Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán lại đỏ rực, vì sao?

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán (TTCK) ngày 11/7 kết phiên giao dịch với giảm 21.96 điểm. Trong rổ VN30, sắc đỏ áp đảo với 20 mã giảm (8 mã sàn), 8 mã tăng và 2 mã tham chiếu. Trong bối cảnh chứng khoán giảm sâu, nhà đầu tư cần hết sức bình tĩnh, không nên bán lấy được.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hơn 200 mã chứng khoán giảm sàn

Kết thúc phiên giao dịch 11/7, VN-Index giảm 21.96 điểm. Trong rổ VN30, sắc đỏ áp đảo với 20 mã giảm (8 mã sàn), 8 mã tăng và 2 mã tham chiếu. Cụ thể, VN-Index xuống còn 975.19 điểm; HNX- Index giảm 6 điểm (-2.93%), xuống còn 198.56 điểm. Độ rộng toàn thị trường nghiêng về bên bán với 678 mã giảm (224 mã sàn) và 154 mã tăng.

Khối lượng giao dịch của VN-Index đạt hơn 646 triệu đơn vị, với giá trị 10.5 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt 68.5 triệu đơn vị, với giá trị 0.9 ngàn tỷ đồng.

VN-Index tiếp tục ghi nhận thêm phiên giảm sâu trong một ngày mà cả ba nhóm ngành lớn của thị trường gồm bất động sản, chứng khoán và ngân hàng cùng lao dốc. Lực bán liên tục áp đảo khiến chỉ số rơi khỏi đáy cũ 997 điểm. Kết phiên, các Large Cap NVL, TCB, CTG là những mã ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index. Ngược lại, VNM và GAS đóng góp tích cực nhất cho chỉ số. Trong đó, VNM giao dịch nổi bật với sắc xanh 2.8%, thanh khoản duy trì ở mức khá, bên cạnh đó khối ngoại cũng mạnh tay gom hơn 1 triệu cổ phiếu.

HNX-Index cũng chìm sâu trước sự sụt giảm mạnh của nhiều mã như IDC (-4.47%), SHS (-8.86%), HUT (-10%), MBS (-9.68%)…

Áp lực bán tiếp tục gia tăng tại nhóm ngành chứng khoán khi số lượng mã giảm sàn tiếp tục gia tăng (15/22 mã giảm sàn) như SSI, APG, FTS, MBS, VCI… Nhóm bán lẻ và vật liệu xây dựng cũng lao dốc với nhiều mã giảm sàn như HPG, HSG, NKG, VGC, AMD…

Về giao dịch của khối ngoại, khối này mua ròng tổng cộng 520 tỷ đồng trên sàn HOSE, trong đó, VNM và DGC là hai mã được mua ròng nhiều nhất. Trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng 57.9 tỷ đồng, trong đó PVS là mã được mua ròng nhiều nhất.

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đang có xu hướng sụt giảm rất mạnh. Dù chịu ảnh hưởng từ xu hướng giảm chung của thị trường chứng khoán thế giới, nhưng điểm đáng chú ý là những diễn biến tiêu cực của thị trường diễn ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước tương đối tốt và ổn định so với thế giới, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng tương đối khả quan.

Theo Nhóm nghiên cứu Ngân hàng BIDV, TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh trong năm 2022 là vì một số lý do chính như: xu hướng chung về điều chỉnh giảm sau giai đoạn tăng nóng; rủi ro, thách thức với kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam gia tăng; dòng tiền vào TTCK sụt giảm; áp lực giải chấp lớn tâm lý, niềm tin của nhà đầu tư bị ảnh hưởng trong bối cảnh rủi ro gia tăng và nhất là sau những sai phạm trên thị trường bị khởi tố vừa qua; yếu tố tâm lý đám đông ảnh hưởng tới hành vi của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Nhà đầu tư cần hết sức bình tĩnh

Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, TTCK Việt Nam vẫn có triển vọng phục hồi trong tháng cuối năm 2022 và tăng trưởng tích cực hơn năm 2023 (khoảng 15-20%). Theo dự báo của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV, kinh tế Việt Nam sẽ tăng khoảng 8% năm 2022 và 6-6,5% năm 2023, trong bối cảnh nhiều kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ suy thoái (như nêu trên).

Các nền tảng kinh tế vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát. Nền kinh tế thực, nhất là hoạt động của doanh nghiệp cơ bản vẫn khả quan, dù khó khăn hơn.

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá triển vọng Việt Nam ở dạng "tích cực" trong trung hạn. Giá chứng khoán Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn khi chỉ số PE của thị trường đang ở vùng trũng thấp sau thời gian điều chỉnh giảm.

Để TTCK Việt Nam có thể phục hồi, phát triển lành mạnh và bền vững hơn trong thời gian tới; Nhóm chuyên gia của Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV khuyến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nên ưu tiên một số chính sách, giải pháp sau.

Thứ nhất, tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo đó, các cơ quan chức năng cần bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế để có kịch bản chủ động ứng phó phù hợp; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng, chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ nhằm điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng ở mức phù hợp; tăng cường bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, ngoại hối, vàng, xăng dầu…); đẩy mạnh truyền thông về giá cả, lạm phát, chính sách... nhằm giảm thiểu kỳ vọng lạm phát, tình trạng găm giữ và đầu cơ. Đẩy mạnh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, mở cửa du lịch quốc tế hợp lý…cũng sẽ góp phần tăng cung và giảm sức ép ngoại tệ, tỷ giá.

Thứ hai, đẩy nhanh triển khai các cấu phần trong Chương trình phục hồi, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công.

Thứ ba, đẩy nhanh hoàn thiện và thực thi thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát hợp lý, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả cho thị trường. 

Thứ tư, tăng cường củng cố tâm lý và niềm tin của nhà đầu tư. Các cơ quan chức năng, chủ thể phát hành cần nhanh chóng giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư; xử lý nghiêm và giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm quy định, tung tin đồn thất thiệt trên TTCK vừa qua.

Các chính sách, giải pháp cần nhất quán, rõ ràng, có lộ trình và công khai cập nhật tình hình triển khai. Về lâu dài, cần xây dựng và nhất quán thực hiện chương trình giáo dục tài chính để nâng cao năng lực của nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, giảm thiểu tâm lý đám đông. Chú trọng phát triển nhà đầu tư (cá nhân và tổ chức) chuyên nghiệp, phát triển các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ tín thác bất động sản…

Thứ năm, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống, có tính liên thông giữa ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm - bất động sản.

Cuối cùng, nhà đầu tư cần hết sức bình tĩnh, không nên rơi vào vòng xoáy bán lấy được, không nên dựa vào tin đồn thất thiệt, tâm lý đám đông, mà cần kiểm chứng, nắm bắt sát tình hình và triển vọng của doanh nghiệp, đa dạng hóa kênh đầu tư, hạn chế đòn bẩy và kiên trì nâng cao kiến thức, kinh nghiệm đầu tư chứng khoán là rất cần thiết.