Hé lộ thân thế ông Lê Thái Sâm, người cho Bamboo Airways vay hơn 7.700 tỷ đồng
Hôm nay, Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức Đại hội cổ đông bất thường. Đại hội cổ đông Bamboo Airways đã thông qua kế hoạch tăng vốn lên 30.000 tỷ theo đề xuất của cổ đông lớn, thay vì phương án như HĐQT đề xuất.
Ngay trước đại hội, HĐQT Tập đoàn FLC đã thông qua toàn văn dự thảo hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng 400 triệu cổ phần của Bamboo Airways mà Tập đoàn FLC đang sở hữu cho ông Lê Thái Sâm, Thành viên HĐQT của FLC, đổi lại là thanh lý toàn bộ nợ. Đi cùng với việc chuyển nhượng, ông Lê Thái Sâm sẽ tài trợ không hoàn lại cho FLC một khoản tiền để FLC thực hiện các nghĩa vụ tài chính đến hạn và/hoặc giải chấp các tài sản thuộc sở hữu của FLC đang được cầm cố, thế chấp. Theo báo cáo tài chính quý 3/2022 của FLC, Công ty đang nợ ông Sâm 621 tỷ đồng.
Ông Lê Thái Sâm sinh năm 1964, được bầu làm thành viên HĐQT FLC vào tháng 7/2022. Sau đó một tháng, ông Sâm tiếp tục được bầu vào HĐQT Bamboo Airways. Qua tra cứu, ông Sâm từng là Tổng Giám đốc của Công ty CP Sắt thép Cửu Long, tuy nhiên doanh nghiệp này hiện đang làm thủ tục giải thể. Ông Sâm cũng đứng tên Công ty CP Sắt thép Thăng Long, tuy nhiên doanh nghiệp này hiện đã ngừng kinh doanh, đóng mã số thuế.
Tài liệu Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 lần 2 của Bamboo Airways còn hé lộ, tính đến ngày 10/4/2023, Bamboo Airways đang nợ ông Sâm 7.727,8 tỷ đồng (bao gồm cả gốc và lãi). Theo ông Sâm, trong năm 2022, trước thực trạng khó khăn của công ty, ông đã sẵn sàng ký các hợp đồng cho công ty vay tiền mặt (không lãi suất và/hoặc lãi suất thấp và không có tài sản đảm bảo).
Văn bản trên còn hé lộ một chi tiết đáng chú ý khác, đó là tính đến ngày 3/5/2023, ông Sâm đang sở hữu 231,7 triệu cổ phần BAV, tương đương 12,53% vốn điều lệ Bamboo Airways.
Tiền đầu cơ sục sôi tìm cơ hội
Về diễn biến chung của thị trường chứng khoán phiên 9/5, cổ phiếu lớn giao dịch ảm đạm, dòng tiền luân chuyển tới các nhóm nhỏ, có tính đầu cơ để tìm kiếm cơ hội. Về cuối phiên, VN-Index suýt đánh mất sắc xanh.
Thị trường phân hoá, các bluechip biến động không đáng kể, nhưng sắc đỏ đã trở lại lấn át ở rổ VN30. Nhóm này có 13 mã tăng, 15 mã giảm, cùng VPB và BVH đứng tham chiếu.
Ở chiều tăng, hai cổ phiếu tăng tốt nhất là GAS và TPB, nhưng cũng chỉ nhích nhẹ hơn 1%. Còn ở chiều ngược lại, không mã nào giảm đến 1%, với những cái tên VHM, SSI, TCB, VIC, PDR, MSB, VCB, SAB, HDB, VJC…mất từ 0,2% đến 0,9%. Nhóm vốn hoá lớn nhất thị trường là ngân hàng, có VCB , TCB, ACB, HDB, MSB, OCB… cùng giảm giá.
Thị trường chưa thể hiện rõ xu thế, tiền đầu cơ tìm kiếm cơ hội ngắn hạn đã gia tăng khá mạnh vào một số cổ phiếu nhỏ, với nhiều cái tên đã đóng cửa ở mức giá trần, như ABS, BTP, CIG, EVG, HHP, TSC, VIX, YEG, FIT, ST8, TGG, MCG và QBS.
Đáng chú ý, dòng tiền có tín hiệu quay trở lại nhóm cổ phiếu thép, với HPG, HSG lọt nhóm dẫn đầu thanh khoản trên sàn HoSE. Sắc xanh bao phủ các mã HPG, HSG, NKG, TLH, SMC…
Nhóm bất động sản, logistics, thép, dầu khí có một số cổ phiếu tích cực, như HBC, TLD, KSB, HSG, HAH, TLH, NBB, VNL, PVD, VOS, NKG… tăng từ 2-4%
Bất ngờ trong phiên hôm nay là giao dịch của BII và TGG, những thành viên trong họ Louis, cùng tăng sau khi cựu lãnh đạo Đỗ Thành Nhân và các bị cáo liên quan vụ thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại CTCP Louis Holdings và CTCP Chứng khoán Trí Việt hầu tòa. Ông Nhân bị cáo buộc đã đăng các nội dung lên nhóm trên Facebook với tên gọi Louis Family có 10.000 người tham gia, rồi hô hào để thu hút nhà đầu tư mua 2 mã cổ phiếu BII và TGG qua đó kéo thị giá tăng ảo hàng chục lần.
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,33 điểm (0,03%) lên 1.053,77 điểm. HNX-Index tăng 1,03 điểm (0,49%) lên 211,95 điểm. UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (0,05%) xuống 78,34 điểm. Thanh khoản sụt giảm, giá trị khớp lệnh HoSE giảm còn 8.143 tỷ đồng. Khối ngoại gia tăng bán ròng, với giá trị 256 tỷ đồng, tập trung vào CTG, KBC, NLG…