Chứng khoán 23/11: Thị trường "đổ đèo", cổ phiếu bầu Đức vẫn ngược dòng tăng mạnh

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - VN-Index giao dịch quanh giá tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên hôm nay, thế nhưng bất ngờ cuối phiên lao dốc, đặc biệt là trong phiên ATC.

Bán tháo cuối phiên, cổ phiếu la liệt nằm sàn, thị trường "bay" 25 điểm

Lình xình vùng tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch, lực bán lớn bất ngờ xuất hiện sau 14 giờ, trước khi gia tăng trong phiên ATC khiến VN-Index đóng cửa giảm hơn 25 điểm về mức 1.088 điểm. Các chỉ số sàn HNX và UPCoM đều đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. 

Thị trường có 238 mã tăng, 467 mã giảm và 47 mã sàn
Thị trường có 238 mã tăng, 467 mã giảm và 47 mã sàn

Chốt phiên, VN-Index giảm 25,33 điểm (-2,27%), xuống 1.088,49 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,02 tỷ đơn vị, giá trị 20.637,9 tỷ đồng, tăng gần 9% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 76 triệu đơn vị, giá trị 1.479 tỷ đồng.

Rổ VN30 còn duy nhất VHM về tham chiếu, còn lại đều đóng cửa mất điểm. Trong đó, dẫn đầu là hai cái tên MWG và SSI, với mức giảm hơn 6% xuống lần lượt 37.300 đồng và 30.900 đồng. Theo sau là HPG giảm 5% xuống 25.850 đồng, SAB giảm 4,9% xuống 60.400 đồng, GVR giảm 4,2% xuống 19.300 đồng. Các cổ phiếu VJC, HDB, STB và SHB giảm 3%, nhóm VIB, ACB, FPT, MSN, GAS, VPB giảm 2% đến 2,5%, còn lại giảm nhẹ.

Hàng loạt cổ phiếu chứng khoán giảm kịch sàn như VCI, VIX, FTS, BSI, CTS, AGR. Ngoài ra các cổ phiếu khác cũng giảm gần sàn như ORS giảm 6,1% xuống 16.300 đồng, VND giảm 5,9% xuống 20.600 đồng, HCM giảm 5,6%, VDS và APG may mắn chỉ giảm nhẹ hơn 1%.

Lực bán giá sàn lấn át cũng khiến các cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản, xây dựng như NHA, PDR, HTN, VRC, CTD, DIG, NLG, QCG, GEX, TCH, DXG, HDC đều giảm về mức giá sàn.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu với BMP, KSB, NHH, NKG và HSG cũng nằm trong số những cái tên bị bán mạnh và giảm sàn trong phiên này.

Cổ phiếu ngân hàng không thoát khỏi xu hướng chung khi ngập trong sắc đỏ. Giảm trên 3% có STB, SHB, EIB; giảm trên 2% có VPB, ACB, HDB, VIB, LPB.

Trái lại, một số ít vượt qua áp lực chung và có mức tăng khá như SAM và CIG khi đều tăng trần lên 6.800 đồng và 6.830 đồng. Đáng chú ý là HAG, dù không giữ được sắc tím nhưng vẫn đóng cửa tăng mạnh +4,7% lên 9.800 đồng, khớp hơn 52,9 triệu đơn vị.

Thanh khoản phiên này cao nhất là NVL với 59,2 triệu đơn vị và dù có lúc đã tăng tới hơn 5%, nhưng đã bị bán mạnh về cuối phiên và đảo chiều giảm 2% xuống 17.000 đồng.

Cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ ngược dòng tăng mạnh

Cổ phiếu của Bầu Đức bất ngờ tăng vọt vào gần cuối giờ chiều, có lúc cổ phiếu HAG tăng trần và dù thị trường bị lao dốc nhưng cổ phiếu này vẫn đóng cửa với mức tăng 4,7% với 53 triệu đơn vị được chuyển nhượng thông qua khớp lệnh. Chốt phiên giao dịch ngày 23/11, cổ phiếu HAG tăng thêm 440 đồng, lên 9.800 đồng/cp.

Trước đó, trong tháng 10, cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức cũng đã có một đợt tăng mạnh và lên ngưỡng 9.000 đồng/cp sau một tháng 9 không thuận khi cổ phiếu HAG tiếp tục bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) giữ nguyên diện cảnh báo. Vào cuối tháng 9, cổ phiếu HAG về ngưỡng 7.500 đồng/cp - thấp nhất trong 5 tháng.

Cú bứt phá trong 3 tuần cuối tháng 10 sau khi Hoàng Anh Gia Lai bắt tay với LPBank ký kết hợp tác toàn diện. HAG tiếp tục đặt trọng tâm đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là trồng cây ăn trái, chăn nuôi heo.

Trong tháng 10, HAG ghi nhận doanh thu tăng đột biến đạt 711 tỷ đồng, tăng 52,2% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 244 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu ngành cây ăn trái ghi nhận 410 tỷ đồng, chiếm 57,7% tổng doanh thu; doanh thu ngành chăn nuôi ghi nhận 198 tỷ đồng, chiếm 27,8% tổng doanh thu; và doanh thu ngành phụ trợ ghi nhận 103 tỷ đồng, chiếm 14,5% tổng doanh thu.

Điểm đáng lưu ý, mặc dù công bố doanh thu tăng đột biến, nhưng Công ty  Hoàng Anh Gia Lai bất ngờ không đề cập tới lợi nhuận, điều không xảy ra trong những báo cáo tháng trước đó.