Cổ phiếu của tỷ phú Phạm Nhật Vượng thăng hoa, đón chờ ngày lên sàn của "siêu cổ" mới
Kinhtedothi - Chiều 8/5, chỉ số VN-Index bật tăng mạnh gần 20 điểm nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, thép và bán lẻ. Thanh khoản thị trường duy trì cao, trong khi khối ngoại tiếp tục mua ròng hàng trăm tỉ đồng.
Thị trường tăng gần 20 điểm, mã tăng áp đảo
Kết thúc phiên giao dịch ngày 8/5, VN-Index tăng 19,39 điểm (+1,55%) lên 1.269,80 điểm. Chỉ số VN30-Index – đại diện cho nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn – cũng tăng mạnh 26,30 điểm, đạt 1.351,10 điểm, với 28/30 mã trong rổ ghi nhận sắc xanh. Thị trường ghi nhận sự lan tỏa tích cực với 230 mã tăng giá trên sàn HOSE, áp đảo hoàn toàn so với 92 mã giảm.

Thị trường chứng khoán ngày 8/5.
Dẫn dắt đà tăng là nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép. Trong đó, cổ phiếu Hòa Phát (HPG) gây chú ý khi tăng tới 13,68%, khớp lệnh hơn 21 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức 25.700 đồng/cổ phiếu – mức tăng mạnh nhất trong nhiều tuần trở lại đây. Các mã ngân hàng như LPB (+6,34%), MBB (+2,43%), SHB (+2,38%) cũng giao dịch sôi động và đóng góp tích cực vào chỉ số.
Không chỉ nhóm ngân hàng và thép, cổ phiếu bán lẻ và công nghệ cũng tăng tốc. MWG tăng 6,63%, khớp lệnh gần 9,5 triệu cổ phiếu. FPT tăng 4,19% lên 114.000 đồng/cổ phiếu, tiếp tục chuỗi tăng giá nhờ kỳ vọng tích cực về kết quả kinh doanh quý II.
Cổ phiếu VIC tiếp đà “thăng hoa” sau khi công ty công bố kết quả kinh doanh khả quan, cùng với thông tin cổ phiếu VPL của Vinpearl chính thức chốt ngày giao dịch trên sàn HoSE là 13/5/2025.
Tương tự VIC, cổ phiếu GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng ghi nhận mức tăng mạnh khi được nhà đầu tư “gom” quyết liệt. Kết phiên giao dịch ngày 8/5, GVR tăng trần 6,84% lên mức 26.550 đồng/cổ phiếu, với khối lượng khớp lệnh hơn 10 triệu đơn vị – cao gấp hơn 2,2 lần so với phiên trước đó. Nhờ đà tăng liên tiếp trong 4/5 phiên gần nhất, cổ phiếu GVR đã tăng tổng cộng hơn 12%, tương ứng tăng thêm 3.050 đồng/cổ phiếu, đẩy vốn hóa thị trường lên mức 106.200 tỷ đồng.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt hơn 19.000 tỉ đồng. Riêng nhóm VN30 ghi nhận thanh khoản hơn 10.300 tỉ đồng, cho thấy dòng tiền đang tập trung mạnh vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh, góp phần củng cố đà tăng. FPT, HPG và MWG là những mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất, lần lượt đạt 3,85 triệu, 5,19 triệu và 2,36 triệu cổ phiếu.
Theo giới phân tích, sự đồng thuận của dòng tiền trong nước và nước ngoài là tín hiệu tích cực, phản ánh tâm lý nhà đầu tư đang dần được cải thiện. Diễn biến ổn định của thị trường quốc tế, cùng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất, tiếp tục hỗ trợ tâm lý giới đầu tư toàn cầu.
Các nhóm ngành khác cũng ghi nhận sự khởi sắc: dầu khí (PLX +4,88%, GAS +0,81%), chứng khoán (SSI, VND, HCM tăng từ 2–4%). Toàn thị trường ghi nhận tới 49 mã tăng trần, cho thấy dòng tiền đang có xu hướng lan tỏa rộng rãi.
Vinpearl sắp niêm yết gần 1,8 tỷ cổ phiếu, định giá gần 130.000 tỷ đồng
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa chấp thuận cho Công ty cổ phần Vinpearl (mã chứng khoán: VPL) niêm yết gần 1,8 tỷ cổ phiếu. Ngày giao dịch đầu tiên là 13/5, với giá tham chiếu 71.300 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa của doanh nghiệp lên xấp xỉ 130.000 tỷ đồng – nằm trong nhóm 15 công ty niêm yết có giá trị vốn hóa lớn nhất sàn HoSE.
Vinpearl là doanh nghiệp thứ tư trong hệ sinh thái Vingroup có mặt trên HoSE, bên cạnh Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE). Tính đến ngày 7/5, tổng vốn hóa của bốn doanh nghiệp này đạt khoảng 736.478 tỷ đồng.
Vinpearl hiện là thương hiệu du lịch nghỉ dưỡng lớn nhất Việt Nam, sở hữu và vận hành 48 cơ sở tại 18 tỉnh, thành. Danh mục tài sản gồm 31 khách sạn và khu nghỉ dưỡng với hơn 16.100 phòng, cùng hàng loạt tổ hợp công viên giải trí, sân golf, công viên nước và trung tâm hội nghị. Từ năm 2022, Vinpearl hợp tác với hai tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế là Melía Hotels International và Marriott International, nâng cao chất lượng dịch vụ theo chuẩn toàn cầu.
Kết thúc năm 2024, doanh thu thuần của Vinpearl đạt 14.376 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2.550 tỷ đồng – tăng lần lượt 55% và 280% so với năm 2023. Trong quý I/2025, doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi đạt 2.435 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ, lợi nhuận gộp tăng tới 83%, đạt 450 tỷ đồng.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2025, Vinpearl đặt mục tiêu doanh thu thuần 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 1.700 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng lên kế hoạch mở rộng hệ thống với nhiều khách sạn, công viên giải trí và sân golf mới.
Việc niêm yết được kỳ vọng giúp Vinpearl tiếp cận thêm nguồn vốn cho các kế hoạch phát triển, đồng thời nâng cao năng lực quản trị, minh bạch tài chính. Đại diện công ty cho biết, việc niêm yết sẽ góp phần khẳng định vị thế đầu ngành, cũng như tạo động lực tích cực cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới.

