Những ngày gần đây Thành phố Hồ Chí Minh đối diện với tình trạng nắng nóng gay gắt, nhiều người lao động sống trong chung cư cũ, những khu nhà chật hẹp, nhà tạm…không đảm bảo an toàn, bất an trước nguy cơ cháy nổ đang âm thầm hiện hữu.
Hiểm họa cháy nổ rình rập
Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, dọc theo các kênh rạch ở Thành phố Hồ Chí Minh như kênh Tẻ (quận 4), rạch Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh), kênh Tàu Hủ (quận 8)…có hàng chục nghìn căn nhà lụp xụp nằm ven kênh với mật độ dân cư dày đặc.
Hầu hết những căn nhà này được dựng tạm bợ bằng vật liệu dễ cháy như: gỗ, ván ép, tôn…vừa xập xệ, vừa cũ nát, nằm san sát nhau và lấn ra bờ kênh.
Đáng chú ý, đa số con hẻm dẫn vào những khu vực này nhỏ hẹp, ngoằn ngoèo khiến việc di chuyển, thoát hiểm trong những trường hợp khẩn cấp như hỏa hoạn trở nên vô cùng khó khăn. Vụ cháy lớn dãy nhà ven kênh ở quận 8 xảy ra tối 1/4 vừa qua là minh chứng cho nguy cơ hỏa hoạn rình rập những khu vực này.
Tương tự, nguy cơ cháy nổ cũng đang tiềm ẩn tại các chung cư, nhà cao tầng trên địa bàn Thành phố. Trong đó, chung cư cũ là đáng lo ngại nhất vì có hệ thống dây điện cũ kỹ, không được bảo trì thường xuyên.
Tại chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5), khi được hỏi về bình chữa cháy hay chuông báo khói báo cháy, thì nhiều người lắc đầu không biết.
“Nếu có cháy thì mọi người báo hiệu cho nhau bằng cách la toáng lên, chúng tôi không biết và cũng chưa từng thấy chuông báo cháy ở chung cư này” – anh T., cư dân chung 440 Trần Hưng Đạo cho hay.
Khảo sát tại chung cư trăm tuổi 89 Phùng Hưng (quận 5) cho thấy, hạ tầng xuống cấp trầm trọng. Chưa kể, hệ thống dây điện chằng chịt, đóng bụi, móc nối loạn xạ, kéo từ nhà này qua nhà khác như mạng nhện, rất thiếu an toàn.
Chị H., cư dân tại đây chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nắng nóng là lại sống trong nỗi thấp thỏm, lo sợ cháy nổ: “Thủ sẵn bình chữa cháy mini trong nhà vẫn là chưa đủ để xua tan nổi bất an. “Ma trận” dây điện, đồng hồ điện bủa vây, nặng trĩu như mắc võng, khiến chúng tôi không thể ăn ngon, ngủ ngon trong mùa nắng này” chi H. than thở.
Tìm đến Chung cư Ngô Gia Tự (quận 10), phóng viên bất ngờ khi thấy có những ban công được người dân tận dụng, cơi nới để làm nơi chứa đồ đạc, phơi quần áo. Thậm chí rào kín bằng lưới sắt và khung kim loại đề phòng trộm cắp, gây ra tình trạng không lối thoát hiểm nếu chẳng may xảy ra sự cố hỏa hoạn.
Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh nhà tạm và chung cư cũ, thì mô hình chung cư “mini", nhà trọ, “hộp ngủ”, nhà nguyên căn nhiều phòng...cũng đang là nỗi lo lớn.
Điểm chung của các ngôi nhà này là nhà cao tầng kiểu nhà “ống”, ẩn sâu trong các hẻm nhỏ, có đông người lưu trú nhưng lại không bảo đảm các quy định về PCCC.
“Tất cả từ ăn, ngủ, sinh hoạt, nấu nướng diễn ra trong một không gian duy nhất, vừa chật hẹp vừa nóng bức, đã từng là nguyên nhân của rất nhiều vụ cháy. Tuy nhiên vì thu nhập hạn chế, gia đình tôi không còn lựa chọn nào khác, ngoài căn phòng trọ này” - anh Q. (ngụ quận Gò Vấp) nói.
