Chứng khoán 23/5: Một cổ phiếu ngân hàng được sang tay với khối lượng “khủng”

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Thị trường trở lại sắc đỏ trong phiên chiều khi áp lực bán gia tăng tại nhóm bluechip, chỉ số VN-Index rơi thủng mốc 1.070 điểm. Cổ phiếu Ngân hàng Á Châu (ACB) giao dịch đột biến sau thông tin chốt danh sách chia cổ tức.

ACB giao dịch đột biến

Phiên hôm nay (23/5/2023), các động tiêu cực nhất đến VN-Index là GAS, BID, VNM, MSN, VHM, VCB.  MSN giảm 2,2% xuống 70.400 đồng, VNM giảm 1,8% xuống 67.000 đồng, GAS giảm 1,6% xuống 93.200 đồng, các mã SAB, NVL, BID, VIB, BCM giảm từ 1,1% đến 1,4%.

ACB là cổ phiếu ngân hàng có giao dịch đột biến phiên hôm nay
ACB là cổ phiếu ngân hàng có giao dịch đột biến phiên hôm nay

Ở chiều ngược lại, BVH là mã tăng tốt nhất, nhưng cũng chỉ +1,8% lên 44.600 đồng, PDR +1,5% lên 13.600 đồng, VIC nhích 1%, POW và HDB tăng nhẹ.

Cổ phiếu ACB có giao dịch đáng chú ý trong phiên hôm nay, khối lượng giao dịch cao nhất kể từ đầu tháng 2/2022 với hơn 21,7 triệu đơn vị khớp lệnh. ACB đóng cửa tăng 1,2% lên 25.350 đồng/ cổ phiếu

Thông tin khiến ACB nhận được sự chú ý của nhà đầu tư có lẽ đến từ việc Ngân hàng này mới đây đã thông báo, ngày 2/6 tới đây sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức năm 2022. Theo đó, ACB sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt (theo tỷ lệ 10%) và cổ phiếu (theo tỷ lệ 15%), tương đương ACB sẽ phát hành thêm 506 triệu cổ phiếu mới trong đợt này. Vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng tương ứng lên 38.840 tỷ đồng.

Trong khi đó, phần còn lại của nhóm ngân hàng giao dịch không mấy tích cực. Ở nhóm ngân hàng, hơn 10 cổ phiếu trên HoSE chìm trong sắc đỏ, mức giảm cũng phổ biến quanh mức 1%. Trong khi đó, trên UPCoM, PGB giảm tới 5,5%. Bên

Ở những cổ phiếu khác, một số cổ phiếu riêng lẻ ở các nhóm bất động sản, xây dựng, nông nghiệp, dịch vụ, điện, dầu khí có phiên tăng khá, với CCL +6,6% lên 6.930 đồng, ITC +5,8% lên 11.850 đồng, CTI +5,5% lên 14.400 đồng, DBC +5,2% lên 19.200 đồng, SAM +5,2% lên 6.820 đồng, CIG +4,7% lên 6.180 đồng, PGV +4,4% lên 25.000 đồng, MHC +4,2% lên 4.440 đồng, CTD +4,1% lên 66.000 đồng, các mã PSH, CTR, HBC, HVX, REE, CSV, SGR tăng từ 2,8% đến hơn 3%. Tuy nhiên, sắc tím ở nhóm cổ phiếu nhỏ đã biến mất đáng kể trên bảng điện tử. Dòng tiền đầu cơ không còn sục sôi như những phiên trước

Một số mã bất động sản: NVL, DXG, GEX, KBC, HQC, HPX, TCH, SCR, LDG … cùng giảm giá. Tại LDG, sau khi Chủ tịch HĐQT bị bán giải chấp 18,2 triệu cổ phiếu, thì một Phó chủ tịch khác lại vừa đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu. Ông Nguyễn Minh Khang, Phó Chủ tịch HĐQT vừa đăng ký bán toàn bộ 387.875 cổ phiếu LDG của CTCP Đầu tư LDG để giảm sở hữu từ 0,15% về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 25/5 đến ngày 23/6.

Trong khi đó, dòng tiền có xu hướng chuyển dịch, tìm kiếm cơ hội ở nhóm cổ phiếu chứng khoán. VND tiếp tục có giao dịch “khủng”, giá trị giao dịch cao nhất toàn sàn, hơn 756 tỷ đồng. Lượng cổ phiếu sang tay là hơn 46 triệu đơn vị. Tuy nhiên, đây chưa phải phiên giao dịch sôi động nhất của VND. Cuối tuần trước, VND bất ngờ khớp lệnh hơn 72 triệu cổ phiếu. Nhóm chứng khoán còn có các mã thanh khoản cao như SHS, VIX, SSI, HCM…

Ở chiều ngược lại, TVB, AGR, VCI, VIX, BSI giảm giá. TVB vừa bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa quyết định chuyển sang diện hạn chế giao dịch. Cổ phiếu bảo hiểm có BVH, PTI đi ngược thị trường.

Rủi ro điều chỉnh xuất hiện trong vài phiên tới

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 4,79 điểm (0,45%) xuống 1.065,85 điểm. HNX-Index giảm 0,11 điểm (0,05%) xuống 215,79 điểm. UPCoM-Index giảm 0,21 điểm (0,26%) xuống 81 điểm.

Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) cho rằng, VN-Index vẫn đang tiếp tục vận động trong sóng hồi đã hình thành 2 tuần qua với mục tiêu sẽ là khu vực kháng cự 1.100 - 1.150 điểm, tương ứng với vùng đỉnh cũ của các sóng hồi trước đây.

Với trạng thái hiện tại, SHS kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục diễn biến tích cực trong thời gian tới mặc dù trong quá trình hồi phục thị trường vẫn có thể sẽ có các nhịp điều chỉnh.

Trong trung hạn, nếu vượt qua ngưỡng cản 1.150 điểm, SHS dự báo chỉ số có thể hình thành “uptrend” mới, trường hợp thất bại thì ngưỡng hỗ trợ của VN-Index sẽ quanh khu vực 1.000 - 1.050 điểm. “Với phiên tăng điểm đầu tuần thị trường tiếp tục tích cực và rất có thể sẽ tạo đà cho xu hướng tăng ngắn hạn tiếp tục diễn ra”- SHS nhận định.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá rủi ro trên chỉ số VNSmallcaps có dấu hiệu gia tăng nếu nhịp điều chỉnh xuất hiện trong 1 - 2 phiên giao dịch tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục đi ngang cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng với diễn biến thị trường.