Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán hôm nay: Cổ phiếu VPB diễn biến “lạ” giữa tâm điểm bán vốn

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Tâm điểm thị trường đầu tuần là thương vụ bán vốn của VPBank và Ngân hàng SMBC của Nhật Bản. VPBank sẽ trở thành nhà băng có chủ sở hữu lớn thứ 2 toàn ngành, chỉ sau Vietcombank. Dù vậy, thông tin này không tạo tác động tích cực rõ rệt nào tới cổ phiếu VPB.

VPB “đứng im” giữa tâm điểm bán vốn

Phiên giao dịch đầu tuần (27/3), VPB là một trong những tâm điểm thị trường, sau khi VPBank chính thức bán 15% vốn điều lệ cho Ngân hàng SMBC của Nhật Bản (thuộc tập đoàn tài chính SMFG).

Tâm điểm thị trường đầu tuần là thương vụ bán vốn của VPBank và Ngân hàng SMBC của Nhật Bản
Tâm điểm thị trường đầu tuần là thương vụ bán vốn của VPBank và Ngân hàng SMBC của Nhật Bản

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu VPB không có phản ứng đáng chú ý. VPB đóng cửa chỉ tăng nhẹ 0,47% lên 21.250 đồng/cổ phiếu. Có thể, đà tăng của cổ phiếu VPB đã “chạy trước” tin tức, như nhiều sự kiện khác đã diễn ra trên sàn chứng khoán. VPB tăng giá tới 25% chỉ qua 1 tháng.

Cổ phiếu tăng mạnh, lãnh đạo VPBank tiếp tục mua vào.

Theo thỏa thuận, khoản đầu tư từ SMBC sẽ giúp vốn cấp 1 của VPBank tăng thêm 35.900 tỷ đồng, nâng tổng vốn chủ sở hữu của ngân hàng này lên xấp xỉ 140.000 tỷ. Đây cũng là một trong những phương án tăng vốn đã được ban lãnh đạo VPBank đề xuất và được cổ đông ngân hàng thông qua từ năm 2022.

Tính đến cuối năm 2022, VPBank có tổng tài sản đạt trên 631.000 tỷ đồng, trong đó hai chỉ tiêu tài chính quan trọng nhất là cho vay khách hàng đạt gần 424.700 tỷ và tiền gửi của khách hàng đạt 303.150 tỷ đồng. Cũng trong năm vừa qua, ngân hàng đã thu về khoản lãi trước thuế 21.220 tỷ đồng, tăng 48% so với năm liền trước. Đây là khoản lợi nhuận cao thứ 5 trong hệ thống ngân hàng và cao thứ 3 nếu tính riêng trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Tổng Giám đốc VPBank vừa đăng ký mua vào 350.000 cổ phiếu VPB nhằm phục vụ nhu cầu tài chính. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ ngày 27/3 đến ngày 25/4. Nếu mua thành công, ông Bình sẽ nâng lượng cổ phiếu VPB nắm giữ từ 572.364 lên 922.364 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 0,01368%

Trong khi đó, Công đoàn VPBank lại vừa  bán 375.000 cổ phiếu VPB, thu về khoảng 7,6 tỷ đồng. Sau giao dịch, Công đoàn VPBank còn nắm giữ hơn 7,2 triệu cổ phiếu VPB, tỷ lệ 0,107%. Tại diễn biến liên quan, VPBank dự kiến sẽ họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 vào ngày 18/4 tới đây. Một trong những nội dung được cổ đông mong chờ là việc triển khai bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược thông qua phát hành cổ phiếu trong năm 2023, qua đó củng cố nguồn vốn và là cơ sở để thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt. 

Trước đó, trong cuộc họp đại hội cổ đông năm 2022, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank Ngô Chí Dũng thông báo, ngân hàng dự kiến sẽ trình đại hội chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm. Nếu được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên VPBank tiến hành trả cổ tức bằng tiền mặt kể từ sau khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán năm 2017.

Vốn nội “nổi sóng”

Trong khi VPB gần như đứng im, thì nhóm cổ phiếu ngân hàng được dẫn dắt bởi VCB, VCB dẫn dắt thị trường, đóng góp gần 2,5 điểm cho VN-Index. Chiếm áp đảo trong nhóm dẫn dắt thị trường cũng là cổ phiếu ngân hàng: VCB, BID, CTG, MBB, VPB. Phiên hôm nay, cổ phiếu chứng khoán hút dòng tiền, giúpSSI lọt nhóm dẫn dắt thị trường.

BSI, FTS tăng trần. Sắc xanh bao phủ hơn 20 cổ phiếu chứng khoán. Các mã lớn như SSI, VND, HCM, VCI, VIX, hút dòng tiền, và chủ yếu là vốn nội. Cổ phiếu bất động sản cũng giao dịch tích cực, NVL, HTN, PVL, BII tăng trần. Trong khi đó, phần còn lại của thị trường giao dịch phân hoá. Nhiều cổ phiếu lớn như VHM, MSN, SAB, PLX, VNM, GAS… kéo lùi chỉ số. VHM giảm nhẹ 1,2%, kết thúc chuỗi 4 phiên tăng giá nhờ hiệu ứng tích cực từ thông tin Capital Land mua dự án của Vinhomes.

Kết thúc phiên hôm nay, VN-Index tăng 5,46 điểm (0,52%) lên 1.052,25 điểm. HNX-Index tăng 0,95 điểm (0,46%) lên 206,67 điểm. UPCoM-Index giảm 0,49 điểm (0,64%) xuống 75,68 điểm.

Điểm tích cực là thanh khoản chung tăng nhẹ bất chấp giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài ảm đạm. Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước đã mạnh lên, trong khi khối ngoại chỉ giao dịch khoảng 1.500 tỷ đồng trên HoSE trong phiên hôm nay.