Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Everest bị xử phạt trong vụ Tân Hoàng Minh làm ăn ra sao?

Hương Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Kết luận điều tra vụ án Tân Hoàng Minh cho thấy, một số công ty chứng khoán là đơn vị tư vấn phát hành trái phiếu nhóm Tân Hoàng Minh. Trong đó, Chứng khoán Everest đã ký hợp đồng tư vấn phát hành gói trái phiếu 3.230 tỷ đồng cho Công ty Cung điện Mùa đông có vi phạm.

Chứng khoán Everest vi phạm gì trong vụ án Tân Hoàng Minh?

Theo kết luận của Cơ quan Cảnh sát Điều tra về vụ án Tân Hoàng Minh, Công ty CP Chứng khoán Everest (EVS), địa chỉ trụ sở chính: số 2A phố Đại Cồ Việt, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội; được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cấp Giấy phép hoạt động số 48/UBCK- GPHĐKD ngày 29/12/2006; vốn điều lệ: 1.648 tỷ đồng. Nội dung kinh doanh: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán, bảo lãnh và phát hành chứng khoán, lưu ký chứng khoán; ông Nguyễn Thành Chung - Tổng Giám đốc, đại diện pháp luật.

Công ty CP Chứng khoán Everest có địa chỉ trụ sở chính tại số 2A phố Đại Cồ Việt- Hà Nội
Công ty CP Chứng khoán Everest có địa chỉ trụ sở chính tại số 2A phố Đại Cồ Việt- Hà Nội

Ngày 11/11/2021, Công ty CP Chứng khoán Everest (đại diện Nguyễn Thành Chung, Tổng Giám đốc) và Công ty Cung Điện Mùa Đông (đại diện Nguyễn Khoa Đức, Giám đốc) ký Hợp đồng tư vấn phát hành trái phiếu số 42/2020/HĐTV/WTP-EVS, mã trái phiếu WTPCH2125003, trị giá 3.230 tỷ đồng (gói CĐMĐ3).

Kết quả kiểm tra, xử lý của UBCKNN cho thấy, ngày 31/8/2022, đơn vị đã kiểm tra và lập Biên bản vi phạm hành chính số 473/BB-VPHC đối với Công ty CP Chứng khoán Everest về hành vi chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc rà soát hồ sơ chào bán trái phiếu của Công ty Cung Điện Mùa Đông theo quy định. Cụ thể, tại mục III.B Bản công bố thông tin về việc đáp ứng các điều kiện chào bán trái phiếu của Công ty Cung Điện Mùa Đông theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ghi nhận “Cung Điện Mùa Đông thực hiện thanh toán đủ cả gốc, lãi của trái phiếu đã phát hành". Tuy nhiên, tại thời điểm này, Công ty Cung Điện Mùa Đông đã phát hành 02 mã trái phiếu WTPCH2124001, WTPCH2124002 với tổng trị giá 450 tỷ đồng.

Tại điểm 3.1 mục II Bản công bố thông tin (trang 18, 19) đưa ra thông tin về các hoạt động kinh doanh chủ yếu của Công ty Cung Điện Mùa Đông, trong đó nêu một số dự án đã và sắp triển khai. Đối với dự án sắp triển khai là Dự án Khu du lịch phức hợp Hoàng Hải, tại Công ty CP Chứng khoán Everest không có hồ sơ, tài liệu thể hiện vai trò của Công ty Cung Điện Mùa Đông liên quan đến Dự án này.

Với các lỗi vi phạm trên, ngày 16/9/2022, UBCKNN có quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty CP Chứng khoán Everest, với số tiền xử phạt là 400 triệu đồng; không có kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra.

Quá trình điều tra vụ án, sau khi có yêu cầu từ Cơ quan Cảnh sát điều tra  - Bộ Công an, Công ty CP Chứng khoán Everest đã nộp lại toàn bộ số tiền 500 triệu đồng có nguồn gốc từ bán trái phiếu do Tân Hoàng Minh thanh toán phí, vào tài khoản tạm giữa để thu hồi nguồn tiền phạm tội.

