Nỗ lực vượt khó của ngành giáo dục Nghệ An

Hoàng Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, đã cho thấy sự nỗ lực lớn của ngành giáo dục tỉnh Nghệ An. Đồng thời, cũng minh chứng cho sự quan tâm, chăm lo tới vẫn đề giáo dục của chính quyền địa phương.

Truyền thống và thành quả
Tỉnh Nghệ An lâu nay vẫn được xem là một mảnh đất hiếu học. Trải qua bao thăng trầm, người Nghệ vẫn luôn vượt qua mọi khó khăn để lưu giữ tốt truyền thống hiếu học. Mới đây, việc đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, cho thấy sự nỗ lực lớn của ngành giáo dục tỉnh Nghệ An.
 Dù là một tỉnh điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng việc đạt chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3 cho thấy sự nỗ lực của không riêng gì ngành giáo dục.
Cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 713/QĐ-UBND về việc công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS năm 2020. Hiện, ở bậc mầm non tỉnh Nghệ An đã có 21/21 huyện, thành, thị đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và có 21 đơn vị đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Ở bậc THCS, toàn tỉnh đã có 4 huyện, thị (TP Vinh, thị xã Cửa Lò, thị xã Thái Hòa và huyện Tân Kỳ) đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Có 13 đơn vị đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và còn 4 đơn vị (Quế Phong, Tương Dương, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai) đạt phổ cập giáo dục THCS mức độ 1.
Cũng theo quyết định 713/QĐ-UBND, hiện tỉnh Nghệ An có 21/21 huyện, thành, thị đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3. Số liệu này được đánh giá dựa vào tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi tiểu học đến trường. Cụ thể, số trẻ 6 tuổi (sinh năm 2014) đã huy động vào lớp 1 của tỉnh Nghệ An là  65.179, đạt tỷ lệ 99,75%; số trẻ 11 tuổi (sinh năm 2009) đã hoàn thành chương trình là 53.770, đạt tỷ lệ 96,71%. Trong đó, không có trường hợp trẻ 11 tuổi bỏ học. Ngoài ra, số học sinh khuyết tật có khả năng học tập toàn tỉnh, được huy động đến trường đạt 98,7%.
Có thể nói rằng, Nghệ An là một tỉnh có diện tích rộng nhất cả nước, có nhiều huyện miền núi đặc biệt khó khăn như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong... Đặc biệt là các huyện có biên giới vùng biên giáp nước bạn Lào. Những huyện này cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, bấp cập, đời sống người dân còn khó khăn. Địa hình đồi núi hết sức hiểm trở, có những điểm trường lẻ học sinh phải đi bộ nhiều giờ mới tới nơi.
Nỗ lực vượt khó
Theo số liệu thống kê, hiện tỉnh Nghệ An có 252 xã, 1.339 thôn, bản với dân số 1.197.628 người là đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Với 39 dân tộc, trong đó DTTS có dân số đông chủ yếu là người Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu. Dân số người DTTS là 491.295 người (chiếm 14,76,% dân số toàn tỉnh), sinh sống xen ghép trên địa bàn 12 huyện, thị. Có 27 xã biên giới, 419km đường biên tiếp giáp nước CHDCND Lào và là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh.
Mặc dù điều kiện kinh tế, xã hội, hạ tầng cũng như đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà ngành giáo dục Nghệ An thiếu đi những thành tựu đáng kể để ghi danh. Cũng như việc đã tạo điều kiện tối đa để trẻ em được đến trường đầy đủ, bảo đảm quyền lợi cũng như tạo đà phát triển lâu dài.
Việc đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 của tỉnh Nghệ An đã khiến nhiều người bất ngờ. Bởi lâu nay, nhắc tới miền núi, con em vùng DTTS tại Nghệ An người ta vẫn còn nhớ bao câu chuyện nhọc nhằn, cảm động của giáo viên, chính quyền địa phương trong hành trình vận động trẻ em đến trường, học chữ.
GS.TS.Thái Văn Thành chia sẻ về những nỗ lực vượt khó của ngành.
Nói về câu chuyện vượt khó để đạt được thành tích này, GS.TS.Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, để có những thành tích hôm nay là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt từ UBND tỉnh, sự chăm lo, quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh đối với ngành giáo dục.
Cùng với đó là sự đầu tư, chỉ đạo, quán triệt và tạo điều kiện tối đa nhất để ngành giáo dục củng cố cơ sở hạ tầng trường, lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cũng như xây dựng nề nếp chung của toàn ngành trước trọng trách lớn. Từ sự quan tâm của tỉnh, toàn ngành đã không ngừng chăm lo đời sống cũng như nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, giá viên, đặc biệt là giáo viên cấp cơ sở. Nhờ chủ trương xã hội hóa giáo dục, việc vận động đóng góp xây dựng, củng cố trường lớp thêm phần khang trang, sạch, đẹp bảo đảm đủ cơ sở vật chất, điều kiện tối đa cho việc dạy, học đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và chính quyền địa phương. Đặc biệt nhất là hệ thống giáo dục tại các xã, huyện miền núi. Giáo viên, cán bộ được bổ sung, nâng cao thêm về ngôn ngữ người dân tộc bản địa. Điều đó đã tăng thêm phần am hiểu phong tục, tập quán, lối sống cũng như chia sẻ, vận động, tuyên truyền cho người dân vùng thiểu số hiểu rõ tầm quan trọng về việc đưa trẻ đến trường, học chữ, hiệu quả hơn. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở giáo dục tư thục đi vào hoạt động, vừa bảo đảm bảo chất lượng và giảm nhiệt, áp lực cho các trường thuộc hệ thống giáo dục công...
“Để có thành quả hôm nay là cả một quá trình dài không ngừng nỗ lực của cả toàn ngành, trải qua bao thế hệ, dẫu có muôn vàn khó khăn, thách thức do địa lý, kinh tế, tập quán xã hội...Nhưng ngành giáo dục tỉnh Nghệ An đã vượt qua, vươn lên và đã được ghi nhận. Đây là những nền tảng vững chắc để ngành giáo dục tỉnh nhà không ngừng phát huy vai trò, vị thế, trách nhiệm trong công tác, nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra” - GS.TS.Thái Văn Thành cho biết.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần