Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 29/2: Cổ phiếu họ Vingroup bị khối ngoại xả mạnh

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 phiên diễn biến tích cực, bước sang phiên hôm nay, thị trường đã có dấu hiệu bị chốt lời. Khối ngoại quay xe bán "rát" cổ phiếu họ Vingroup.

Thị trường bị chốt lời

Bước sang phiên giao dịch sáng nay 29/2, dư âm sự hưng phấn của thị trường vẫn tiếp diễn ngay khi mở cửa. VN-Index nhanh chóng vượt qua ngưỡng 1.260 điểm khá dễ dàng và tiếp tục tiến bước.

Tuy nhiên, áp lực tại vùng giá cao khiến lực bán gia tăng. VN-Index có nhịp giảm khá nhanh và thậm chí đã lùi về dưới tham chiếu, khi bảng điện tử đảo chiều, cũng như sắc đỏ lấn át trong rổ bluechip.

Kết phiên, VN-Index giảm nhẹ 1,82 điểm, tương đương 0,15% xuống còn 1.252,73 điểm. Toàn thị trường có 300 mã tăng giá, 386 mã giảm giá và 889 mã ở tham chiếu. Thanh khoản toàn thị trường hôm nay đạt gần 29 nghìn tỷ, trong đó, dòng tiền rải đều tại 3 nhóm ngành: Ngân hàng (gần 5,2 nghìn tỷ đồng), bất động sản (hơn 5 nghìn tỷ đồng) và chứng khoán (4,3 nghìn tỷ đồng).

Trụ đỡ chính của thị trường hôm nay là MSN khi tăng 3,1% lên 70.400 đồng, khớp gần 8,3 triệu đơn vị; SSI tăng 2,5% lên 37.000 đồng và giữ vững vị trí là cổ phiếu thanh khoản cao nhất thị trường khi có hơn 43,1 triệu đơn vị khớp lệnh. Tiếp theo là MWG tăng 2% lên 46.200 đồng, khớp 13,89 triệu đơn vị, trong khi SAB và HPG nhích hơn 1%.

Đặc biệt, trong phiên giao dịch hôm nay, FRT tiếp tục tăng gần kịch trần sau nhiều phiên tăng liên tiếp. Kết phiên, cổ phiếu này tăng 6,38%, tương đương 8.700 đồng/cp lên mức giá 145.000 đồng/cp. Với mức tăng này, vốn hóa của FRT đã tăng lên gần 20 nghìn tỷ. Tính từ 1/3/2023 đến nay, tức là tròn 1 năm, cổ phiếu của FPT Retail đã tăng tổng cộng hơn 143% thị giá. Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng gần 34%.

Hầu hết các nhóm ngành đều có sự phân hóa. Trong đó, cổ phiếu ngân hàng có xu hướng điều chỉnh khi sắc đỏ chiếm đa số, nổi bật là BID giảm 1,67%, CTG giảm 1,11%, MBB giảm 1,02%, LPB giảm 1,16%, OCB giảm 1,62%, EIB giảm 1,08%.

Cổ phiếu bất động sản cũng tương tự, nhưng mức độ phân hóa mạnh hơn. Ở phe giảm, ngoài nhóm Vingroup ghi nhận VHM giảm 2,25%, VIC giảm 1,32%, VRE giảm 4,68%. Ở chiều ngược lại, KDH lại tăng kịch trần, NLG tăng 3,66%.

Nhóm sản xuất cũng phân hóa. Trong khi HPG tăng 1,31%, MSN tăng 3,07%, SAB tăng 1,39%, DGC tăng 1,36%, VGC tăng 3,17%, BMP tăng 3,08% thì VNM giảm 0,28%, GVR giảm 1,04%, DCM giảm 0,88%, HSG giảm 0,66%, PHR giảm 1,94%.

Riêng nhóm cổ phiếu chứng khoán giao dịch khá khả quan. SSI tăng 2,49%, VCI tăng 1%, VND tăng 0,22%, VIX tăng 0,83%, CTS tăng 1,9%, thậm chí FTS tăng kịch trần.

Cổ phiếu họ Vin bị khối ngoại xả mạnh

Khối ngoại hôm nay quay trở lại bán ròng hơn 380 tỷ, tập trung vào 2 cổ phiếu họ Vin là VHM (211 tỷ), và VRE (172 tỷ). Cổ phiếu họ Vin hôm nay tiếp tục là "tội đồ" khi là nhân tố chính làm VN-Index bị giảm điểm. VRE giảm 4,7% xuống 26.500 đồng; VHM giảm 2,3% xuống 43.400 đồng. 2 cổ phiếu này lần lượt lấy đi của VN-Index 0,7 và 1 điểm. 

Trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 diễn ra vào sáng qua 28/2, ông Nguyễn Việt Quang - Tổng Giám đốc Vingroup cho biết, hiện nay, Tập đoàn Vingroup đang có 3 doanh nghiệp niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) là: Tập đoàn Vingroup (mã cổ phiếu VIC), CTCP Vinhomes (mã cổ phiếu VHM), CTCP Vincom Retail (mã cổ phiếu VRE). 3 doanh nghiệp niêm yết thuộc Vingroup đạt tổng giá trị vốn hóa thị trường lên đến 419.000 tỷ đồng, tương đương hơn 17 tỷ USD, đã huy động thành công hàng tỷ USD thông qua thị trường chứng khoán Việt Nam và quốc tế.

Trong năm 2024, Vingroup cho biết sẽ tiếp tục huy động vốn thông qua cả kênh tín dụng trong, ngoài nước cùng với phát hành thêm cổ phiếu, trái phiếu trong và ngoài nước để tài trợ cho các hoạt động kinh doanh thông thường và mở rộng thị trường quốc tế của tập đoàn.