin.

Chia sẻ với Báo Kinh tế & Đô thị, đại diện VinaPhone cho biết: "Thực hiện chỉ đạo của Bộ TT&TT, từ nay cho đến 31/3/2023 VinaPhone đang cùng các DN viễn thông khác tích cực triển khai các biện pháp hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng có thông tin thuê bao chưa chính xác thực hiện chuẩn hóa thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư".


Nói về khả năng người dùng sẽ phải xếp hàng để cập nhật thông tin thuê bao như cách đây vài năm, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Phong Nhã khẳng định, tình trạng này sẽ không tái diễn tại lần chuẩn hóa thông tin này. Các nhà mạng đang có nhiều biện pháp khác nhau để giúp người dùng tiện lợi trong việc chuẩn hóa thông tin, bên cạnh đó, số lượng thuê bao sai lệch dữ liệu cũng thấp hơn, đồng thời ít dàn trải trên nhiều tỉnh, thành so với đợt khai báo thông tin chính chủ thuê bao lần trước.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần