Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chung cư Keangnam: Mua nhà tiền tỷ để thành "ở đợ"

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau sự việc khóa thang máy khiến hàng trăm hộ dân “bơ vơ” không có lối về nhà ngày 3/12 vừa qua, rất nhiều người đã đặt ra câu hỏi:

Phải chăng, chủ đầu tư dự án tòa nhà sang trọng nhất Việt Nam đang vì lợi doanh nghiệp mà ngoảnh mặt, quay lưng với quyền lợi tối thiểu của cả nghìn con người?
 
“Chúng tôi trước hết là chủ nhân hợp pháp với căn hộ của chính mình. Vậy mà, chủ đầu tư sẵn sàng đẩy chúng tôi ra đường, buộc cộng đồng phải chấp nhận những yêu cầu phi lý của họ. Chúng tôi cảm thấy mình bị tổn thương nghiêm trọng,” một cư dân sinh sống tại tòa nhà này khẳng định.

Thực ra không phải đến khi chủ đầu tư, công ty Keangnam Vina quyết định “dằn mặt” cư dân bằng cách cắt thang máy, mâu thuẫn tại siêu dự án này mới phát sinh. Từ thời điểm tháng 7/2011, câu chuyện mức phí thế nào là hợp lý, chất lượng dịch vụ ra sao đã khiến hàng trăm hộ dân ở đây nổi giận vì cách cư xử thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư.

Ác mộng cộng thêm ác mộng...

Anh Hải, một cư dân sống tại tòa tháp B bức xúc: “Từ ngày chuyển về đây ở, chúng tôi chưa bao giờ được hưởng đúng những tiện ích mà Keangnam Vina đã cam kết như hợp đồng ban đầu.”

Chuỗi ngày “ác mộng” ấy bắt đầu từ khoảng đầu tháng 6/2011. Chiều ngày 9/6, do nhân viên vận hành không nắm được kỹ thuật, lúng túng thế nào đã làm vỡ đường ống nước ở tầng 27. Nước từ đâu ồ ạt đổ về, ban đầu chỉ xâm xấp bàn chân, nhưng chẳng mấy chốc nước dâng lên tận đầu gối người lớn. Hậu quả là cả hệ thống thang máy cũng bị vạ lây.

“Chẳng ai có thể ngờ, sống trên tầng cao như thế mà vẫn bị lụt, 10 căn hộ tại đây đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng buộc phải sửa lại sàn gỗ và tường trong nhà,” anh Hải rùng mình nhớ lại.

Chưa hết, đến giữa tháng Chín, hàng nghìn con người lại hoảng hồn khi bỗng nhiên còi báo cháy kêu inh ỏi. Chẳng ai bảo ai, mọi người túa ra theo thang bộ thoát hiểm từ trên những tầng cao chót vót để chạy xuống. Đến sảnh lớn, chưa kịp hoàn hồn, già trẻ lớn bé mới ngã ngửa khi biết nhân viên kỹ thuật của Chestnut ấn báo động nhầm.

Bi hài hơn nữa, trong quy định được công ty quản lý vận hành tòa nhà đưa ra có nêu rõ, chủ đầu tư sẽ không chịu  trách nhiệm về tài sản của người dân trong tòa nhà nếu có mất mát xảy ra. Trách nhiệm bảo quản thuộc về cư dân.

"Nếu chiếu theo quy định này, hàng tháng chúng tôi nộp đến 875.000 đồng tiền trông ôtô nhưng hóa ra chỉ là tiền 'thuê' chỗ đậu. Còn tất cả mất mát nếu có, bản thân chúng tôi phải tự chịu," một cư dân châm biếm.

Vô lý và ngang ngược nhất đó là người dân ở đây không được treo quốc kỳ. Quốc kỳ được chủ đầu tư Keangnam Vina đánh đồng ngang với biển báo quảng cáo và cấm!

 
Phớt lờ pháp luật!

Quan trọng hơn, với một chất lượng dịch vụ “có một không hai” như thế vậy mà cộng đồng dân cư ở đây vẫn phải chịu "mức phí trên trời.” Quá bức xúc, Ban đại diện lâm thời đã liên tục yêu cầu được đối thoại với chủ đầu tư và đơn vị quản lý tòa nhà để thống nhất quan điểm. Tuy nhiên, hết lần này đến lần khác, những gì họ nhận lại chỉ như “gió vào nhà trống.”

“Thậm chí, ngay cả khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành văn bản quy định mức phí dịch vụ tại chung cư, chủ đầu tư vẫn ‘không chấp hành’ mà đơn phương đề ra mức phí của riêng mình,” ông Trần Xuân Trạch, tổ trưởng tổ dân phố tại đây bất bình.

Theo ông Trạch, cách làm ấy thể hiện Keangnam Vina đã phớt lờ luật pháp Việt Nam. Họ đang đặt lợi ích doanh nghiệp lên trên lợi ích của cả cộng đồng.

Ông Trạch cũng cho rằng, Keangnam Vina đã và đang chọn cho mình một cách hành xử chưa từng có, bất chấp dư luận. phản ứng. Điển hình là việc để cho người lạ vào hành hung anh Trần Thanh Hiền vào tối ngày 18/11 vừa qua.

“Khi ấy, rõ ràng có một bảo vệ đứng ngay gần hiện trường. Vậy mà, bảo vệ này vẫn thản nhiên khoanh tay đứng nhìn cư dân của chính tòa nhà bị đánh đến vỡ xương bánh chè,” ông Trạch nói.

Cộng với việc cắt thang máy, khóa thang cứu hộ khiến hàng trăm con người lâm vào cảnh bơ vơ không về được căn nhà của chính mình ngày 3/12 vừa qua, chủ đầu tư siêu dự án này đang tỏ ra quá coi thường những quyền lợi cơ bản nhất của người dân.

Nhiều cư dân tại đây khẳng định, lý do phía chủ đầu tư đưa ra khi hành xử như thế là người dân đã không đóng tiền phí dịch vụ là không thể chấp nhận được. Bởi trên thực tế, khi họ đóng tiền theo đúng hợp đồng và các quy định của Nhà nước thì đã bị đơn vị quản lý khước từ. Trong khi cũng từ chối đàm phán với cư dân về mức phí thỏa thuận theo những quy định đã được ghi rõ ràng tại công văn của Ủy Ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Sở Tài chính, Sở Xây dựng.

“Cư dân không phản đối mức giá cao hơn 4.000 VND/m2/tháng mà Keangnam đưa ra để bổ sung thêm các dịch vụ cao cấp hơn. Thậm chí, chúng tôi sẵn sàng đóng phí rất cao để có những dịch vụ hoàn hảo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Nhưng, mức giá đó cần rõ ràng, minh bạch và tương xứng với các dịch vụ bổ sung đi kèm,” một thành viên trong Ban đại diện lâm thời khẳng định.

Mua nhà tiền tỷ, để trở thành "ở đợ"

Hầu hết các cư dân đều cho rằng, ngay cả đối với các mâu thuẫn mang tính dân sự, trước hết giữa các bên vẫn cần thương lượng, đối thoại để tìm được một hướng đi chung chứ không thể hành xử đơn phương. Nhưng chủ đầu tư đã không hề quan tâm đến điều tối thiểu ấy, biểu hiện rõ nhất qua hành động “đuổi” hàng trăm người già, trẻ, bệnh tật, thai phụ sắp đến ngày sinh… ra đường đến tận đêm như vừa qua.

“Tôi nghĩ, doanh nghiệp muốn hoạt động tốt trước hết cần dựa vào dân và làm vừa lòng khách hàng. Có như thế, thương hiệu doanh nghiệp mới vững mạnh. Đằng này, Keangnam Vina lại treo ra ‘bánh vẽ’ rất lớn rồi không thực hiện. Họ đang đối xử như thể chúng tôi ăn nhờ 'ở đợ' trên chính tài sản hợp pháp của mình,” anh Hùng, một thành viên khác trong Ban đại diện lâm thời không giấu nổi sự bực tức.

Chính Keangnam, chứ không ai khác, đang phá nát thương hiệu của họ, giờ đây, tên Keangnam đang gắn liền với những bê bối kéo dài cũng như góp phần làm xấu đi hình hình ảnh của các chung cư hiện nay. “Nhìn vào tấm gương của Keangnam và gián tiếp là hành động của một vị lãnh đạo tập đoàn Mai Linh [đối tác của Keangnam Vina – PV], không hiểu có còn ai dám mua các căn hộ tương tự nữa không? Chưa kể, đang có rất nhiều dự án  đầu tư bất động sản của các doanh nghiệp Hàn quốc cũng vì Keangnam mà ảnh hưởng,” anh Hùng thẳng thắn.

Tính đến thời điểm này, cộng đồng dân cư Keangnam đã có 22 văn bản đến chủ đầu tư cũng như cơ quan chức năng nhưng sự việc vẫn không được giải quyết. Nhiều người lo ngại, liệu phải mất bao nhiêu văn bản, kiến nghị như thế nữa, sự việc mới được giải quyết triệt để./.
 
Theo thông tin mới nhất PV nắm được, chiều nay, 6/12, Ban đại diện lâm thời dân cư Keangnam sẽ có buổi làm việc với chủ đầu tư và đại diện huyện Từ Liêm để thỏa thuận về các vấn đề còn tồn tại.

Trước đó, ngày 5/12, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Keangnam Vina không được dừng cấp các dịch vụ như điện, nước, thang máy nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, đến giữa trưa ngày 6/12, theo một thành viên ban đại diện lâm thời, bảo vệ của tòa nhà đã thông báo với cư dân rằng nếu buổi làm việc chiều nay không thống nhất được mức phí, sang ngày 7/12, thang máy sẽ tiếp tục bị cắt.

Phớt lờ chỉ đạo của Sở Xây dựng, hành xử theo một cách “chẳng giống ai”, phải chăng Keangnam Vina đang quay lưng lại với lợi ích hợp pháp của cả nghìn con người.