Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng chỉ hành nghề trong công tác trùng tu di tích: Vội vàng "xóa mù"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL quy định những người tham gia công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích phải có chứng chỉ hành nghề, có hiệu lực đã được gần một tháng (từ 7/2013).

 Xem ra, sau cả một quãng thời gian nhiều di tích bị làm mới, nguồn nhân lực cho công tác trùng tu mới bắt đầu được "xóa mù".

Chuẩn bị gấp gáp

Lâu nay, các dự án trùng tu di tích vẫn được thực hiện theo phương thức đấu thầu. Do đó, nhiều khi đơn vị trúng thầu lại là những công ty xây dựng dân dụng, không có chuyên môn về trùng tu di tích. Một thời gian dài, liên tục các cuộc hội bàn đã diễn ra giữa người quản lý và nhà khoa học để đi đến thống nhất cần có một thông tư yêu cầu giấy chứng nhận trùng tu với đơn vị và chứng chỉ hành nghề với cá nhân tham gia trùng tu di tích. Và từ ngày 1/7/2013, Thông tư 18/2012/TT-BVHTTDL của Bộ VHTT&DL chính thức có hiệu lực, làm náo động giới trùng tu di tích.

Chứng chỉ hành nghề trong công tác trùng tu di tích: Vội vàng "xóa mù" - Ảnh 1

Giác Khánh chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ khi trùng tu lần đầu đã sau lệch so với nguyên gốc.  Ảnh Hồng Hạnh 

Giới làm trùng tu náo loạn cũng phải, bởi trước khi Thông tư này có hiệu lực, để chuẩn bị điều kiện tham gia trùng tu các dự án tu bổ di tích, các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng vội vàng tham gia các khóa đào tạo bồi dưỡng kiến thức bảo vệ di tích của Đại học Văn hóa Hà Nội, Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh và Viện Bảo tồn di tích. Và khi Thông tư 18 ra đời, hàng loạt các khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn cũng được mở ra liên tục. Viện Bảo tồn di tích cho biết, trong 3 năm (từ 2010 đến nay), Viện đã liên tục tổ chức các khóa đào tạo với con số gần 300 học viên tham dự... Tuy nhiên, 300 học viên đã được đào tạo vẫn là quá nhỏ so với con số di tích, công trình văn hóa đang cần những con người có tâm huyết, có trình độ thực thi.

Cục Di sản văn hóa sẽ là nơi được Bộ VHTT&DL giao cho nhiệm vụ cấp chứng chỉ hành nghề trùng tu di tích. Nhưng nhiều người đã đặt ra câu hỏi, một khóa học ngắn hạn có đủ khả năng "xóa mù" về trùng tu di tích, đó là chưa kể có thể xảy ra tình trạng "chạy" chứng chỉ như rất nhiều ngành, nghề khác.

Chấm dứt tình trạng “cơm chấm cơm”

"Để quản lý được chất lượng chứng chỉ, điều quan trọng nhất là phải tăng cường công tác quản lý những nơi đào tạo và đội ngũ những giảng viên thực hiện chương trình đào tạo đó. Trên thực tế, mong muốn của mọi người khác nhau, và có nhiều cách để làm sao có chứng chỉ một cách nhanh nhất. Nếu quản lý tốt chương trình và cách thức, kiểm soát cơ sở đào tạo sẽ giảm thiểu được điều kiện mang tính hình thức".

Ông Lê Thành VinhViện trưởng Viện Bảo tồn di tích

Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam: "Trước mắt, cần chấm dứt tình trạng "cơm chấm cơm" tại các nơi đào tạo bằng hai phương thức: Một là tạo điều kiện cho các giáo viên nghiên cứu khoa học, gửi đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các nước nổi tiếng về trùng tu như Nhật Bản, Hàn Quốc...; hai là tạo điều kiện cho người làm công tác trùng tu có cơ hội tham gia dự án hợp tác quốc tế, tiếp cận kinh nghiệm thực tiễn…". PGS.TS Trương Quốc Bình, Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam đề nghị, Bộ VHTT&DL làm việc với Bộ GD&ĐT nghiên cứu, ban hành mã số đào tạo bậc đại học về bảo tồn di tích (hoặc di sản văn hóa).

Hiện tại, các đơn vị, địa phương như Sở VHTT&DL Hà Nội đã lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra chứng chỉ của các cá nhân đang tham gia trùng tu di tích trên địa bàn. Bộ VHTT&DL cũng đã thanh tra, kiểm tra, giám sát ở 6 địa phương. Với nhiều động thái siết chặt giai đoạn ban đầu, hy vọng vấn đề trùng tu di tích sẽ đi vào khuôn khổ, không còn tình trạng nhập nhèm sáng tối như thời gian qua.