Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Đảm bảo sinh kế sau thiên tai: Cần chiến lược dài hạn, kết hợp giữa cứu trợ trước mắt và phát triển bền vững

Kinhtedothi – Chiều 31/3, trong khuôn khổ Lễ khởi động Chương trình truyền thông "Những cống hiến thầm lặng" năm 2025 đã diễn ra Toạ đàm "Giải pháp đảm bảo sinh kế cho người lao động sau thiên tai".

Chương trình do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (ActionAid Việt Nam), Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV) tổ chức diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Với chủ đề “Giải pháp đảm bảo sinh kế cho người lao động sau thiên tai”, tọa đàm diễn ra với sự tham gia của các diễn giả: TS. Hoàng Mạnh Hùng – Giảng viên chính ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp Trường Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân; bà Lưu Ánh Nguyệt, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính; ông Nguyễn Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hà Nội; ông Đặng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội; bà Cao Thị Luyến – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ).

Ban tổ chức tặng hoa các khách mời tham dự Tọa đàm. 

Công tác truyền thông cảnh báo rất quan trọng để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS.Nguyễn Đức Toàn - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhấn mạnh: Mảnh đất hình chữ S trải qua nhiều mất mát do thảm họa bão lụt. Gần đây nhất, tổng thiệt hại kinh tế do bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão ước tính sơ bộ trên 81.000 tỉ đồng, nhiều người chết, cảnh nhà ly tán… Do vậy, TS.Nguyễn Đức Toàn cho rằng, việc đi sâu vào chủ đề này trong năm 2025 của Ban Tổ chức là rất thiết thực, nhân văn, mang tính thời sự sâu sắc.

TS.Nguyễn Đức Toàn - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền phát biểu khai mạc Tọa đàm. 

TS Nguyễn Đức Toàn bày tỏ một vài ý kiến xung quanh công tác thông tin, truyền thông cảnh báo có vai trò đặc biệt quan trọng để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai và nâng cao nhận thức của các bên trong đảm bảo sinh kế của người bị ảnh hưởng của lũ lụt. "Tôi cho rằng, trong vai trò truyền thông, các cơ quan báo chí cần làm tốt việc thông tin cảnh báo, thông tin nguy cơ thiệt hại tiềm ẩn do thiên tai để người dân ở vùng nguy cơ cao cảnh báo nâng cao ý thức phòng, chống, chủ động thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho gia đình, cộng đồng, giảm thiểu tối đa thiệt hại" - Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền nói.

TS. Nguyễn Đức Toàn cũng khẳng định, kinh nghiệm cho thấy, các cảnh báo sớm về thiên tai và công tác thông tin, truyền thông trong công tác này là một thành phần rất hiệu quả trong công tác quản lý và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai xảy ra.

TS. Nguyễn Đức Toàn kỳ vọng các cơ quan truyền thông sẽ làm tốt hơn nữa, quan tâm hơn nữa đến việc truyên truyền để nâng cao nhận thức về bảo hiểm thiên tai và vấn đề đảm bảo môi trường, sức khoẻ, sinh kế của người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Thiên tai gây thiệt hại nặng nề cho người lao động

Mở đầu tọa đàm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Nguyễn Thanh Xuân cho biết, thiệt hại của người nông dân Việt Nam nói chung và Hà Nội do lũ lụt, hạn hán trong năm 2024 là rất lớn. Riêng cơn bão Yagi (cơn bão số 3) vừa qua trên địa bàn Hà Nội đã làm 4 người chết, 17 người bị thương. Bên cạnh đó, dông lốc, mưa bão đã làm 101.721 cây xanh các loại bị gãy đổ, bật gốc, 1.790 cây bị gãy cành. Địa phương có nhiều cây xanh bị gãy đổ, gồm: Huyện Phú Xuyên với 11.346 cây, Chương Mỹ 7.764 cây, Gia Lâm 4.868 cây, Thanh Trì 4.793 cây, Thường Tín 4.328 cây... Dông lốc, mưa bão còn làm 28.607 mái nhà, chuồng trại chăn nuôi lợp tôn bị lật, 476 sự cố về điện, 880 cột điện gãy đổ, 189 ô tô và 13 mô tô bị hư hỏng do cây đổ...

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hà Nội Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ tại tọa đàm. 

Đặc biệt, mưa lớn và dông bão gây thiệt hại nặng trong sản xuất nông nghiệp của khu vực ngoại thành. Ước tính tổng thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP sau cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão là trên 2.286 tỷ đồng. Đối với trồng trọt, thiệt hại khoảng 1.956 tỷ đồng; đối với chăn nuôi ước thiệt hại 31,8 tỷ đồng, thủy sản ước thiệt hại 298,9 tỷ đồng. Chưa kể mưa bão đã gây ra 32 sự cố sạt lở liên quan đến đê điều, ảnh hưởng đến đê điều, bờ bãi sông; gây ra 151 sự cố công trình thủy lợi.

“Ở nông thôn, phụ nữ chiếm đa phần nên đây là đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương khi mà lũ lụt, mưa bão, thiên tai gây ra” – ông Nguyễn Thanh Xuân nói.

Phân tích sâu hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, TS. Hoàng Mạnh Hùng – Giảng viên chính ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp Trường Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, lĩnh vực về nông nghiệp nông thôn bị thiệt hại rất lớn sau thiên tai năm 2024, đặc biệt là cơn bão Yagi. Theo thống kê, tổng số thiệt hại về nông nghiệp là 350.000 ha lúa, chiếm tới 75.000 ha lúa bị mất trắng, mất từ 75% trở lên. Ngoài ra, về gia súc thiệt hại hơn 44.000 và hàng triệu con gia cầm. Thiệt hại lớn nữa là hệ thống hạ tầng.

Các khách mời chia sẻ tại Tọa đàm. 

Thiệt hại về nông thôn không phải một sớm một chiều xử lý ngay được mà đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến ô nhiễm môi trường. Với thiệt hại này, khi quy đổi ra số giá trị của tài chính thì thống kê tổng giá trị thiệt hại nông nghiệpp sau bão Yagi là 3.800 tỷ đồng, chiếm tới 38% tổng hiệt hại của nền kinh tế.

Lý giải về vấn đề này, TS. Hoàng Mạnh Hùng cho biết, hạ tầng của khu vực nông thôn yếu kém hơn so với khu vực đô thị; xu hướng phát triển nông nghiệp hiện nay khác với trước đây là nông nghiệp về công nghệ cao, tiên tiến, nông nghiệp xanh - tuần hoàn - bền vững. “Hạ tầng nông nghiệp rất dễ bị chi phối bởi thiên tai do đặc tính bao trùm rộng lớn và phức tạp. Nên khi có thiên tai rất khó lường trước được. Cơn bão Yagi vừa qua, chúng ta nhận thấy rằng chúng ta không lường trước được. Những thiệt hại của nó quá lớn” – TS. Hoàng Mạnh Hùng nói.

Người dân đã sống chung với bão lũ

Một địa bàn thuộc TP Hà Nội thường xuyên phải chịu ảnh hưởng do mưa bão, lũ lụt là xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Mỗi năm, xã Nam Phương Tiến chịu ảnh hưởng không phải một lần mà có năm chịu ảnh hưởng hơn 2 lần.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nam Phương Tiến Cao Thị Luyến chia sẻ tại tọa đàm. 

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Nam Phương Tiến Cao Thị Luyến cho biết, khi mưa bão, ngập lụt xảy ra, người dân xã Nam Phương Tiến gặp rất nhiều khó khăn như mất điện, đuối nước, rắn cắn, nhà bị tốc mái, giao thông đình trệ. Người phụ nữ không đi làm được, con phải nghỉ học, nhiều hộ gia đình có thể bị cô lập với bên ngoài. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình chia tách do phải di dời đi nơi khác, thiếu nhu yếu, thường xuyên phải sống trong cảnh mất điện, liên lạc bị gián đoạn,... Đặc biệt, khi xảy ra mưa bão, ngập lụt, những người khuyết tật, người bị bệnh nền gặp rất nhiều khó khăn.

Bên cạnh khó khăn khi nước dâng cao thì người dân xã Nam Phương Tiến còn gặp khó khăn sau khi nước rút như dọn dẹp bùn đất đọng lại, sửa chữa nhà cửa do bị mưa tốc mái, hư hỏng đồ đạc, tốn rất nhiều tiền của.

Cùng với đó, việc khôi phục sản xuất của người dân xã Nam Phương Tiến cũng gặp rất nhiều khó khăn bởi đất bị ô nhiễm, môi trường bị ô nhiễm, phải xử lý môi trường sống, vật nuôi bị chết, nguy cơ tiềm ẩn bệnh dịch sau mưa lũ. Để khắc phục triệt để, người dân tốn rất nhiều tiền để ổn định cuộc sống, nhiều hộ gia đình có thể vay nợ để khôi phục sản xuất.

Để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, bà Cao Thị Luyến cho biết, người dân xã Nam Phương Tiến hầu hết đều xác định sống chung với lũ. Trải qua nhiều năm, bằng kinh nghiệm của mình và chỉ đạo sát sao của chính quyền, người dân nơi đây đã có nhiều sáng kiến để phòng chống sau mưa bão, ngập lụt cũng như giảm thiểu thiệt hại về tài sản.

Ví dụ như, người dân làm nhà thì luôn có tầng lửng, gác xép để sống khi nước lên. Mái nhà được bố trí lối thoát hiểm đi lên trên, khi nước dâng cao thì người dân sẵn sàng lên trên mái để được cứu trợ kịp thời. Người dân tại xã Nam Phương Tiến luôn lắng nghe thời tiết, cảnh báo thiên tai trên ti vi, đài truyền thanh xã, mạng xã hội,...

Khi nắm bắt được thông tin mưa bão, ngập lụt, người dân xã Nam Phương Tiến luôn chủ động kê, kích tài sản lên cao, nâng lên cao những đồ có giá trị hoặc di dời trước khi nước dâng. Đồng thời, người dân luôn dự trữ về thuốc, thực phẩm từ 1-2 tuần.

Nước dân cao, người dân xã Nam Phương Tiến luôn chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của chính quyền. Cơn bão vừa qua, xã Nam Phương Tiến đã di dời 875 hộ dân và mọi người đều chấp hành di dời.

Chị Cao Thị Huệ (phường Mai Động, quận Hoàng Mai) giao lưu tại tọa đàm. 

Chị Cao Thị Huệ (phường Mai Động, quận Hoàng Mai) cho biết, gia đình chị là người trực tiếp gánh hậu quả cơn bão số 4. Nhà tập thể gia đình chị sinh sống được xây dựng từ trước năm 1980 bị ảnh hưởng nhiều, khó khăn trong sinh hoạt, không còn nhà như ban đầu. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, phường Mai Động, quận Hoàng Mai đã giúp gia đình chị có một ngôi nhà khang trang, ổn định cuộc sống.

Sau trận bão, chị Huệ cũng bị ảnh hưởng bởi công việc. Chị đã phải nghỉ việc để ở nhà cùng mọi người giúp đỡ sửa chữa ngôi nhà. Hiện tại, cuộc sống khó khăn, làm việc tự do nên bị ảnh hưởng, cuộc sống bếp bênh do thu nhập không ổn định.

“Tôi mong muốn các cấp các ngành quan tâm hơn nữa và có sự hỗ trợ đến phụ nữ yếu thế” - chị Cao Thị Huệ bày tỏ.

Bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng đại diện tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam nhấn mạnh mong muốn các giải pháp được phân tích sâu tại tọa đàm. 

Trao đổi thêm thông tin tại tọa đàm, bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng đại diện tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam cho rằng, trong công tác hỗ trợ, cần quan tâm đến công tác thông tin cảnh báo, nhất là phần có kịch bản chuẩn bị ứng phó để giúp người dân được tập dượt để họ chủ động xử lý các tình huống nếu thiên tai xảy ra, từ đó góp phần giảm thiểu các thiệt hại.

Bên cạnh đó, phụ nữ thường bị bỏ qua và các giải pháp sinh kế cho người lao động sẽ nhiều phần cho nam giới; trong khi đó, phụ nữ có công việc rất lớn trong việc hỗ trợ cho những người già, trẻ em trong gia đình. “Vì vậy tôi rất mong sẽ có nhiều giải pháp đảm bảo sinh kế hiệu quả hơn nữa cho đối tượng nữ lao động” – bà Hoàng Phương Thảo nói.

Cần chiến lược dài hạn

Có thể thấy, những thiên tai nghiêm trọng trong năm 2024 đã gây ra tác động sâu rộng đến người lao động tại Việt Nam, đặc biệt là những nhóm dễ bị tổn thương như nông dân công nhân lao động phổ thông và ngư dân. Mất việc làm và giảm thu nhập là ảnh hưởng chính mà những đối tượng này phải gánh chịu. Việc hỗ trợ tài chính, đào tạo nghề và xây dựng hệ thống an sinh xã hội tốt hơn sẽ là yếu tố quan trọng để giúp họ phục hồi và thích ứng với các thách thức trong tương lai.

Việc giúp người lao động đảm bảo sinh kế sau thiên tai cần một chiến lược dài hạn, kết hợp giữa cứu trợ trước mắt và phát triển bền vững. Chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và bản thân người lao động cần phối hợp để xây dựng các mô hình kinh tế thích ứng với thiên tai, giảm thiểu rủi ro và đảm bảo việc làm lâu dài.

TS. Hoàng Mạnh Hùng – Giảng viên chính ngành Kinh tế và kinh doanh nông nghiệp Trường Kinh doanh Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra các giải pháp hỗ trợ sinh kế cho người lao động sau thiên tai. 

Theo TS. Hoàng Mạnh Hùng, tái thiết sản xuất sau thiên tai không phải việc một sớm một chiều. Do đó, tạo việc làm tạm thời và thu nhập thay thế cho người lao động được khuyến khích và coi là một trong những giải pháp hiệu quả, quan trọng.

TS. Hoàng Mạnh Hùng cho rằng, thiên tai là điều không mong muốn nhưng để thích ứng cần một chiến lược dài hạn. Cần phải có dự báo trước để đưa ra giải pháp khắc phục. Riêng đối với những thiên tai lớn, cần trang bị kỹ năng cho các lao động nông nghiệp. Song, vẫn phải thừa nhận ràng, do năng lực còn hạn chế, nên khi có thiên tai xảy ra, đội ngũ lao động nông nghiệp sẽ có những thiệt hại lớn hơn so với đội ngũ lao động phi nông nghiệp.

Việc đào tạo nghề ngắn hạn cũng là cần thiết để hỗ trợ người lao động. Tuy nhiên, đào tạo phải được làm thường xuyên và phải xem xét ở từng vùng miền và bám vào nhu cầu của thị trường lao động tại khu vực đó. Bản thân chính người lao động cũng phải xác định năng lực và nhu cầu lao động của mỗi người.

Giải pháp cơ bản được TS. Hoàng Mạnh Hùng nêu là chủ động ứng phó trước, trong và sau thiên tai, trong đó, tập trung khắc phục thiệt hại sau thiên tai gây ra. Đồng thời, nâng cao năng lực chống thiên ta gồm có: hạ tầng và kỹ năng, trong đó, chú trọng vào yếu tố con người mà cụ thể là hỗ trợ, khuyến khích người nông dân đứng dậy lao động sản xuất sau thiên tai.

Ông Đặng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách TP Hà Nội chia sẻ về những chính sách tài chính hỗ trợ người lao động sau thiên tai. 

