VN-Index thủng đáy
Bước vào phiên giao dịch hôm nay, TTCK tiếp tục đón nhận những thông tin tích cực từ các báo cáo tài chính của nhiều đơn vị kinh doanh. Tuy nhiên, thị trường cũng đón nhận thông tin về dịch bệnh đang lây lan nhanh trong cộng đồng ở nhiều tỉnh thành phố và Chính phủ phải quyết định cho 19 tỉnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Ngay khi mở cửa, sàn HOSE đã chứng kiến hàng loạt mã giảm giá, trong đó nhóm VN30 đầu phiên không còn mã nào giao dịch trên ngưỡng tham chiếu. VN-Index rơi thẳng đứng từ sát 1.300 điểm xuống còn 1.269 điểm, thủng đáy ngay nhịp khớp đầu tiên.
Hết đợt khớp lệnh tự động, nhóm VN30 có MSN, KDH bật lên sắc xanh. Tuy nhiên, sắc xanh lẻ loi đã không kéo được chỉ số thu hẹp là bao nhiêu. Đến cuối phiên, VN-Index đã nới biên độ giảm và gần như đứng mức điểm thấp nhất phiên sáng. Nhóm cổ phiếu gây áp lực mạnh nhất lên chỉ số chính là nhóm trụ ngân hàng.
Kết phiên sáng, nhóm VN30 vẫn chỉ có 2 mã MSN và KDH đứng trên sắc xanh, nhưng mức tăng trên 3-4% đầu phiên sáng không còn mà chỉ còn tăng dưới 1%.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng những mã trong rổ VN30 như BID, VCB, CTG, HDB, MBB, TCB, TPB, VPB, MBB đều giảm trên dưới 4%; hai mã ngân hàng ngoài nhóm giỏ VN30 là LPB và VIB còn giảm mạnh về sát mức giá sàn, mất trên 6%.
Các cổ phiếu chứng khoán cũng đồng loạt giảm sâu từ trên 3% đến trên 5% như, SSI, HCM, CTS, BSI, AGR, APG, còn VIX đứng giá sàn… Nhóm cổ phiếu thép như HPG, HSG, POM, TLH đều giảm trên từ 4-5%, còn NKG giảm sàn. Nhóm dầu khí là GAS, PLX, PVT, POW và PVD đều giảm trên twg trên 3% đến trên 5%... Ngoài ra, cổ phiếu bán lẻ MWG giảm 5,7%; mía đường SBT giảm 5%
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không đứng ngoài, nhiều mã quen thuộc đã giảm từ 5% đến mức sàn như FLC, ROS, HNG, HQC, FIT…
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có tới 322 mã giảm và chỉ 57 mã tăng, VN-Index giảm 41,44 điểm, tương đương mất 3,19% xuống mức 1.257,87 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 345,8 triệu đơn vị, giá trị 10.711,29 tỷ đồng, tăng 29% về khối lượng và tăng 19,2% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước (16/7).
Bước vào phiên giao dịch buổi chiều, lực cầu bắt đáy vẫn khá tốt, với gần 22.000 tỷ trên HOSE cho cả phiên, nhưng nhà đầu tư mất kiên nhẫn đã đẩy chỉ số VN-Index và HNX-Index rơi sâu thêm.
Điểm đáng chú ý trong phiên chiều là nhiều cổ phiếu ngân hàng đã bị bán tháo ở mức giá sàn. Trong đó, các mã ngân hàng trong rổ VN30 bị bán sàn như TPB, VPB, CTG, TCB; còn BID, MBB cũng gần đứng giá sàn mất 6,7% giá trị; HDB mất trên 4%; VCB giảm 5,4%. Nhóm này còn một số mã nhỏ và vừa cũng đứng giá sàn như LPB, MSB, VIB; còn ACB, EIB, OCB, SSB mất trên 3% đến trên 6%.
Nhóm VN30 giảm sâu còn có MWG đứng gần giá sàn mất 6,9%; các mã GAS, BVH, HPG, PLX, POW, PNJ, SSI, STB, TCH, VHM, VRE giảm từ trên 3% đến trên 6%. Nhóm giảm từ 1đến gần 3% như VIC, VNM, VJC, REE, PDR, FPT. Còn MSN sáng tăng mạnh đầu phiên, nhưng chốt phiên chiều giảm 0,9%.
Nhóm VN30 chỉ còn KDH đi ngược tăng 0,9% lên 37.300 đồng/CP.
Trong đó, thanh khoản cao nhất HOSE có HPG khớp 39,4 triệu đơn vị; thấp hơn một chút là TCB khớp 39,3 triệu đơn vị; STB khớp trên 38,5 triệu đơn vị; CTG có 20 triệu đơn vị; MBB có 22 triệu đơn vị; KDH có 8,6 triệu đơn vị; LPB và MSB có trên 9 triệu đơn vị; SSI có 16,5 triệu đơn vị; TCH có 6,8 triệu đơn vị; TPB và VRE cùng có trên 5 triệu đơn vị; VPB có 17 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa cũng đứng giá sàn hàng loạt trong phiên chiều nay và thanh khoản cao, như: FLC, ROS, ABS, AGR, AMD, APG, CTS, DAH, DCL, DIG, DLG, DRH, DXG, EVG, FIT, FTM, FTS, GVR, HAI, HCM, HCD, HQC, ITA, NKG, POM, PVD, PVT, SCR, TLH, VIX …
Trong đó, FLC khớp hơn 37,4 triệu đơn vị; ROS có trên 19 triệu đơn vị; DIG, DLG, GVR cùng khớp trên 5 triệu đơn vị; DXG có trên 15 triệu đơn vị; FIT và PVD cùng có trên 9 triệu đơn vị, HCM có trên 7 triệu đơn vị; HQC có 11,2 triệu đơn vị; ITA có 8,5 triệu đơn vị; SCR khớp 6,3 triệu đơn vị… Những mã còn lại kể trên đều khớp từ gần 1 đến trên 4 triệu đơn vị.
