Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán 8/9: Khối ngoại chi nghìn tỷ mua cổ phiếu VPBank trong 3 phiên

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Trong phiên giao dịch hôm nay (ngày 8/9), có đến 8 cổ phiếu phân bón tăng kịch trần ngay từ khi mở phiên đến kết phiên. Ở diễn biến khác, VPB được khối ngoại mạnh tay gom hàng.

Cổ phiếu doanh nghiệp phân bón tím ngắt 

Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết, Trung Quốc đã yêu cầu một số nhà sản xuất phân bón tạm dừng xuất khẩu urê sau khi giá trong nước tăng vọt. Đây là động thái có thể hạn chế nguồn cung và tăng chi phí cho nông dân ở những quốc gia chuyên nhập khẩu phân bón như Ấn Độ.

Cổ phiếu phân bón tím ngắt sau tin Trung Quốc cấm xuất khẩu Ure
Cổ phiếu phân bón tím ngắt sau tin Trung Quốc cấm xuất khẩu Ure

Thông tin này khiến giới đầu tư bất chợt trở nên hào hứng với ngành phân bón, đẩy giá của các cổ phiếu ngành hàng này tăng kịch trần trong phiên 8/9. Chỉ 30 phút đầu phiên, hàng loạt cổ phiếu phân bón đã tím trần với biên độ tăng gần 7%, với DCM, DPM, BFC, SFG đều trắng bên bán. Các cổ phiếu như LAS và DHB tăng còn mạnh hơn nhờ có biên độ lớn, trong đó LAS tăng 9,92% và DHB leo dốc 13,95%. Trạng thái này duy trì đến cuối phiên. Kết phiên, DCM khớp gần 6 triệu đơn vị, dư mua trần 5 triệu đơn vị. DPM khớp hơn 5,7 triệu đơn vị, dư mua gần 5 triệu cổ phiếu. Các cổ phiếu khác trong ngành như LAS, BFC, VAF, QBS... cũng trong trạng thái dư mua trần khá lớn.

Cổ phiếu của hãng xe điện này đã thủng mốc 20 USD xuống chỉ còn 17.99 đô. 
Cổ phiếu của hãng xe điện này đã thủng mốc 20 USD xuống chỉ còn 17.99 đô. 

Thị trường giằng co quanh mốc tham chiếu. VIC tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ thông tin về cổ phiếu Vinfast trên sàn chứng khoán Mỹ. Cổ phiếu của hãng xe điện này đã thủng mốc 20 USD xuống chỉ còn 17,99 USD. Ở mức giá này, vốn hóa của VFS đạt 41,7 tỉ USD.

Theo dữ liệu của CompaniesMarketCap, VinFast đã tụt xuống thứ 13 trong bảng xếp hạng các nhà sản xuất ô tô có vốn hóa lớn nhất thế giới. Áp lực bán gia tăng khiến VIC mất gần 3% thị giá. Kết phiên 8/9, cổ phiếu này giao dịch quanh mốc 59.100 đồng/cổ phiếu, dư bán hơn 500 nghìn cổ phiếu, trong khi dư mua chỉ hơn 100 nghìn cổ. VIC cũng là mã lấy đi nhiều điểm nhất của VN-Index với 1,4 điểm. "Người anh em" VHM cũng chung số phận khi lấy đi của VN-Index 1,2 điểm. Kéo VN-Index giảm hơn 2 điểm trong phiên hôm nay về mốc 1.241 điểm.

Toàn sàn có 58 mã tăng trần, 420 mã tăng giá, 378 mã giảm giá.
Toàn sàn có 58 mã tăng trần, 420 mã tăng giá, 378 mã giảm giá.

Khối ngoại chi gần 1.000 tỷ đồng mua cổ phiếu VPB chỉ trong 3 phiên

Ngay sau khi công bố thông tin nới room ngoại, cổ phiếu VPB của VPBank chứng kiến giao dịch đột biến của khối ngoại trong phiên giao dịch từ ngày 6 - 8/9. Trong 3 phiên giao dịch, nhóm nhà đầu tư này đã mua ròng tới hơn 40 triệu đơn vị, tương đương giá trị hơn 900 tỷ đồng, đánh dấu phiên mua ròng mạnh nhất của khối ngoại tại VPB kể từ đầu năm đến nay.

Khối ngoại chi gần 1.000 tỷ đồng mua cổ phiếu VPB chỉ trong 3 phiên
Khối ngoại chi gần 1.000 tỷ đồng mua cổ phiếu VPB chỉ trong 3 phiên

Dữ liệu cho thấy, phần lớn số cổ phiếu này được sang tay theo hình thức thỏa thuận, quanh vùng giá 21.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, cổ phiếu VPB đứng ở mức 21.800 đồng/cổ phiếu, tăng 0,23%, thuộc top những cổ phiếu tăng mạnh nhất ngành ngân hàng hàng.

Trước đó, VPBank công bố thông tin về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa lên 30% vốn điều lệ. Ngân hàng cho biết, thời điểm chính thức điều chỉnh sẽ được thực hiện phù hợp với quy định của pháp luật và để đảm bảo thực hiện phương án chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.

Hội đồng quản trị VPBank cũng thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho Sumimoto Mitsui Banking Corp (SMBC), với giá dự kiến 30.159 đồng/cổ phiếu. Số cổ phiếu trên tương đương 17,734% lượng cổ phần đang lưu hành của VPBank và 15% lượng cổ phiếu lưu hành sau khi chào bán thành công. Thời gian thực hiện trong quý 3, quý 4 năm nay.

Hồi giữa tháng 8 vừa qua, phía cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản chấp thuận cho SMBC mua cổ phần của VPBank. Khoản đầu tư từ SMBC sẽ mang lại cho VPBank 35.900 tỷ đồng vốn cấp 1, nâng tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng từ 103.500 tỷ đồng lên xấp xỉ 140.000 tỷ đồng. Qua đó, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn chủ sở hữu lớn thứ 2 tại Việt Nam, chỉ sau Vietcombank.