Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Chứng khoán đón “cầu vồng” sau kỳ nghỉ lễ?

Với nhiều thông tin tích cực sau kỳ nghỉ 30/4 và 1/5/2025, thị trường chứng khoán Việt được kỳ vọng sẽ đón nhận những "làn sóng" mới từ việc vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới KRX, mùa báo cáo tài chính quý I/2025 và triển vọng tốt của các ngành ngân hàng, thép…

Căng thẳng tạm lắng

Ngày 2/4/2025, Mỹ công bố mức thuế đối ứng lên đến 46% đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù mức thuế này đã được tạm hoãn trong 90 ngày để chờ kết quả đàm phán, nhưng thời gian bất định phía trước vẫn là mối lo ngại lớn đối với các DN Việt Nam. Theo Giám đốc Chiến lược của VPBankS Trần Hoàng Sơn, mức thuế đối với Việt Nam hiện đang là 10% và có thể tiếp tục đàm phán. Nhưng với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, khả năng sẽ có những ảnh hưởng phần nào.

Thực tế, nhiều DN FDI tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ về việc hủy đơn hàng hoặc xem xét đơn hàng mới, cho thấy tác động tiêu cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, tác động này được đánh giá là không quá lớn, đặc biệt khi Việt Nam đã ký kết nhiều FTA với các đối tác thương mại khác. Trong bối cảnh những nhiễu động thông tin trên thị trường toàn cầu và thông tin thuế quan chưa chắc chắn, tác động thực tế lên DN xuất nhập khẩu, FDI, cảng biển là có, nhưng chưa nặng nề.

Mức thuế đối với Việt Nam hiện đang là 10% và có thể tiếp tục đàm phán. Nhưng có một thực tế rằng với một nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, khả năng sẽ có những ảnh hưởng phần nào. Nhiều nhà đầu tư, DN FDI tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã chia sẻ về việc hủy đơn hàng hoặc xem xét đơn hàng mới. Đây là yếu tố tiêu cực trong ngắn hạn, nhưng ở dài hạn, tác động sẽ không quá lớn. Mỹ là đối tác thương mại rất lớn của Việt Nam, nhưng ngoài Mỹ, chúng ta còn ký kết nhiều FTA với các đối tác thương mại khác.

Nhà đầu tư giao dịch tại sàn Chứng khoán AIS, thành phố Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

“Với kỳ vọng của VPBankS, chúng tôi không quá bi quan. Trong một kịch bản thận trọng, mức tăng trưởng lợi nhuận của DN Việt Nam sẽ ít nhất là 15 – 20%. Vì vậy, chỉ số VN-Index có thể chạm ngưỡng 1.400 điểm nhờ những câu chuyện như tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển hướng thương mại để phù hợp hơn với bối cảnh hiện tại, đẩy mạnh đầu tư công và tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng trong nước”- ông Trần Hoàng Sơn thông tin.

Thông thường, trước các kỳ nghỉ dài ngày, nhà đầu tư có xu hướng chốt lời nghỉ ngơi. Vì thế, thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái lặng sóng, thanh khoản giảm, giao dịch chậm lại. Năm nay sau kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 kéo dài, nhiều tin tức tích cực như việc đưa hệ thống CNTT mới KRX vào vận hành, là sóng báo cáo tài chính quý I/2025… có thể khiến thị trường có “sóng” tốt.

Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) cho biết, sẽ vận hành hệ thống công nghệ KRX vào ngày 5/5/2025. Sự kiện này không chỉ giúp cải thiện hạ tầng kỹ thuật mà còn mở ra cơ hội nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, thu hút thêm hàng chục tỷ USD vốn ngoại. Khi hệ thống giao dịch mới được đưa vào hoạt động, thanh khoản thị trường tăng cao, rất có lợi cho nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng, đặc biệt là các công ty chứng khoán có hệ thống giao dịch bán lẻ lớn. Hệ thống KRX được kỳ vọng sẽ mang đến các sản phẩm, giải pháp giao dịch và thanh toán mới cho thị trường chứng khoán Việt Nam như: giao dịch trong ngày (T+0), bán khống (short selling), rút ngắn thời gian thanh toán, hợp đồng quyền chọn (option contract)…

Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội quý I/2025 cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với quý I các năm trong giai đoạn 2020 - 2025. Điều này tạo nền tảng tích cực cho các DN trong việc công bố báo cáo tài chính quý I/2025. Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn đối mặt với thách thức từ căng thẳng thuế quan và biến động tỷ giá. Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi sát sao báo cáo tài chính để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý.

