70 năm giải phóng Thủ đô

Chứng khoán châu Á biến động bất nhất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Các nhà phân tích cho rằng giới giao dịch coi động thái tăng lãi suất của Trung Quốc là cái cớ để bán tháo và sự lên giá gần đây của đồng USD đang là nhân tố đóng vai trò đáng kể trong việc quyết định hướng đi của thị trường.

KTĐT - Các nhà phân tích cho rằng giới giao dịch coi động thái tăng lãi suất của Trung Quốc là cái cớ để bán tháo và sự lên giá gần đây của đồng USD đang là nhân tố đóng vai trò đáng kể trong việc quyết định hướng đi của thị trường.

Phiên giao dịch ngày 20/10, các thị trường chứng khoán châu Á biến động bất nhất, do việc Trung Quốc bất ngờ tăng lãi suất đã dấy lên những lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế nước này sẽ giảm tốc và ảnh hưởng đến đà phục hồi trên toàn cầu.

Tính chung, chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) phiên này giảm 0,1%.

Ngày 19/10, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo tăng lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi 1 năm thêm 0,25 điểm phần trăm, sau gần 3 năm đóng băng ở mức tương ứng 5,31% và 2,25%, nhằm kiềm chế lạm phát và sự tăng giá bất động sản.

Theo một số nhà phân tích, đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc và Mỹ đang cùng hành động để xoa dịu những căng thẳng tiền tệ trên toàn cầu.

Masatoshi Sato, nhà phân tích thị trường thuộc công ty chứng khoán Mizuho Investors Securities Co. Ltd. ở Tokyo, cho rằng quyết định của Trung Quốc là một bất ngờ lớn đối với thị trường.

Theo ông, tâm lý thị trường chứng khoán châu Á hiện khá xấu do giới đầu tư lo ngại rằng việc tăng lãi suất có thể gây sức ép lên đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, theo đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của những nước khác đang dựa vào đó như là chìa khóa để phục hồi từ cuộc suy thoái toàn cầu.

Kết thúc phiên giao dịch tại Tokyo, chỉ số Nikkei-225 đã giảm 157,85 điểm (1,65%) xuống 9.381,60 điểm - mức thấp nhất trong hai tuần, khi những lo ngại của giới đầu tư xung quanh quyết định bất ngờ tăng lãi suất của Bắc Kinh gây sức ép làm giảm giá các cổ phiếu có mối liên hệ lớn tới Trung Quốc.

Ngân hàng Credit Agricole Corporate and Investment Bank cho rằng tâm lý tiêu cực sẽ tiếp tục tồn tại trong một thời gian ngắn nữa, theo đó gây sức ép làm giảm giá các tài sản trên toàn cầu, do các thị trường thế giới hiện vẫn rất nhạy cảm trước những nguy cơ tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc, nền kinh tế đang dẫn đầu thế giới thoát khỏi suy thoái.

Trong khi đó, chỉ số Hang Seng tại thị trường chứng khoán Hongkong, cũng giảm 207,23 điểm (0,87%) xuống 23.556,50 điểm.

Các nhà phân tích cho rằng giới giao dịch coi động thái tăng lãi suất của Trung Quốc là cái cớ để bán tháo và sự lên giá gần đây của đồng USD đang là nhân tố đóng vai trò đáng kể trong việc quyết định hướng đi của thị trường.

Chỉ số S&P/ASX 200 của thị trường chứng khoán Sydney phiên này giảm 30,8 điểm (0,66%) xuống 4.624,9 điểm, với các cổ phiếu của các công ty tài nguyên giảm mạnh do phụ thuộc lớn vào nhu cầu Trung Quốc.

Còn chỉ số tiêu chuẩn của thị trường chứng khoán Xingapo giảm 0,4% xuống 3.178,20 điểm.

Tuy nhiên, các thị trường chứng khoán khu vực đã phục hồi được phần nào từ các mức thấp vào đầu phiên và một số thị trường đã trở lại được vùng tích cực khi tác động tiêu cực từ việc tăng lãi suất của Trung Quốc đã giảm bớt.

Chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải, tăng 2,1 điểm lên 3.003,95 điểm; chỉ số KOSPI của thị trường chứng khoán Seoul tăng 13,12 điểm (0,71%) lên 1.870,44 điểm.

Cùng ngày, các thị trường chứng khoán tại Đài Loan và Malaysia đều tăng điểm trong khi thị trường chứng khoán Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan lại đi xuống.