Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)
Bên cạnh đó, tâm lý đầu tư mạo hiểm đang "mon men" trở lại và những đồn đoán về khả năng Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) có thể nới lỏng chính sách tiền tệ đã khiến đồng bạc xanh và đồng euro tăng giá so với đồng yên, góp phần nâng đỡ cho chứng khoán Nhật Bản.
Đóng cửa phiên 4/10, hầu hết các sàn chủ chốt của châu Á đều tăng điểm, trong đó Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,89% (77,72 điểm) lên 8.824,59 điểm; Hang Seng của Hong Kong tăng 0,09% (19,67 điểm) lên 20.907,95 điểm; S&P/ASX200 của Ôxtrâylia nhích 13,81 điểm (0,31%) lên 4.452,4 điểm.
Riêng KOSPI của Hàn Quốc và Weighted của vùng lãnh thổ Đài Loan là đi ngược chiều xu hướng trên, khi để mất lần lượt là 3,35 điểm và 2,29 điểm xuống các mức tương ứng là 1.992,68 điểm và 7.682,34 điểm.
Thị trường chứng khoán Thượng Hải vẫn đóng cửa nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc.
Tâm điểm chú ý của giới đầu tư hiện hướng nhiều về cuộc họp về chính sách kéo dài hai ngày sắp tới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng trung ương Anh (BOE), cùng tình hình thị trường lao động phi nông nghiệp ở Mỹ (công bố tại Washington ngày 5/10).
Một số nhà phân tích cho rằng các thị trường chứng khoán châu Á trong tuần này chủ yếu vẫn ở trạng thái chờ và đợi. Và nếu BoJ không công bố các giải pháp nới lỏng tiền tệ mới trong cuộc họp lần này như những đồn đoán rộ lên từ mấy ngày gần đây thì nhà đầu tư lại hy vọng vào cuộc họp tiếp theo vào ngày 30/10 tới.
Đêm trước (3/10) tại Mỹ, chứng khoán Phố Wall đã bao phủ màu xanh sau khi giới đầu tư đón nhận hai thông tin tích cực là chỉ số PMI của lĩnh vực dịch vụ và lượng việc làm mới trong lĩnh vực tư nhân đều tăng nhẹ.
Mặc dù phần nào bị ảnh hưởng bởi cổ phiếu của hãng máy tính Hewlett Packard (HP) lao dốc mạnh trong phiên (để mất tới 13% giá trị xuống còn 14,90 USD/cổ phiếu), do giới đầu tư lo ngại về một bước ngoặt trong chiến lược của hãng này, song đóng cửa phiên 3/10, cả ba chỉ số chính của Phố Wall vẫn tăng điểm, trong đó Dow Jones Industrial Average tiến thêm 12,25 điểm (0,09%) lên 13.494,61 điểm; S&P 500 tăng 5,24 điểm (0,36%) lên 1.450,99 điểm và Nasdaq Composite tích thêm 15,19 điểm (0,49%) lên 3.135,23 điểm.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu cùng ngày 3/10 hầu như không thay đổi và có xu hướng "lình xình" đi ngang trong bối cảnh thị trường vẫn lo ngại về những diễn biến quanh gói cứu trợ dành cho Tây Ban Nha, cùng tâm lý chờ đợi của giới đầu tư trước thềm cuộc họp về chính sách của ECB.
Đóng cửa phiên 3/10, chỉ số FTSE 100 của Anh "giậm chân tại chỗ" ở mức 5.809,20 điểm, trong khi DAX 30 của Đức trượt nhẹ 0,05% về 7.301,91 điểm và CAC 40 của Pháp tiến thêm 0,10% lên 3.410,96 điểm.
Các nhà phân tích nhận định, có vẻ như tâm lý bất an lại quay trở lại với các thị trường khi Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cùng ngày nói rằng cho tới thời điểm này, ông chưa có kế hoạch cụ thể về thời gian yêu cầu gói giải cứu, cho dù lĩnh vực tài chính của Tây Ban Nha đang ở tình trạng khá nguy hiểm.