Chứng khoán 3/11: VN-Index "đánh võng", nhà đầu tư chóng mặt

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lúc 14 giờ 28 phút, khi đã ở những phút cuối cùng của phiên giao dịch, VN-Index đột ngột mất hơn 20 điểm rồi quay đầu tăng trong chớp mắt nhà đầu tư chóng mặt.

ETF tái cơ cấu, VN-Index "đánh võng" chóng mặt cuối phiên

Thị trường đánh võng nhiều lần trong suốt phiên do tác động của các giao dịch lướt sóng ngắn hạn. Đặc biệt, đợt ATC cả loạt cổ phiếu xuất hiện khối lượng bán tăng đột biến, khiến VN30-Index giảm 0,12%, còn VN-Index mất gần hết đà tăng. Có lúc, chỉ số này giảm sâu hơn 20 điểm. Tuy nhiên, đây chỉ là các giao dịch mang tính thời điểm của các quỹ ETF nội, nên ngay sau đó chỉ số lập tức đã hồi lại. 

Kết phiên 3/11, chỉ số VN-Index tăng 1,31 điểm, tương đương 0,12%, lên 1.076,78 điểm. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE cải thiện lên 14.317 tỷ đồng (một phần vì đây là phiên ETF tái cơ cấu).

VN-Index "đánh võng" nhiều lần trong phiên 3/11
VN-Index "đánh võng" nhiều lần trong phiên 3/11

Trước đó, ngày 16 và 17/10, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) đã công bố danh mục cổ phiếu thành phần, thông tin về cập nhật thay đổi về tỷ lệ free-float, khối lượng lưu hành các trọng số liên quan của các bộ chỉ số mà Hose đang quản lý. Ngày 3/11 là ngày cuối cùng các ETF hoàn thiện việc cơ cấu theo danh mục mới mà HoSE công bố.

Sự tham gia của ETF phần nào khiến cho nhóm VN30 phân hóa cực mạnh. Cụ thể, một số cổ phiếu tăng tới trên 4% như HDB, MWG, SAB, TCB, VRE; ở chiều ngược lại, SSB giảm tới trên 6%; VPB, TPB, FPT đều giảm hơn 2%.

Ngân hàng là nhóm phân hóa mạnh nhất, trong đó: TCB tăng 5,62%, HDB tăng 4,26%, OCB tăng 5,3%, MSB tăng 2,31% nhưng VPB lại giảm 2,46%, ACB giảm 1,12%, MBB giảm 1,69%, STB giảm 1,72%, SHB giảm 1,83%, TPB giảm 2,13% và SSB giảm 6,36%.

Cổ phiếu chứng khoán cũng biến động với biên độ khá hẹp, đa số dưới 1%, dù phiên trước đó giao dịch hết sức sôi động.

Cổ phiếu bất động sản phân hóa rõ rệt. Trong khi VHM tăng 1,38%, VRE tăng 4,95%, NVL tăng 3,93%, VCG tăng 2,61%, SJS tăng 6,21%, DXS tăng 3,34%, CTD tăng kịch trần thì KDH giảm 2,67%, NLG giảm 1,23%, HDG giảm 1,12%, AGG giảm 1,35%, SZC giảm 1,01%.

Ở nhóm bán lẻ, MWG phục hồi mạnh phiên thứ 2 liên tiếp với mức tăng 5,27%; FRT cũng tăng 3,45% trong khi PNJ và DGW cùng đứng giá tham chiếu.

Phiên chững lại đà tăng và nhiều mã quay đầu giảm hôm nay không có gì bất ngờ. Ngoài yếu tố tái cơ cấu ETF, giao dịch ngắn hạn xuất hiện của các nhà đầu tư chuộng giải pháp an toàn. Hiện thanh khoản vẫn chưa có gì nổi bật, thậm chí tính chung cả ngày, giá trị khớp lệnh 2 sàn niêm yết còn tăng chưa tới 1% so với hôm qua. Do đó việc tái cơ cấu danh mục hay tranh thủ lướt sóng giảm giá vốn là chiến lược bình thường.

Tiến độ thực hiện nâng hạng còn chậm

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 3/11, Bộ Tài chính cho biết, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam hiện đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI và FTSE Russell xếp vào Nhóm 3 - Thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường mới nổi.

Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russel tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging market). Mặc dù đánh giá tiến độ thực hiện nâng hạng còn chậm, FTSE Russell cũng ghi nhận việc tái khẳng định cam kết của các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý thị trường vốn Việt Nam trong công tác nâng hạng thị trường. Bên cạnh đó, Uỷ ban Chứng khoán (UBCKNN) đã cho thấy nỗ lực của mình trong việc tìm kiếm các giải pháp dài hạn và  giải pháp trước mắt có thể triển khai để gỡ bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch.

Để đáp ứng các tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ nhóm 3 (thị trường cận biên) lên nhóm 2 (thị trường mới nổi), qua trao đổi với 2 tổ chức xếp hạng MSCI và FTSE cùng với tư vấn của Ngân hàng Thế giới, có 12 nhóm vấn đề cần cải thiện đối với thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, các vướng mắc về chính sách và thực tiễn cần tập trung tháo gỡ, gồm yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding); giới hạn sở hữu nước ngoài.

Theo đó, đối với vấn đề yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, Bộ Tài chính (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) sẽ chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành, đơn vị liên quan rà soát tổng thể các văn bản pháp luật về chứng khoán như Luật Chứng khoán 2019, Nghị định 155/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn để trình các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan, sớm đưa hệ thống bù trừ thanh toán theo mô hình CCP vào hoạt động.

Riêng với nội dung về giới hạn sở hữu nước ngoài, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ KH&ĐT công bố đầy đủ tỉ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hạn chế tiếp cận; thực hiện cập nhật thường xuyên trên trang thông tin điện tử của Bộ bằng song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài có thể dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu. Đồng thời, nghiên cứu giảm bớt số lượng ngành nghề không nhất thiết hạn chế tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài theo danh mục ngành nghề chưa được tiếp cận thị trường và tiếp cận thị trường có điều kiện tại Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi các quy định về công bố thông tin của các công ty đại chúng theo hướng yêu cầu các công ty niêm yết quy mô lớn (dự kiến là các công ty niêm yết trong rổ chỉ số VN100) bắt buộc thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Việt và tiếng Anh, đồng thời triển khai thực hiện thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại tất cả các công ty đại chúng để nhà đầu tư nước ngoài thuận lợi trong việc nắm thông tin về khả năng tham gia tại các doanh nghiệp.