Để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các tổ chức, cá nhân ảnh hưởng bởi thiên tai được ổn định, khôi phục sản xuất, ông Đặng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng chính sách (NHCSXH) TP cho biết, NHCSXH đã triển khai những chương trình gói vay. Các đối tượng chính hướng đến là những người yếu thế gồm: hộ nghèo, cận, mới thoát nghèo, sinh viên, người lao động tự do… NHCSXH đã rà soát, tham mưu Chính phủ, các chính quyền địa phương. Do đó, đã có quyết sách kịp thời như: giảm lãi suất 2% đối với các đối tượng đang nợ NHCSXH, trong đó, đối với các hộ bị ảnh hưởng trực tiếp, NHCSXH gia hạn nợ, không thu lãi, làm hồ sơ quản lý rủi ro…

Theo ông Đặng Đức Hạnh, NHCSXH TP đã đề ra nhiều giải pháp nhưng có sự căn cứ mức độ rủi ro ở từng khu vực để tham mưu cho chính quyền. Ngoài ra, không phải sau thiên tai mới tính đến việc triển khai các gói cho vay, mà NHCSXH đã xây dựng kế hoạch ngắn và dài hạn trước đó.

Theo đó, NHCSXH có thể trích quỹ quản lý rủi ro, dự phòng rủi ro để hỗ trợ ngay lập tức nhằm đảm bảo tài chính không bị biến động. Đối với một số nơi đặc thù, như những địa phương thường xuyên bị lũ lụt, NHCSXH phối hợp đoàn thể địa phương tuyên truyền để bà con có định hướng vay vốn sản xuất kinh doanh.

Bà Lưu Ánh Nguyệt, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính chia sẻ về các chính sách bảo hiểm hỗ trợ người lao động sau thiên tai. 

Bà Lưu Ánh Nguyệt, Viện Chiến lược và Chính sách kinh tế - tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, siêu bão Yagi gây thiệt hại trên 50 nghìn tỷ đồng. Để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Việt Nam đã và đang huy động đa dạng các nguồn lực tài chính khác nhau. Trong đó, phải kể đến BH rủi ro thiên tai, BH nông nghiệp, BH vi mô…

Về mặt chính sách, BH rủi ro thiên tai là nguồn lực và đang trong quá trình phát triển. BH rủi ro thiên tai có thể xem là phù hợp với loại thiên tai ít khi xảy ra nhưng để lại hậu quả lớn. Bà Lưu Ánh Nguyệt cũng lưu ý, để đảm bảo quyền lợi BH, doanh nghiệp, người dân khi tham gia cần chú ý đọc kỹ các nội dung, điều khoản trong BH để tránh bị tình trạng từ chối thanh toán BH.

Về BH Nông nghiệp, bà Lưu Ánh Nguyệt cho biết, loại hình BH này được phát triển từ rất sớm. Sau nhiều năm triển khai đã phát huy hiệu quả nhất định thu hút được nhiều người tham gia. Tuy nhiên, trước thay đổi của đất nước cũng như sự thay đổi của ngành nông nghiệp và với việc tham khảo từ các nước trên thế giới, bà Lưu Ánh Nguyệt cho rằng cần có sự mở rộng phạm vi tham gia BH; giảm mức phí; tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân tham gia nhiều hơn…

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tử vi 12 cung hoàng đạo ngày 2/4/2025: Sư Tử đón nhận nhiều vận may

Tử vi 12 cung hoàng đạo ngày 2/4/2025: Sư Tử đón nhận nhiều vận may

01 Apr, 11:08 AM

Kinhtedothi - Dù tài chính đang dư dả, Sư Tử cũng không nên quá phóng khoáng trong chi tiêu. Hãy đặt ra giới hạn hợp lý để quản lý tài chính tốt hơn. Khi biết tiết chế và giữ tinh thần lạc quan ngay cả trong những thời điểm khó khăn, bạn sẽ có cơ hội phát triển nguồn thu nhập ổn định và bền vững hơn.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