Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán BIDV thêm bước tiến từ hợp tác chiến lược với Hana Financial Investment

Nguyên Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn Tài chính Hana (Hana Financial Group - HFG) sẽ hỗ trợ Công ty CP Chứng khoán BIDV đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, và hướng đến trở thành công ty chứng khoán hàng đầu về kỹ thuật số tại Việt Nam.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Ngày 11/3/2022, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Hana (Hana Financial Investment - HFI) thông báo đã ký kết thành công Hợp đồng mua 35% cổ phần vốn điều lệ của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) theo hình thức phát hành riêng lẻ với tổng giá trị giao dịch gần 117 triệu USD. Được biết, ngay sau khi hoàn tất giao dịch, HFI và BSC đã bắt đầu khởi động các dự án hợp tác chiến lược để nâng cao giá trị BSC.

Theo thông tin từ đại diện của HFI, với tư cách cổ đông lớn thứ hai sau BIDV, HFI sẽ cùng tham gia điều hành và hỗ trợ hoạt động BSC trong mảng chuyển đổi số và phát triển các mảng kinh doanh mới. Cụ thể, HFI có kế hoạch nâng cao chất lượng dịch vụ môi giới, mở rộng tập khách hàng thông qua việc tối ưu nền tảng giao dịch kỹ thuật số cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực quản lý quỹ. Điều này được kỳ vọng giúp BSC xây dựng hệ sinh thái sản phẩm, dịch vụ tài chính toàn diện, hướng đến sự phát triển bền vững cũng như tối đa hóa giá trị doanh nghiệp.

Công ty chứng khoán BSC được thành lập ngày 26 tháng 11 năm 1999 có trụ sở chính tại Hà Nội, và cổ đông lớn nhất là Ngân hàng BIDV nắm giữ 79,94% cổ phần. Các hoạt động kinh doanh chính của BSC bao gồm dịch vụ môi giới chứng khoán, bảo lãnh phát hành, tư vấn đầu tư, giao dịch phái sinh, tự doanh, ngân hàng đầu tư (IB).

Trong năm tài chính 2021, Công ty đạt TOP26 về quy mô vốn chủ sở hữu, TOP11 thị phần môi giới cổ phiếu và đạt lợi nhuận 15 triệu USD, tương ứng với tỷ suất ROE ở mức 22.2%. Với nguồn vốn bổ sung từ đợt phát hành thêm cho đối tác chiến lược HFI, BSC dự kiến sẽ có bước nhảy vọt về thứ hạng lên TOP10 các công ty chứng khoán có quy mô vốn chủ sở hữu lớn nhất.

Trong thời gian tới, các bộ phận chuyên môn về công nghệ của HFI và tập đoàn mẹ HFG sẽ phối hợp để tiến hành khảo sát cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và nền tảng giao dịch hiện tại, phân tích các yếu tố cốt yếu của thị trường chứng khoán Việt Nam để đưa ra giải pháp chiến lược nhằm củng cố nền tảng kỹ thuật số cho BSC. Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ kéo theo số lượng tầng lớp trung lưu tăng mạnh hơn nữa, vì vậy BSC và HFI đang xây dựng kế hoạch kinh doanh để mở rộng hợp tác chiến lược sang lĩnh vực quản lý quỹ hiện vẫn đang ở giai đoạn sơ khai ở Việt Nam.

Với bề dày kinh nghiệm trong suốt những năm qua, Tập đoàn HFG luôn tiên phong và đạt được nhiều thành công trong quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức lớn. Tiêu biểu, Hana Bank Trung Quốc đã hợp tác với các đối tác trong nước, như Alibaba đưa ra thị trường thành công các sản phẩm cho vay không xác thực với tổng giá trị giải ngân đạt gần 1 tỷ USD. PT KEB Hana Bank Indonesia, một công ty con của Hana Bank tại Indonesia, đã hợp tác với Công ty truyền thông toàn cầu LINE ra mắt ứng dụng ngân hàng kỹ thuật số trên nền tảng di động có tên là 'Line Bank' và hiện đang cung cấp dịch vụ tiền gửi và cho vay cho nhiều người dùng. Với những thành tựu mà HFI đã đạt được trong lĩnh vực kinh doanh kỹ thuật số toàn cầu, BSC đặt mục tiêu lọt Top 7 công ty chứng khoán tại Việt Nam vào năm 2026.

BSC sẽ sử dụng nguồn vốn từ đợt phát hành riêng lẻ để tập trung đẩy mạnh mảng môi giới, cho vay ký quỹ, hoạt động tự doanh và đầu tư nâng cấp, phát triển hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng như phát triển hệ sinh thái dịch vụ tài chính toàn diện, hướng đến trở thành công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam về kỹ thuật số.