Chứng khoán 11/3: Khối ngoại và tự doanh mua ròng, thị trường vẫn giảm mạnh

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khối ngoại và tự doanh hôm nay đều mua ròng lần lượt 244 tỷ đồng và 199 tỷ đồng trên cả 3 sàn, tuy nhiên thị trường vẫn "cắm đầu" giảm điểm

Thị trường giảm điểm mạnh phiên đầu tuần

Sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần trước, mở cửa phiên giao dịch sáng đầu tuần này là tâm lý thận trọng ngay từ đầu phiên. Sắc xanh nhẹ xuất hiện ngay đầu phiên giao dịch tuy vậy mức tăng không quá cao và chỉ số đồng thời dao động quanh mức tham chiếu. Sang phiên chiều, thị trường bị bán tháo dữ dội. Thanh khoản khớp lệnh hai sàn chiều nay tăng vọt 50% so với phiên sáng, VN-Index lao đầu giảm xuống đáy thấp nhất ngày với số mã đỏ áp đảo hoàn toàn mã xanh. Kết phiên 11/3, chỉ số VN-Index giảm 11,86 điểm, tương đương 0,95%, xuống 1.235,49 điểm.

Toàn thị trường có 256 mã tăng, 492 mã giảm
Toàn thị trường có 256 mã tăng, 492 mã giảm

Cổ phiếu ngân hàng tiếp tục trở thành nhóm gây áp lực lớn nhất lên thị trường chung: LPB mất 3,22% giá trị. Trong khi các mã VPB, MBB, SHB, OCB đều giảm hơn 2%. NAB vừa lên sàn HoSE cũng đã chịu áp lực bán giảm 2,37%. Đa số các mã ngân hàng còn lại đều giảm trên 1%, không loại trừ các ông lớn như VCB, BID, TCB, CTG. Riêng HDB và EIB ghi nhận sắc xanh với mức tăng lần lượt 0,43% và 1,41%.

Ở nhóm bất động sản, đa số các mã cũng đều giảm điểm: VIC giảm 1%, BCM giảm 3,17%, VRE giảm 3,54%, NVL giảm 2,73%, KBC giảm 3,02%, VCG giảm 2,04%, DXG giảm 1,66%, HDG giảm 3,25%, DXS giảm 1,13%, CRE giảm 2%, NBB giảm 3,29%... Số mã tăng rất ít, có thể kể đến VPI, KOS, SJS, LGC.

Cổ phiếu năng lượng cũng không khá hơn khi GAS giảm 2,14%, POW giảm 0,85%, PGV giảm 0,46%, PLX giảm 2,31%.

Cổ phiếu chứng khoán phân hóa với FTS tăng 2,7%, CTS tăng 1,37%, AGR tăng 0,95%, TVS tăng 1,04%. Trong khi đó SSI giảm 1,47%, VND giảm 2,55%, VCI giảm 0,42%, HCM giảm 1,77%, VIX giảm 0,26%, VDS giảm 3,13%, ORS giảm 2,06%, APG giảm 1,02%.

Nhóm sản xuất cũng phân hóa rõ rệt hơn, trong đó cổ phiếu xuất nhập khẩu như như ANV, FMC, MSH, ASM đều tăng điểm, thậm chí tăng rất mạnh như IDI và STK lần lượt có thêm 4,84% và 5,89% giá trị; DMC thậm chí tăng kịch trần.

Cổ phiếu bán lẻ cũng tương tự phân hóa rất mạnh khi MWG và DGW giảm lần lượt 2,83% và 1,66% nhưng PNJ và FRT tăng lần lượt 2,59% và 5,82%.

Khối ngoại hôm nay mua ròng 244 tỷ đồng, trong đó mua mạnh FRT 97,2 tỷ, EIB 65,9 tỷ, FTS 62,7 tỷ, HPG 62,4 tỷ, VPI 57,6 tỷ, DBC 49,7 tỷ. Phía bán có MSN 91,6 tỷ, KBC 63,8 tỷ, VPB 49 tỷ.

Cổ phiếu FPT Retail liên tục lập đỉnh mới

FRT tiếp tục thiết lập mức cao nhất từ trước đến nay. Thanh khoản cũng tăng so với những phiên trước, với gần 1,4 triệu cổ phiếu được sang tay. Cổ phiếu FPT Retail vẫn tăng dù thị trường chung giảm mạnh. Nhìn lại hơn 2 tháng qua, cổ phiếu này phần lớn chỉ có một chiều tăng và nằm trong nhóm tăng mạnh nhất trên sàn HOSE. Tính từ thời điểm đà leo dốc bắt đầu (ngày 25/01/2024), FRT đã bứt phá gần 60% và vốn hóa cũng tăng thêm hơn 7.000 tỷ đồng lên  mốc 21.000 tỷ. Đà tăng của FRT diễn ra trong bối cảnh hãng bán lẻ này đã liên tục kinh doanh thua lỗ trong thời gian gần đây. Cụ thể, FPT Retail lỗ ròng hơn 100 tỷ đồng trong quý 4/2023 và lỗ 345 tỷ đồng trong cả năm 2023. Đây cũng là năm lỗ đầu tiên của công ty kể từ khi lên sàn.

Theo giới phân tích, triển vọng xán lạn của chuỗi nhà thuốc Long Châu là “điểm tựa” cho đà tăng của giá cổ phiếu FRT. Hiện chuỗi nhà thuốc này vẫn đang trong quá trình mở rộng, sở hữu gần 1.500 cửa hàng thuốc và đang đứng số 1 tại Việt Nam và đóng góp tới 63% tỷ trọng doanh thu của FPT Retail (tính trong quý 4/2023).

Theo phát biểu của ban lãnh đạo công ty, các nhà thuốc này thường đạt hòa vốn EBITDA sau 6 tháng và khoản lỗ của quý 4/2023 chủ yếu đến từ các chi phí one off (ghi nhận 1 lần), như chi phí thưởng hiệu quả kinh doanh, chi phí đóng cửa các cửa hàng FPT Shop, chi phí đầu tư cho trung tâm tiêm chủng vaccine và đầu tư chuyển đổi số .