Tìm “bến bình yên trong bão”

Dù thị trường tài chính toàn cầu có nhiều biến động, đặc biệt là trước rủi ro thuế quan từ Mỹ nhưng theo giới phân tích, nhiều nhóm ngành vẫn “bình yên trong bão” nhờ duy trì trạng thái ổn định với nền tảng kinh doanh vững vàng và triển vọng tăng trưởng khả quan.

Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng từ SSI Research cho thấy, năm 2025 có thể tiếp tục là năm tích lũy hiệu quả cho nhóm cổ phiếu "xương sống" của nền kinh tế. Theo đó, các ngân hàng thương mại cổ phần đã đồng loạt đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 17% trong năm 2025, sát với mức dự báo 18% của nhóm phân tích. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 21% so với cùng kỳ, phản ánh kỳ vọng tích cực vào đà hồi phục của nền kinh tế. Mặc dù tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn năm 2024 (20%), mức dự báo này vẫn được đánh giá là khả thi trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và biên lãi thuần có xu hướng thận trọng hơn.

Trong khi đó, các ngân hàng quốc doanh chưa công bố kế hoạch lợi nhuận cụ thể do cần chờ phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước, nhưng một số đơn vị như: CTG, BID, VCB vẫn có kế hoạch tăng vốn điều lệ và chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đặc biệt, CTG dự kiến chia cổ tức cổ phiếu tỷ lệ 44,64% từ lợi nhuận giữ lại, đồng thời giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2024 nhằm tăng cường nội lực tài chính. Việc chia cổ tức chủ yếu bằng cổ phiếu thay vì tiền mặt là giải pháp giúp các ngân hàng duy trì nguồn vốn tự có, phục vụ cho nhu cầu tín dụng và đầu tư. Các kế hoạch tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ cũng đang được xúc tiến, đặc biệt là tại những ngân hàng có tiềm năng tăng trưởng mạnh trong nhóm: MBB, ACB, HDB và MSB.

Ngành thép, tiêu biểu là Hòa Phát (HPG), cũng là nhóm được nhà đầu tư quan tâm khi câu chuyện tăng trưởng đến từ thị trường nội địa và đẩy mạnh đầu tư công. Thị phần tại Mỹ và châu Âu của HPG không lớn nên ít bị ảnh hưởng bởi thuế quan. Việc giá cổ phiếu đã về vùng nền 25.000 đồng/cp được xem là cơ hội tích lũy.

Bên cạnh đó, nhóm ngành tiện ích công như điện, nước, gas – vốn có mô hình doanh thu ổn định đang thu hút dòng tiền phòng thủ. Một số cổ phiếu đáng chú ý gồm: POW (điện), REE (điện – nước – điều hòa), GAS (khí), BWE (nước). Những DN này có khả năng chi trả cổ tức cao, ít bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế toàn cầu.

Có thể thấy, căng thẳng thuế quan tạm lắng không có nghĩa là rủi ro đã biến mất. Tuy nhiên, với nền kinh tế vĩ mô ổn định, định giá thị trường hấp dẫn và các câu chuyện cải tổ hạ tầng như hệ thống KRX, theo các chuyên gia, nhà đầu tư trung – dài hạn có thể cân nhắc giải ngân vào các nhóm ngành có nền tảng vững như ngân hàng, thép và tiện ích công để đón đầu “sóng” sau kỳ nghỉ lễ.

Trích dẫn
Trích dẫn 1

Trong bối cảnh hiện tại, lo lắng là chuyện bình thường, nhưng nhà đầu tư cần phân tích kỹ, có cơ sở, dẫn chứng rõ ràng để đưa ra quyết định đầu tư hợp lý, dựa trên dữ liệu, dựa trên lý trí chứ không nên dựa trên lo lắng, cảm xúc chủ quan bởi cảm xúc có thể đánh lừa chúng ta.

Giám đốc Chiến lược của VPBankS Trần Hoàng Sơn

Chọn vàng hay chứng khoán?

Chọn vàng hay chứng khoán?

Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Huyện Phúc Thọ: động lực tăng trưởng từ phát triển công nghiệp

Huyện Phúc Thọ: động lực tăng trưởng từ phát triển công nghiệp

02 May, 07:09 AM

Kinhtedothi - Trong những năm qua, lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã có bước phát triển nhanh, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện, đặc biệt là giải quyết việc làm, mang lại thu nhập cho nhiều lao động.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