Tiếp tục báo lỗ bán niên 2023, cơ cấu cổ đông EVS thế nào?

Công ty CP Chứng khoán Everest chính thức được thành lập và đi vào hoạt động năm 2006 với số vốn điều lệ 600 tỷ đồng. EVS được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ tháng 5/2019.

Cổ đông lớn bao gồm: ông Nguyễn Hải Châu là Chủ tịch HĐQT, nắm giữ 4.064.900 cổ phiếu, tương đương 2,467%. Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, nắm giữ 132.870 cổ phiếu, tương đương 1,476%. Ông Trần Đình Lợi (không hiển thị thông tin) nắm giữ 3.000.000 cổ phiếu, tương đương 1.82%. Ngoài ra, Quỹ Đầu tư Khám phá Giá trị Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) nắm giữ 4.894.701 cổ phiếu, tương đương 2,97%, đây cũng là cổ đông nắm giữ nhiều cổ phần nhất của EVS.

Mới đây, thông tin từ HNX cho biết, Quỹ Đầu tư Khám phá Giá trị Việt Nam (VVDIF), tổ chức có liên quan đến ông Nguyễn Hải Châu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Everest đã đăng ký mua 5 triệu cổ phiếu EVS. Giao dịch được thực hiện từ ngày 21/9 đến ngày 20/10 theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh. Hoàn tất giao dịch, Quỹ Đầu tư VVDIF sẽ nâng sở hữu của mình tại chứng khoán EVS từ hơn 2 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 1,22% lên hơn 7 triệu cổ phiếu, tương ứng tỉ lệ 4,2% theo số lượng cổ phiếu mới bổ sung. Mục đích là giao dịch theo phương án sử dụng vốn thu được từ đợt tăng vốn điều lệ quỹ.

Cũng trong thời gian này, HNX đồng thời cũng có công văn chấp thuận cho Công ty CP Chứng khoán Everest niêm yết bổ sung hơn 61 triệu cổ phiếu từ ngày 20/9. Sau khi niêm yết thành công, Chứng khoán EVS đã nâng tổng lượng chứng khoán niêm yết từ 103 triệu cổ phiếu lên gần 165 triệu cổ phiếu. Theo đó, vốn điều lệ của doanh nghiệp được tăng gấp 1,5 lần, lên mức 1.648 tỷ đồng.

Về kết quả sản xuất kinh doanh quý 2/2023, Chứng khoán EVS ghi nhận doanh thu hoạt động ở mức 63 tỷ đồng, giảm đến 82% so với cùng kỳ. Lãi từ cho vay và phải thu chỉ đạt 9,7 tỷ đồng, giảm 73%. Ngoài ra, doanh thu môi giới chứng khoán cũng giảm mạnh xuống còn 7 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 doanh nghiệp này đạt vẻn vẹn 10,6 tỷ đồng, giảm 91% so với quý cùng kỳ.

Báo cáo tài chính EVS bán niên 2023.
Báo cáo tài chính EVS bán niên 2023.

Chứng khoán EVS cho biết, quý 2/2023, thanh khoản thị trường giảm, dẫn tới doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán, doanh thu hoạt động cho vay giảm. Mảng doanh thu từ hoạt động đại lý phát hành chứng khoán cũng giảm mạnh, đồng thời giá cổ phiếu giảm làm doanh thu hoạt động tự doanh giảm mạnh dẫn đến kết quả kinh doanh giảm nhiều so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của Chứng khoán EVS đạt hơn 125 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp lỗ sau thuế gần 25 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ lãi 142 tỷ đồng.

Năm 2023, Chứng khoán EVS đặt mục tiêu doanh thu hoạt động đạt 448,5 tỷ đồng, giảm 50% và lợi nhuận sau thuế đạt 102,8 tỷ đồng, tăng 35% so với thực hiện năm 2022. Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Chứng khoán EVS đang dừng ở mức 2.272 tỷ đồng, giảm 7% so với đầu năm. Nợ phải trả là 378 tỷ đồng, toàn bộ là nợ ngắn hạn.