Ngoài ra, gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn PCCC, đặc biệt còn có loại hình nhà ở kết hợp kinh doanh thường chứa những loại vật liệu dễ cháy. Điểm chung của nhà ở dạng này là xây dựng tự do, không theo quy hoạch, phân bổ ở các khu dân cư đông người, xung quanh các chợ, tuyến phố và chủ yếu kinh doanh các loại vật liệu dễ cháy như quần áo, giày dép…nên phần lớn an toàn PCCC phụ thuộc vào ý thức của người dân.
Cần chủ động PCCC mùa nắng nóng
Hiện này dù các quy định về PCCC, cứu nạn cứu hộ khá chặt chẽ, cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, song thực tế rất khó để đảm bảo an toàn PCCC tuyệt đối khi thời tiết nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng là nguy cơ dẫn đến chập điện và cháy nổ rất cao.
Do vậy, để nâng cao ý thức của mỗi người dân, tổ chức trong công tác PCCC mùa nắng nóng, mới đây, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (Công an Thành phố Hồ Chí Minh) đã khuyến nghị người dân thực hiện 13 điều, gồm:
Khóa van bình gas, tắt bếp khi không sử dụng;
Không tàng trữ, buôn bán chất dễ cháy nổ tại nhà;
Không lắp đặt "chuồng cọp" trong căn hộ để bịt lối thoát hiểm;
Mỗi gia đình cần có phương án thoát nạn;
Không dùng nước chữa cháy khi chưa ngắt nguồn điện;
Nếu bị mắc kẹt trong đám cháy, bắt buộc phải băng qua lửa thì dùng khăn, mền thấm nước vấn quanh người để bảo vệ cơ quan hô hấp;
Kiểm tra các mối nối điện trong nhà phải đảm bảo kỹ thuật;
Không câu móc, đấu nối điện tùy tiện trong nhà;
Không sử dụng các thiết bị điện công suất lớn vào một ổ cắm;
Không sạc pin điện thoại, máy tính, xe điện qua đêm;
Trước khi ra đi ngủ hoặc ra khỏi nhà cần kiểm tra, tắt hết các thiết bị điện, bếp gas;
Khi đun nấu, đốt vàng mã cần phải có người trông coi để tránh cháy lan;
Khi có cháy xảy ra, người dân cần báo động cho người khác biết, tắt nguồn điện, dùng bình chữa cháy tại chỗ dập lửa.
Đồng thời, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình trong công tác PCCC ở khu dân cư, nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp kinh doanh, cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê để ở, chợ truyền thống, karaoke, vũ trường... và các loại hình tập trung đông người (trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, chùa...) nâng cao ý thức, trách nhiệm và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, tự xây dựng các phương án chữa cháy, thoát nạn đề phòng các sự cố xảy ra. Kịp thời cùng với lực lượng chức năng nâng cao các biện pháp phòng, chống cháy, nổ và ứng phó nhanh khi có tình huống cháy, nổ xảy ra.
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, KTS. Nguyễn Trọng Văn tư vấn, người dân cần thường xuyên kiểm tra, chú ý tới các địa điểm dễ xảy ra cháy nổ như công tắc điện, nơi đặt cầu giao điện. Đồng thời chủ động tự trang bị các phương tiện PCCC, dụng cụ thoát trong nhà, trong căn hộ.
“Mỗi chung cư, nhà cao tầng đều có kiến trúc khác nhau nên người dân cần phải tìm hiểu kỹ những chỉ dẫn thoát hiểm nơi mình sinh sống” - KTS. Nguyễn Trọng Văn nói và nhấn mạnh, đặc thù ở các đô thị lớn ở Việt Nam thiết kế nhà ở có lối thoát hiểm hạn chế nên khi cháy xảy ra thường gây thiệt hại về người. Vì vậy, về lâu dài, để PCCC bền vững, kiến trúc là yếu tố rất quan trọng, cần phải được lưu tâm.