Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 8/4: BID kéo chỉ số, VN-Index vẫn "rơi" gần 5 điểm

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng hôm nay là nhóm tăng mạnh nhất khi BID trở thành đầu tàu kéo chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, dòng tiền yếu đã không thể khiến VN-Index thoát khỏi giảm điểm.

Cổ phiếu vua không "cứu" nổi thị trường

Thị trường hôm nay giằng co quanh mốc tham chiếu. Dòng tiền yếu khiến thanh khoản tụt mạnh chỉ còn 23 nghìn tỷ. Kết phiên 8/4, chỉ số VN-Index giảm 4,76 điểm, tương đương 0,38%, xuống 1.250,35 điểm.

Toàn thị trường có 232 mã tăng, 497 mã giảm
Toàn thị trường có 232 mã tăng, 497 mã giảm

Ngân hàng hôm nay là nhóm tăng mạnh nhất khi BID trở thành đầu tàu kéo chỉ số VN-Index với mức đóng góp là 0,85 điểm, tăng 1,2%. Ngoài ra nhóm ngân hàng còn có HDB tăng 2,36%, LPB tăng 1,46% trong khi CTG, TCB, MBB, TPB cũng ghi nhận sắc xanh. Ở chiều ngược lại, riêng STB giảm tới 2,03%.

Cổ phiếu chứng khoán cũng giảm theo đà thị trường: VND và VIX đều giảm 1,81%, FTS giảm 2,06%, BSI giảm tới 5,29%...

Cổ phiếu bất động sản cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Không ít mã giảm trên 1% như NVL, KDH, PDR, NLG, TCH, HDG, ITA, CII... Sắc xanh hiện lên ở VHM, DIG, KOS, DXS; đặc biệt là DPG tăng tới 4,46% và NTL tăng 3,16%.

Nhóm sản xuất đa số các mã giảm trên 1% như VNM, DGC, VGC, SAB, DCM, DPM, PHR, CAV, ANV; GIL và POM thậm chí giảm kịch sàn. Các mã ngược chiều đa phần cũng chỉ tăng nhẹ.

Cổ phiếu hàng không phân hóa khi VJC giảm 0,79% còn HVN tăng 1,25%.

Cổ phiếu năng lượng và bán lẻ đều lao dốc: GAS giảm 1,36%, POW giảm 0,44%, PGV giảm 0,23%, PLX giảm 0,27%; MWG giảm 1,96%, PNJ giảm 1,44%, FRT giảm 2,45%, DGW giảm 4,08%.

Bi đát nhất là các cổ phiếu họ Viettel. Trên sàn UPCoM, VGI giảm tới 11,66% và VTK giảm 12,52%; còn trên sàn HoSE, VTP giảm kịch sàn và CRT mất đi 3,93% giá trị.

Khối ngoại hôm nay quay trở lại bán ròng hơn 152 tỷ đồng, trong đó tập trung vào VHM (282 tỷ đồng), VRE (122 tỷ đồng), quỹ FUESSVFL (118 tỷ đồng)... Ở chiều ngược lại, STB được quỹ ngoại mua 57 tỷ đồng, HPG 54 tỷ đồng, BID 41 tỷ đồng.

Cổ phiếu của Vincom Retail bị bán tháo sau khi Vingroup thoái vốn

Hôm nay, VRE là cổ phiếu gây thất vọng nhất trong nhóm bất động sản khi giảm tới 4,45%. Cổ phiếu này giảm trong bối cảnh Vincom Retail đã chính thức tách ra, không còn thuộc sự quản lý của Vingroup. Cổ phiếu này liên tục lao dốc trong những phiên gần đây. Trong vòng 1 tuần, VRE đã mất gần 9% thị giá. Kết phiên hôm nay 8/4, cổ phiếu này dừng ở 23.600 đồng/cp với 14,7 triệu cổ phiếu được sang tay, trong đó có 10,3 triệu cổ phiếu bị bán chủ động và chỉ có 4,4 cổ phiếu được mua chủ động. Theo đó, vốn hóa của công ty này còn 53,6 nghìn tỷ đồng.

Hôm 5/4, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) thông báo đã hoàn tất chuyển nhượng 55% vốn điều lệ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI (SDI) - đơn vị sở hữu 41,5% vốn Vincom Retail (gián tiếp thông qua công ty con là Công ty CP Kinh doanh thương mại Sado). Sau giao dịch này, Vincom Retail cũng không còn là công ty con của Tập đoàn Vingroup và tỷ lệ sở hữu cổ phần sở hữu trực tiếp của Tập đoàn Vingroup trong Vincom Retail là 18,4%.

Trước đó, ngày 4/4/2024 có 4 tổ chức mua vào 55% vốn SDI, gồm: Công ty CP Đầu tư Kinh doanh NP (16%), Công ty CP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thiên Phúc (16%), Công ty CP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Falcon (12,5%) và Công ty CP Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Emerald (10,5%). Đáng chú ý, trước đó vào ngày 29/3/2024, cả Đầu tư Kinh doanh NP và Thiên Phúc đã thế chấp tại Techcombank các hợp đồng chuyển nhượng 16% vốn SDI từ Công ty CP Thương mại và Kinh doanh Ngọc Việt. Công ty CP Đầu tư Kinh doanh NP là doanh nghiệp liên quan đến doanh nhân Nguyễn Hoài Nam. Doanh nhân Nguyễn Hoài Nam hiện đang giữ chức Tổng giám đốc của Berjaya Việt Nam và vừa qua đã ứng cử vào ghế HĐQT của Vincom Retail nhiệm kỳ mới.

Được biết, ngày 23/4 tới công ty sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại Hà Nội.