Cổ phiếu chứng khoán thăng hoa, VN-Index phục hồi tăng 11 điểm
Mở cửa phiên sáng nay, dù có nhịp hồi kỹ thuật trở lại lúc đầu phiên, nhưng lực cầu yếu, trong khi lực bán luôn chực chờ mỗi nhịp hồi khiến VN-Index nhanh chóng yếu đà, quay trở lại xu hướng giảm. Tuy nhiên, khi về vùng hỗ trợ 1.020 điểm, đường dưới dải bollinger, thị trường đã bật hồi kỹ thuật trở lại lên trên tham chiếu và đảo chiều tăng sau giờ nghỉ trưa.
Kết phiên, VN-Index tăng 11,47 điểm (+0,10%), lên 1.039,66 điểm với 427 mã tăng và 261 mã giảm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 679 triệu cổ phiếu, tương ứng thanh khoản hơn 13 nghìn tỷ đồng trên sàn HoSE. Toàn thị trường giao dịch gần 15 nghìn tỷ, thấp hơn so với phiên hôm qua.
Dòng tiền bắt đáy chỉ tập trung kéo mạnh nhóm chứng khoán. Cổ phiếu SHS, CTS, ORS, ARG được kéo lên mức giá trần, MBS, VCI, VIX, VND cũng tăng cận trần; SSI, FTS cũng tăng quanh ngưỡng 5%.
Không chỉ tăng mạnh về giá, nhóm này cũng là nhóm có thanh khoản tốt nhất khi cả 3 mã có thanh khoản lớn nhất HOSE đều là các mã chứng khoán là SSI khớp 30 triệu đơn vị, VIX khớp 38 triệu đơn vị và VND khớp 24 triệu đơn vị.
Nhóm ngân hàng cũng tích cực khi chỉ có 3 sắc đỏ nhạt cùng 3 mã đứng giá là VCB, VPB và VIB, còn lại đều tăng. Trong đó, tăng mạnh nhất là LPB tăng 2,39% lên 15.000 đồng, SHB tăng 1,98% lên 10.300 đồng, STB tăng 1,48% lên 27.400 đồng… Có thanh khoản tốt nhất nhóm là SHB với 5,57 triệu đơn vị.
Nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và lớn như PVD, GMD, KBC, GEX, DGW, VCG, CII, HAH, DCM, HSG, DPM,... cũng tăng từ 3 - 6%. Phiên tăng giá mạnh dù không thể giúp chứng sĩ "về bờ" song trở thành cơn mưa giải nhiệt trong bối cảnh các cổ phiếu này đã giảm mạnh chỉ trong 1 tháng vừa qua.
Khối ngoại từ trạng thái mua ròng trăm tỷ trong phiên sáng bất ngờ đảo chiều bán ròng trở lại 87 tỷ đồng. Trong đó, VHM bị khối ngoại xả ròng với giá trị lên đến 683 tỷ, tiếp đó là MWG 187 tỷ. Ở chiều ngược lại, khối ngoại xuống tiền mua phần lớn cổ phiếu dòng chứng khoán: VCI 97 tỷ, SSI 75 tỷ, VND 60 tỷ, ngoài ra anh cả ngành thép HPG cũng được khối ngoại ưu ái mua ròng hơn 91 tỷ trong phiên
MWG lãi chạm đáy, cổ phiếu giảm 40% trong vòng 1,5 tháng
Trong phiên hôm nay, cổ phiếu MWG bị bán về mức giá sàn, giá còn 35.100 đồng/cp, thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Chỉ sau 1,5 tháng, cổ phiếu MWG đã giảm hơn 40% từ ngưỡng 59.000 đồng/CP. Tổng khối tượng giao dịch cổ phiếu này trong phiên hôm nay là 21 triệu đơn vị, trong đó mua chủ động là hơn 11 triệu, bán chủ động là gần 10 triệu. Số lượng cổ phiếu dư bán sàn đã được hấp thụ gần hết vào cuối phiên.
Cổ phiếu này bị bán sàn sau khi công bố báo tài chính hợp nhất quý III/2023. Theo đó, trong 9 tháng, doanh thu thuần của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) chỉ đạt 86.858 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 77,5 tỷ đồng, lần lượt giảm 15,5% và 97,8%. Với kết quả này, công ty mới hoàn thành 64% chỉ tiêu doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ đặt ra cho năm nay.
Giải trình việc lợi nhuận suy giảm, MWG cho biết sức mua điện thoại và điện máy nhìn chung còn yếu và chưa có dấu hiệu hồi phục đáng kể (ngoại trừ một số sản phẩm do yếu tố mùa vụ). Khách hàng dù vẫn có nhu cầu mua sắm, thay thế sản phẩm hư hỏng nhưng dè dặt, cẩn trọng hơn trong các quyết định chi tiết khi tình hình kinh tế còn nhiều biến động.
Đối với các mặt hàng thực phẩm và tiêu dùng nhanh, dược phẩm, xu hướng tiêu dùng tiết kiệm vẫn diễn ra. Tuy nhiên, do bản chất đây là hàng thiết yếu nên các ngành hàng này vẫn đang ghi nhận kết quả kinh doanh ổn định.
Ngoài ra, công ty cũng tiếp tục thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi, chấp nhận giảm biên lợi nhuận gộp để thu hút khách hàng và duy trì doanh thu.
Theo báo tài chính hợp nhất quý III/2023 công bố gần đây, MWG ghi nhận Chủ tịch Nguyễn Đức Tài có thu nhập 226,3 triệu đồng trong 9 tháng năm 2023. Con số này cũng ngang với mức đã ghi nhận trong báo cáo tài chính bán niên soát xét. Nói cách khác, ông Tài không nhận lương trong quý III.
Ông Đoàn Văn Hiểu Em - người dẫn dắt 2 chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh và ông Trần Huy Thanh Tùng - CEO MWG cũng làm việc không lương.