Tuesday, 11:27 07/06/2016
Bội chi ngân sách: Chưa cao nhưng đáng lo
Kinhtedothi - Trước thực tế thâm hụt ngân sách 5 tháng đầu năm ở mức 66.400 tỷ đồng, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nếu không ngăn chặn được thâm hụt bằng kỷ luật ngân sách tốt, bội chi không giảm, nguy cơ vỡ nợ sẽ rất lớn.

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, TS Lê Đăng Doanh: Cần nhìn thẳng vào sự thật Việt Nam cần khẩn trương xây dựng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội nói chung và cân đối NSNN nói riêng, bao gồm cả ngân sách T.Ư và địa phương theo tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ sự thật, nói đúng sự thật”, chỉ ra những nguyên nhân lâu dài và trực tiếp dẫn đến tình trạng bội chi ngân sách tăng, nợ công tăng lên nhanh chóng và nguy cơ vỡ nợ là hiện thực. Về cân đối ngân sách, có thể sơ bộ xác định một số yếu tố như bộ máy quá cồng kềnh, trùng lắp kém hiệu quả, tiêu xài quá khả năng chịu đựng. Chi thường xuyên quá cao, lên đến 70% tổng chi ngân sách, bao gồm những khoản chi ngân sách lãng phí vượt quá tiêu chuẩn của NSNN như xe công… Ngoài ra, tính công khai minh bạch của ngân sách kém. Đầu tư xây dựng cơ bản kém hiệu quả, lãng phí, tình trạng thất thu, lạm thu xuất hiện song song với nhau, như thất thu trong khai thác tài nguyên khoáng sản, nhà đất, trong khi lạm thu ngoài pháp luật đè nặng lên DN. Cần xây dựng lộ trình tái cơ cấu NSNN với những bước đi đồng bộ thích hợp như tinh giản bộ máy, thực hiện công khai minh bạch tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực… Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính Trương Hùng Long: 5 thách thức của nợ công Việc kiểm soát nợ công hiện đang đứng trước 5 thách thức. Thứ nhất, tốc độ nợ công đang tăng nhanh (từ 50,7% GDP năm 2010 lên 62,2% năm 2015) và tiệm cận giới hạn cho phép, xuất phát chủ yếu từ áp lực huy động vốn vay cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN tăng mạnh. Thứ hai, chi phí huy động vốn có xu hướng tăng khi Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Từ khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2009 đã có sự thay đổi đáng kể về điều kiện vay vốn nước ngoài theo hướng giảm kỳ hạn từ 10 - 15 năm, chi phí huy động vốn tăng gấp đôi so với trước. Thứ ba, việc huy động, sử dụng vốn vay còn dàn trải, vẫn còn tư tưởng dựa vào sự bao cấp của Nhà nước nên phê duyệt quá nhiều dự án. Tình trạng điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu, điều chỉnh các hợp đồng diễn ra khá phổ biến... Thứ tư, các công cụ quản lý nợ còn thiếu, chưa đảm bảo chủ động, chưa gắn kết chặt chẽ với kế hoạch tài chính ngân sách và đầu tư công trung hạn… Thứ năm, công tác quản lý nợ công còn phân tán, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương gây khó khăn cho việc thống nhất quản lý nợ công, chủ động trả nợ, giám sát và kiểm soát rủi ro các chỉ tiêu an toàn nợ công theo quy định của pháp luật. |