Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chung cư thực sự “sốt” giá hay chiêu trò của môi giới?

Minh Hạnh/laodong.vn
Chia sẻ Zalo

Được hỏi mua căn hộ chung cư với mức giá "siêu hời", nhưng khi đồng ý bán thì người mua "lặn mất tăm" là câu chuyện đang diễn ra tại thị trường BĐS Hà Nội.

Khó phân biệt chung cư thực sự “sốt” giá hay chiêu trò của môi giới. Ảnh: Minh Hạnh
Khó phân biệt chung cư thực sự “sốt” giá hay chiêu trò của môi giới. Ảnh: Minh Hạnh

Giá cao nhưng giao dịch gần như đứng im

Trao đổi với PV Báo Lao Động, anh Trần Mai (chủ căn chung cư Gemex ở Hoài Đức, Hà Nội) cho biết hiện anh có 1 căn chung cư rao bán với mức giá mong muốn ban đầu là 3 tỷ đồng. Sau khi rao bán, một vài môi giới gọi điện cho hay sẵn sàng trả giá 5 tỷ đồng và hẹn đến xem nhà, đặt cọc. "Với mức giá đó, tôi đã từ chối các khách khác vì sợ bán sẽ bị hớ. Nhưng chờ mãi những người hẹn đến xem nhà đặt cọc cũng lặn mất tăm", anh Trần Mai nói.

Chị Lệ Chi (sống tại chung cư Chelsea Residences, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gia đình chị đang sống trong căn hộ diện tích 130m2, thiết kế 3 phòng ngủ. Căn hộ này chị mua từ năm 2021 với giá 5,3 tỷ đồng. Mặc dù không có nhu cầu bán nhà nhưng chị Chi đã liên tục nhận được cuộc gọi từ môi giới hỏi mua nhà với giá cao tới 12,5 tỷ đồng.

Sau nhiều lần từ chối bán, mới đây gia đình chị Lệ Chi được môi giới tiếp tục liên hệ lại và hỏi mua. Lần này, môi giới cho rằng, nếu thiện chí có thể mức giá sẽ tăng cao hơn 100-200 triệu đồng và có khách cọc ngay. Thấy được giá, gia đình chị đã đồng ý và tính toán với số tiền bán được sẽ mua một căn nhà trong ngõ, phù hợp với gia đình khi 2 con đã lớn. "Tuy nhiên, tôi đợi gần 2 tuần nhưng chưa thấy môi giới nào dẫn khách tới, cũng không thấy liên hệ lại", chị Chi cho hay.

Anh Đỗ Xuân Hợp (trú tại Chelsea Park 49 Trần Kim Xuyến, Yên Hòa) cũng cho biết, chung cư nhà anh đưa vào sử dụng gần 20 năm nhưng hiện vẫn được rao bán giá 58 triệu đồng/m2.

Căn chung cư 130m2 của chị Chi được môi giới trả giá 12,5 tỷ đồng. Ảnh: Minh Hạnh
Căn chung cư 130m2 của chị Chi được môi giới trả giá 12,5 tỷ đồng. Ảnh: Minh Hạnh

Theo anh Trần Tuấn - chủ căn hộ chung cư 2 phòng ngủ tại một chung cư tại khu An Khánh (Hoài Đức), nhiều ngày nay anh nhận được những cuộc điện thoại hỏi mua nhà với giá rất cao. Sinh nghi anh Tuấn hỏi một số người hàng xóm thì cũng được cho biết là có người điện thoại đề nghị mua nhà với giá cao bất thường, tuy nhiên khi điện thoại lại thì đều nhận được câu trả lời là chờ thu xếp với khách hàng.

Chung cư ở Hà Nội chưa khi nào giá "ảo" như bây giờ

Theo bà Hoa Dung - Giám đốc Kinh doanh và Truyền thông dự án Hoian D'or - Công ty TNHH Du lịch sinh thái Cồn Bắp, việc môi giới liên tục gọi chủ nhà hỏi mua căn hộ với giá cao ngất ngưởng nhưng không tới, thực tế không hiếm trên thị trường, nhất là trong giai đoạn chung cư đang nóng như hiện nay.

Cũng theo bà Dung, những môi giới làm vậy để mọi người tưởng rằng chung cư đang rất "nóng"; giá tăng rất nhanh để chủ nhà có thể dừng kế hoạch bán, hạn chế nguồn cung. Bên cạnh đó, chủ nhà có thể sẽ đẩy giá cao hơn nữa khiến cho thị trường càng thêm "nóng".

Về phía người mua, thấy rằng các chủ nhà đều đồng loạt tăng giá sẽ nghĩ rằng nếu không mua nhanh giá sẽ tăng thêm, khó mua, từ đó thúc đẩy quá trình xuống tiền của người mua nhanh hơn.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Giám đốc Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân chính là chiêu trò thổi giá của nhà đầu tư để thao túng thị trường khiến người bán lầm tưởng rằng giá bất động sản đang tăng, dẫn đến việc nâng giá các căn hộ khác trong khu vực, tạo tâm lý “sốt” ảo trên thị trường.

Chung cư gần 20 năm đang được rao bán 58-60 triệu đồng/m2. Ảnh: Minh Hạnh
Chung cư gần 20 năm đang được rao bán 58-60 triệu đồng/m2. Ảnh: Minh Hạnh

Cùng đó là tâm lý chờ giảm hoặc "săn hàng hời" từ người mua khiến nhiều người có tâm lý chờ đợi thời điểm thích hợp để mua với giá rẻ hơn hoặc tìm được những căn hộ có mức giá ưu đãi. Và việc gây nhiễu loạn thông tin khiến cả người mua lẫn người bán không thể xác định được giá trị thật của bất động sản.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thế Điệp - Ủy viên Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho rằng, việc chung cư khu vực nội đô tăng là tất yếu vì nguồn cung tăng, trong khi nhiều dự án đất ở đô thị không được triển khai. “Do đó, cần phải giải quyết các cơ chế, chính sách thực hiện giao đất cho chủ đầu tư nhanh nhất để cung kịp cầu”, ông Điệp cho biết.