Chốt phiên chiều, sàn HOSE chỉ có 50 mã tăng và 346 mã giảm, VN-Index giảm 55,8 điểm, tương đương giảm 4,29% xuống 1.243,51 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 731 triệu đơn vị, giá trị 21.848,3 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 57% về khối lượng và tăng 41,3% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (16/7).
Sàn HNX hôm nay cũng có diễn biến giống HOSE. Toàn sàn cũng nhuốm đỏ, trong đó nhóm HNX30 chốt phiên chiều chỉ có 2 mã đứng sắc xanh.
Những mã giảm sâu xuống giá sàn có MBS, KLF, PVC, trong đó KLF khớp 7,8 triệu đơn vị. Mã ngân hàng vốn hóa lớn trên HNX là SHB cũng đứng gần giá sàn, giảm 8,9%, khớp cao nhất HNX cới trên 19 triệu đơn vị; NVB cũng giảm 9,1% khớp hơn 2 triệu đơn vị; PVS giảm 9,3% khớp trên 16,4 triệu đơn vị; SHS giảm 8,8%, khớp 9,7 triệu đơn vị; CEO giảm 6,1%, khớp hơn 2 triệu đơn vị…
Ngược lại, chỉ có CAP, VCS tăng lần lượt 1,6 và 2,5%.
Chốt phiên, HNX chỉ có 41 mã tăng, nhưng có 186 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 15,7 điểm, tương đương giảm 5,1% xuống 292,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 126 triệu đơn vị, giá trị 2.787 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 32,68% về khối lượng và tăng 24,3% về giá trị so với phiên cuối tuần trước (16/7).
Phản ứng có thái quá?
Sau phiên bán tháo hôm nay, một số chuyên gia nhận định, thị trường đã giảm từ đầu tháng 7 đến nay. Phiên cuối tuần trước, sau khi VN-Index tăng điểm trở lại nhiều nhận định cho rằng, VN-Index sẽ có nhịp tăng thêm để kiểm tra lại ngưỡng kháng cự ở vùng 1.320 điểm trước.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trở lên phức tạp ở nhiều địa phương đã khiến TTCK bước vào phiên giao dịch với sắc đỏ bao trùm.
Trước khi bước vào phiên giao dịch hôm nay, khá nhiều chuyên gia nhận định rằng, thị trường có thể phục hồi trở lại nếu thanh khoản tăng, kèm theo phiên tăng điểm.
Tuy nhiên, điều may mắn này không xảy ra. Nếu như phiên sáng VN-Index lúc giảm sâu nhất cũng chỉ mất khoảng 3% xuống ngưỡng quanh 1.260 điểm. Nhưng chiều lại một phiên bán tháo, chỉ số VN-Index gần đứng thấp nhất ngày.
Trong khi đó, các đơn vị niêm yết vẫn công bố các báo cáo với kết quả kinh doanh tích cực, như: HPG lãi 6 tháng trên 5.000 tỷ, cùng thời điểm ACB lãi trên 6.400 tỷ, tăng 66% so cùng kỳ năm trước; OCB chia cổ tức tới 25%; SeABank lãi trước thuế 1.557 tỷ đồng nửa đầu năm nay, gấp 2,3 lần so cùng kỳ 2020; DRC lợi nhuận quý II/2021 tăng 121,3%; …
Nhìn vào diễn biến của thị trường phiên hôm nay, cho thấy dù cổ phiếu tốt hay không tốt đều bị bán tháo, khiến cho chỉ số VN-Index bị phá mất ngưỡng đáy 1.270 điểm. Chuyên gia cho rằng, phản ứng của nhà đầu tư có phần thái quá khi dịch bệnh gia tăng. Nếu mất đáy thì thị trường lại tìm về đáy mới. Hiện ngưỡng đáy vững chắc của VN-Index là 1.200 điểm.
Điều đáng chú ý mà chuyên gia phân tích cho rằng, những phiên mất điểm sâu như hôm nay đều do nhà đầu tư cá nhân bán tháo cổ phiếu. Hầu hết là do họ mới tham gia vào thị trường nên mất kiên nhẫn khi chỉ số giảm điểm sâu. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài là những lão luyện trong đầu tư lại mua ròng nắm nhằm nắm giữ những cổ phiếu có dư địa tốt với mức giá rẻ.
Nhiều chuyên gia và nhà môi giới đều khuyến cáo, không nên bán tháo cổ phiếu mà nhà đầu tư nên nhìn nhận xem đâu là cổ phiếu tốt, cần nắm giữ trong giỏ đầu tư. Chỉ nên hạ tỷ trọng những cổ phiếu của DN có hoạt động sản xuất kinh doanh kém. Đối với dịch bệnh, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đang làm hết sức mình để hạn chế nguồn lây lan. Cùng với đó, là Chính phủ đang cùng với một số doanh nghiệp tích cực đàm phán với các nước để đưa đủ lượng vaccine tiêm phòng cho người dân.