Chứng khoán 2024: "Bỏ trứng" vào rổ ngành nào?

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kinh tế phục hồi tích cực, trong môi trường lãi suất thấp là điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Trong đó, cổ phiếu các nhóm ngành được hưởng lợi từ chính sách vĩ mô, đầu tư công cũng như nhu cầu tiêu dùng và hàng hóa thế giới… có cơ hội tăng trưởng tốt.

Nhiều lực đỡ quan trọng

Sau năm 2023 đầy thăng trầm của thị trường chứng khoán (TTCK), nhiều dự báo lạc quan cho thị trường năm 2024. Tuần giao dịch đầu năm mới chứng kiến sự tích cực từ thị trường chứng khoán Việt Nam. Trước bối cảnh lãi suất tiết kiệm còn có thể giảm thêm, thanh khoản đã đổ bộ dứt khoát hơn vào TTCK. VN-Index đã có 7 phiên tăng liên tiếp trước khi quay đầu giảm nhẹ vào (9/1) và duy trì ở ngưỡng kháng cự 1.160 điểm.

Thị trường chứng khoán 2024 có nhiều lực đỡ quan trọng.
Thị trường chứng khoán 2024 có nhiều lực đỡ quan trọng.

Phân tích về lực đỡ của TTCK năm 2024, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Đỗ Bảo Ngọc chỉ ra, sự phồi phục sẽ mạnh mẽ hơn ở các hoạt động kinh tế, từ tiêu dùng nội địa đến xuất khẩu sẽ được kích hoạt bởi chính sách nởi lỏng lãi suất và tài khoá, cùng với sự hồi phục từ nhu cầu từ bên ngoài. Trên cơ sở đó, TTCK sẽ đi sát với bối cảnh vĩ mô và bước vào giai đoạn đầu của chu kỳ tăng giá.

Trên thị trường quốc tế, Fed đã đạt đỉnh lãi suất và phát đi thông điệp sẽ giảm từ 3-4 lần lãi suất trong năm 2024. Theo đó, môi trường nới lỏng tiền tệ và chính sách rất có thể sẽ duy trì cả năm 2024 để hỗ trợ cho nền kinh tế, kéo theo hành động tương tự ở các ngân hàng Trung ương các nước phát triển. Câu chuyện lạm phát không còn là yếu tố quan trọng cho năm sau khi được dự báo hạ nhiệt và không còn là mối bận tâm của các ngân hàng Trung ương.

Ở trong nước, nền kinh tế đã bước qua đáy và bắt đầu vào chu kỳ tăng trưởng từ quý 4/2023 và sẽ tăng tốc ở năm 2024. Cùng với đó, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ dồn vào 2024. Độ trễ của chính sách tài khóa tăng chi, giảm thu của Chính phủ thông qua việc miễn, giảm thuế và tiền thuê đất sẽ là yếu tố tích cực giúp nền kinh tế có cơ hội hồi phục.

Với những yếu tố đan xen tác động nhưng xu hướng tích cực được đánh giá nổi bật hơn, các chuyên gia và đại diện các công ty chứng khoán đều kỳ vọng vào sự tăng trưởng của TTCK Việt Nam trong năm 2024.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn FinPeace Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, năm 2024, chứng khoán Việt Nam có cơ hội tăng trưởng, đặc biệt ở giai đoạn cuối năm. Về mặt kỹ thuật, năm 2024 sẽ xuất hiện những nhóm cổ phiếu tăng trưởng được theo xu hướng và chớm đầu của xu hướng.

Trong khi đó, Giám đốc Khối nghiên cứu và Phân tích đầu tư của FIDT Huỳnh Hoàng Phương  kỳ vọng lợi nhuận thị trường năm 2024 tăng trưởng tốt Công điện số 1360/CĐ-TTg ngày 13/12/2023 tăng cường các giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhờ nền lãi suất tiếp tục duy trì ở mức thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

FIDT cũng đưa ra 3 kịch bản với diễn biến chỉ số VN-Index năm 2024. Kịch bản lạc quan là 1.420 điểm, còn kịch bản cơ sở là 1.300 điểm, kịch bản xấu nhất là 1.115 điểm. Trong đó, đại diện FIDT cho biết, kịch bản cơ sở có khả năng xảy ra cao nhất năm 2024 với 65%.

Nhóm ngành, mã cổ phiếu nào sinh lời?

Bên cạnh những dự báo về thị trường chung, các công ty chứng khoán cũng đưa ra những nhận định về từng ngành, cổ phiếu ưa thích trong năm 2024. Các nhóm ngành được đánh giá hưởng lợi từ chính sách vĩ mô, đầu tư công cũng như nhu cầu tiêu dùng và hàng hóa thế giới như ngân hàng, dầu khí, bất động sản, xây dựng, dầu khí, thép, thủy sản… sẽ có cơ hội tăng trưởng tốt.

Đánh giá về triển vọng TTCK 2024, báo cáo của Công ty Chứng khoán TPS cho biết, kịch bản cơ sở VN-Index sẽ dao động quanh mục tiêu 1.387 điểm, tương ứng với mức tăng trưởng thận trọng 10% cho cả năm và P/E mục tiêu là 15.x (tương đương với P/E trung bình 10 năm gần nhất). Dưới kịch bản lạc quan hơn, TPS kỳ vọng mức tăng trưởng toàn thị trường từ 15% sẽ dẫn dắt VN-Index đến quanh mức 1.450 điểm.

Năm 2024, TPS cho rằng chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn do nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 9-10/2023 đã đưa định giá của VN-Index theo P/E từ mức 14,87 lần về mức 13,29 lần ở thời điểm cuối tháng 11/2023. Qua đó tỷ suất E/P (lợi nhuận trên giá) của thị trường trung bình rơi vào biên độ khoảng 7,4 - 8,1% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức)... Qua đó tỷ suất E/P (lợi nhuận trên giá) của thị trường trung bình rơi vào biên độ khoảng 7,4-8,1% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức). Các ngành có doanh thu tăng trưởng cao bao gồm: ngân hàng, bất động sản dân dụng, thép, thủy sản, điện, bán lẻ, dệt may, và kho vận, đều đang phục hồi từ mức nền thấp của năm 2023.

Trong khi đó, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Sacombank Dương Hoàng Linh nhận định, việc mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp kỷ lục chắc chắn là hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung, đặc biệt trong các lĩnh vực phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay như bất động sản, xây dựng, tài chính chứng khoán. Trong đó, các nhóm ngành đầu tư công, công nghệ, dược phẩm, dầu khí… được dự báo sẽ có sự tăng trưởng tốt hơn so với mặt bằng chung.