Chứng khoán sau nghỉ Lễ: Sóng ngầm còn vỗ, chọn danh mục để đi đường dài
Kinhtedothi- Cơ hội phục hồi đang mở ra sau kỳ nghỉ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường vẫn trong vùng dao động mạnh. Ông Đào Hồng Dương- Giám đốc Phân tích ngành và cổ phiếu, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) khuyến nghị, nhà đầu tư cần cơ cấu theo hướng chọn lọc nhóm ngành sáng giá, kết hợp quản trị vốn chặt chẽ để vượt qua giai đoạn "sóng ngầm" này.

Ngày mai, KRX chính thức vận hành: Bước chuyển mình của chứng khoán Việt
Kinhtedothi- Ngày mai (5/5/2025), hệ thống giao dịch KRX chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu bước đổi mới mạnh mẽ về hạ tầng, thay đổi cách giao dịch và mở ra kỳ vọng nâng hạng cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chứng khoán ngập sắc xanh, tím ngày đầu KRX vận hành
Kinhtedothi - Hệ thống giao dịch KRX đã chính thức vận hành trên HoSE từ ngày 5/5, đánh dấu bước tiến mới sau hơn 10 năm chờ đợi. Ngay trong ngày đầu tiên, thị trường vận hành ổn định, nhà đầu tư tâm lý tích cực, giúp VN-Index tăng mạnh và thanh khoản cải thiện rõ rệt.