VHM và VIC kéo chỉ số, VN-index vẫn lao dốc
Sáng 25/10, VN-Index khởi đầu khá suôn sẻ, duy trì được sắc xanh trong phần lớn thời gian. Tuy nhiên, sau 14 giờ, lực bán bắt đầu xuất hiện. Động thái bất ngờ này khiến cho nhà đầu tư bị “lung lay” tâm lý và đua nhau đua lệnh “thoát hàng”. Phiên 25/10, chỉ số VN-Index giảm 4,24 điểm, tương đương 0,38%, xuống 1.101,66 điểm.
Theo thống kê, có 20/30 mã thuộc nhóm VN30 kết phiên với số điểm giảm, trong đó nhóm cổ phiếu bị giảm mạnh và tác động tiêu cực lên chỉ số nhất là BID, VNM, CTG, GAS, MSN, FPT, VCB, STB, BCM, TCB, MBB. Bộ đôi VIC và VHM trở thành “công thần” của thị trường khi kết phiên, VIC tăng 2,9%, đóng góp 1,9 điểm; còn VHM tăng 0,7%, góp 0,5 điểm. Tổng cộng bộ đôi này đóng góp 2,4 điểm vào chỉ số chung, giúp cho VN Index giữ được trên mốc 1.100 điểm.
Cổ phiếu ngân hàng ngập tràn sắc đỏ. Các mã giảm trên 1% có thể kể đến: BID giảm 1,33%, CTG giảm 1,69%, VIB giảm 1,08%, STB giảm 1,5%, EIB giảm 1,09%, OCB giảm 1,54%. Số ít mã ghi nhận sắc xanh như SSB, LPB, MSB chỉ tăng nhẹ không đáng kể.
Cổ phiếu chứng khoán cũng theo đà thị trường lao dốc. Theo đó, SSI giảm 0,81%, VND giảm 0,51%, VCI giảm 1,09%, HCM giảm 2,71%, FTS giảm 2,7%, VIX giảm 0,34%, ORS giảm 3,05%. Riêng BSI tăng 1,05%.
Nhóm bất động sản phân hóa với phe tăng có bộ đôi VHM - VIC với mức tăng lần lượt 0,57% và 2,88%. Bên cạnh đó, NVL tăng 1,47%, PDR tăng 2,1%, VPI tăng 0,37%, CTD tăng 3,97%, TDC tăng kịch trần. Ở phe giảm, BCM mất 1,26% giá trị, KDH giảm 1,14%, KBC giảm 1,92%, DIG giả 1,41%, NLG giảm 2,56%, DXG giảm 3,11%, HDC giảm 2,21%.
Nhóm sản xuất cũng phân hóa, trong khi VNM giảm 1,85%, MSN giảm 1,35% thì HPG tăng 0,21%, GVR tăng 0,24%, SAB tăng 0,14%. Đáng chú ý nhất là bộ đôi ngành phân bón DCM - DPM giảm rất mạnh, lần lượt mất đi 5,52% và 3,16% giá trị.
Ở nhóm cổ phiếu năng lượng và bán lẻ: GAS giảm 0,99%, PLX giảm 0,42% còn POW đứng giá tham chiếu và PGV tăng 0,22%; MWG và FRT lần lượt có thêm 1,16% và 1,17% giá trị nhưng PNJ lại giảm 0,67%. Cổ phiếu hàng không đều giảm nhẹ, theo đó, VJC giảm 0,77% trong khi HVN giảm 0,89%.
Toàn thị trường có 318 mã tăng, 353 mã giảm. Thanh khoản khớp lệnh vẫn ở mức thấp kỷ lục, đạt 9.674 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường chứng khoán tiếp tục lập kỷ lục, thấp nhất trong vòng nửa năm
Giá trị khớp lệnh trung bình của các phiên giao dịch tính từ đầu tháng 10 trở lại đây chỉ ghi nhận ở mức dưới 13.000 tỷ đồng, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân 20.000 tỷ đồng trước đó. Đặc biệt, trong phiên 24 và 25/10, thanh khoản chỉ đạt mức hơn 9.000 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng nửa năm trở lại đây. Phiên 24/10 cũng là phiên đầu tiên sau 3 tháng thanh khoản khớp lệnh "nhúng" dưới 10.000 tỷ đồng.
Diễn biến sụt giảm của thanh khoản diễn ra sau khi thị trường ghi nhận những biến động mạnh. Trải qua những cú giảm sâu, nhà đầu tư cầm cổ phiếu thường có tâm lý chán nản không muốn giao dịch, trong khi người cầm tiền vẫn chọn chiến lược chờ đợi hơn là đuổi giá. Điều này khiến hai phía cung – cầu không thể gặp nhau và hệ quả là thanh khoản giảm nhanh chóng mặt.
Hiện tại, định giá P/E của thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm từ 14,1 lần vào giữa tháng 9 xuống chỉ còn 12,24 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm trở lại đây. Nhiều dự đoán đưa ra về xu hướng tăng trưởng lợi nhuận của các công ty trong quý 3 sẽ đẩy chỉ số P/E tiếp tục sụt giảm.
Trên quan điểm tích cực, Pyn Elite Fund cũng đánh giá thị trường chứng khoán có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng dựa trên triển vọng cải thiện rõ ràng dữ liệu kinh tế và thu nhập của doanh nghiệp. Quỹ ngoại nhận định VN-Index có tiềm năng trở lại vùng định giá P/S trên 2 tương ứng vùng 1.500 điểm cùng dự báo lãi suất điều hành dự kiến sẽ giảm xuống 4% trong 12 tháng tới.