Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 18/2: Dòng tiền lan tỏa, VN-Index kết phiên trong sắc xanh

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phiên giao dịch ngày 18/2 khép lại với sắc xanh được bảo toàn trên VN-Index, dù thị trường có sự phân hóa rõ nét giữa các nhóm ngành. Dòng tiền tiếp tục dịch chuyển, giúp một số nhóm cổ phiếu duy trì đà tăng trong khi một số khác chịu áp lực điều chỉnh.

VN-Index giữ sắc xanh, dòng tiền xoay vòng giữa các nhóm ngành

Phiên giao dịch ngày 18/2 khép lại với sắc xanh được bảo toàn trên VN-Index, dù thị trường có dấu hiệu “đỏ lòng” hơn vào cuối phiên. Lực mua vẫn chiếm ưu thế, với gần 500 mã tăng và 320 mã giảm, cho thấy dòng tiền vẫn đang luân chuyển giữa các nhóm ngành.

Chứng khoán 18/2: Dòng tiền lan tỏa, VN-Index kết phiên trong sắc xanh - Ảnh 1

Thanh khoản thị trường có dấu hiệu suy yếu vào cuối phiên, với tổng giá trị giao dịch 3 sàn đạt 16,5 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 10% so với phiên trước.

Dòng tiền trên thị trường tiếp tục có sự phân hóa rõ rệt. Các cổ phiếu như VRE, DIG, DXG, TCH vẫn hút dòng tiền mạnh và duy trì đà tăng tốt, trong khi nhiều mã khác có dấu hiệu chững lại hoặc điều chỉnh nhẹ.

Nhóm bảo hiểm bứt phá mạnh mẽ với BVH tăng trần và dẫn đầu thanh khoản toàn ngành. Các mã như PVI, VNR, BIC, BMI, MIG đều ghi nhận mức tăng từ 2 - 4%, giúp nhóm này trở thành tâm điểm của thị trường.

Nhóm ngân hàng và chứng khoán dù có sự phân hóa nhưng sắc xanh vẫn chiếm ưu thế. Các cổ phiếu như SSB, EVF, SHB, LPB, ACB, FTS tăng điểm nhẹ, trong khi một số mã khác có dấu hiệu suy yếu nhưng không quá tiêu cực.

Trái ngược với đà tăng của nhóm bảo hiểm, cổ phiếu khoáng sản chìm trong sắc đỏ. Đầu tàu KSV giảm sàn, MSR mất gần 7%, cùng với BMC, KCB, MTA đều giảm điểm.

Nhóm bất động sản duy trì đà tăng ổn định với mức tăng 0,45%, trong đó CEO tăng 3,01%, DIG nhích 2,39%, TDC đóng cửa trong sắc tím +6,75%, trong khi NVL, VRE, PDR, DXG cũng đồng loạt tăng giá. Nhóm hóa chất cũng có phiên giao dịch khởi sắc khi tăng 0,85%, với DRI tăng 5,96%, PHR tăng 1,61%, dù một số mã như DPM, DDV vẫn giảm điểm nhẹ.

Dịch vụ tài chính có phiên giao dịch ổn định khi tăng 0,41%, với VIX tăng 1,86%, SHS tăng 1,43%, SSI nhích 0,6%, trong khi EVF, CTS và FTS giảm nhẹ. Nhóm xây dựng và vật liệu tăng 0,77%, với CTR tăng 4,37%, CTD tăng 1,81% và CII nhích 1,05%, cho thấy dòng tiền tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở các cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công.

Ngược lại, nhóm tài nguyên cơ bản chịu áp lực bán mạnh, giảm 1,41%, với AAH nằm sàn -14,75%, BMC mất 4,66% và MSR giảm 6,73%, bất chấp việc HPG, NKG và HSG vẫn giữ được sắc xanh với mức tăng 1,5%. Nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp cũng giảm 1,35%, khi ACV mất 2,6%, VSC giảm 3,51% và GMD lùi 0,65%. Nhóm bán lẻ cũng chịu ảnh hưởng khi giảm 1,29%, với PNJ mất 1,89%, MWG lùi 1,99%.

Về giao dịch của khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài tăng mua, giảm bán, thu hẹp mức bán ròng chỉ còn 142 tỷ đồng trên HoSE, mức thấp nhất trong 2 tuần qua. Các mã được mua ròng mạnh gồm: VCI (+106 tỷ đồng), HPG (+94,4 tỷ), FPT (+43,4 tỷ), NVL (+38,9 tỷ), VCG (+26,5 tỷ), EIB (+26 tỷ), BVH (+23,9 tỷ), GEX (+22,5 tỷ). Ở chiều ngược lại, các mã bị bán ròng gồm: MWG (-66,8 tỷ), GMD (-63,4 tỷ), VNM (-42,1 tỷ), NLG (-37,5 tỷ), PNJ (-34,2 tỷ), VCB (-30 tỷ), VRE (-29,9 tỷ), HCM (-27,6 tỷ), FRT (-24,3 tỷ).

Cổ phiếu khoáng sản TKV giảm sàn sau 4 phiên tăng liên tiếp

Phiên giao dịch ngày 18/2, cổ phiếu Tổng Công ty Khoáng sản TKV (HNX: KSV) giảm sàn sau 4 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 2 phiên tím trần vào ngày 13-14/2. Đóng cửa phiên, KSV giảm gần 10%, xuống 269.600 đồng/cp, vốn hóa thị trường còn hơn 53,9 nghìn tỷ đồng, tương đương mức giảm gần 6.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, cùng thời điểm cổ phiếu KSV lao dốc, 2 lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký thoái vốn. Ông Ngô Quốc Trung - Ủy viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc, và ông Đặng Đức Hưng - Ủy viên HĐQT, đều thông báo bán toàn bộ số cổ phiếu đang nắm giữ vì lý do đầu tư cá nhân. Ông Trung muốn bán 5.100 cổ phiếu, ước tính có thể thu về khoảng 1,4 tỷ đồng nếu giao dịch thành công. Ông Hưng muốn bán 3.000 cổ phiếu, tương đương gần 809 triệu đồng. Thời gian giao dịch dự kiến từ 19/2 - 20/3/2025.

Bất chấp phiên giảm mạnh, giá cổ phiếu KSV vẫn đang cao gấp 2,26 lần so với đầu năm 2024, nhờ đà tăng nóng trong thời gian qua. Sự tăng trưởng này được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh khả quan của công ty. Năm 2024, KSV đạt 13,3 nghìn tỷ đồng doanh thu, tăng 11% so với năm trước. Lợi nhuận ròng đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, gấp 9 lần so với năm 2023, chủ yếu nhờ giá bán các sản phẩm khoáng sản tăng mạnh, có mặt hàng cao gấp 4 lần cùng kỳ.

KSV là thành viên thuộc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), hoạt động trong lĩnh vực khai thác, chế biến và kinh doanh khoáng sản như đồng, kẽm, thiếc, tinh quặng, vàng, bạc… Việc cổ phiếu tăng mạnh rồi giảm sàn cùng với động thái thoái vốn của lãnh đạo đang khiến nhà đầu tư đặt nhiều dấu hỏi về diễn biến tiếp theo của KSV trong thời gian tới.