Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán lại “xanh vỏ, đỏ lòng”

Nguyên Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - VN-Index đã có chuỗi thời gian giao dịch rất khởi sắc trong tháng 5/2021, tuy nhiên khi ở trên đỉnh 1.300 điểm nhà đầu tư có sự thận trọng và chốt lời mạnh, dẫn đến tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng” trên sàn chứng khoán.

Vững vàng trên mốc 1.300 điểm
Kết thúc phiên giao dịch tuần trước (21/5), VN-Index đứng tại 1.283,93 điểm, tương ứng mức tăng 16,31% so với đầu năm. Con số trên đã đưa VN-Index nằm trong top những chỉ số chứng khoán chính có mức tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Tổng kết 6 tháng qua, VN-Index tăng 29,69%, còn tính rộng ra 1 năm qua tăng 48,82%. Không chỉ tăng mạnh về điểm số, thanh khoản thị trường cũng cải thiện đáng kể với hàng loạt phiên giao dịch giá trị trên 20.000 tỷ đồng. Nếu hiện tượng nghẽn lệnh không diễn ra, con số thanh khoản sẽ còn cao hơn nhiều.
Nhà đầu tư giao dịch tại một sàn chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Theo đà tăng, VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong phiên 25/5 nhờ lực đẩy của nhiều cổ phiếu trụ cột, đánh dấu chuỗi 5 phiên tăng điểm liên tiếp. Trong sáng 26/5, lực cầu mạnh tiếp tục giúp VN-Index tăng 1,44 điểm (0,11%) lên 1.310,02 điểm. Toàn sàn có 132 mã tăng, 266 mã giảm và 54 mã đứng giá. HNX-Index tăng 2,67 điểm (0,89%) lên 304,26 điểm. Toàn sàn có 54 mã tăng, 127 mã giảm và 61 mã đứng giá.

Theo các chuyên gia, yếu tố đầu tiên giúp chứng khoán Việt Nam bứt phá mạnh đến từ việc kiểm soát tốt dịch Covid-19, qua đó giúp nền kinh tế duy trì sự ổn định. Năm 2020, GDP Việt Nam tăng trưởng 2,91%, nằm trong số các quốc gia tăng trưởng mạnh nhất thế giới. Quý I/2021, kinh tế Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng tích cực với 4,48%, cao hơn tốc độ tăng 3,68% cùng kỳ 2020. Các tổ chức tài chính lớn đều lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6,5 - 7% trong năm 2021. Tuần qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s, Fitch và S&P nâng triển vọng lên mức tích cực.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế duy trì tích cực, lạm phát trong nước vẫn được kiềm chế ở mức thấp, chỉ tăng 0,29% trong quý I/2021, thấp nhất trong vòng 20 năm. Ngoài ra tỷ giá duy trì ổn định, dự trữ ngoại hối ở mức cao giúp củng cố niềm tin nhà đầu tư. Ngoài những yếu tố kể trên, kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Markets) trong giai đoạn 2022 - 2023 cũng là yếu tố hỗ trợ thị trường. Thống kê cho thấy, các thị trường trước khi chính thức nâng hạng thường có nhịp bứt phá mạnh. Theo ước tính của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, khi được nâng hạng Emerging Markets, dòng vốn từ các tổ chức quốc tế đổ vào Việt Nam có thể lên tới gần 2 tỷ USD.

Tránh mua đuổi hoặc chốt lãi tạm thời

Dù thị trường đang khá hưng phấn, tuy nhiên CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS) cho rằng, thanh khoản có sự suy giảm và thấp hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy nhà đầu tư có sự thận trọng hơn ở vùng giá cao hiện tại, nên không giải ngân mạnh như các phiên trước đó nữa. Trên góc nhìn kỹ thuật, SHS cho biết, VN-Index vẫn đang nằm trong sóng tăng 5 với target của đợt tăng này là trong khoảng 1.320 - 1.325 điểm (fibonacci retracement 161,8% sóng điều chỉnh 4) nên xác suất để thị trường tăng điểm trong phiên tới được đánh giá cao hơn.

Chung quan điểm, CTCK Agriseco đánh giá, mặc dù thị trường tăng điểm ổn tuy nhiên thanh khoản lại có phần sụt giảm so với các phiên trước đó, thể hiện dòng tiền mua đang cho thấy dấu hiệu lưỡng lự trước vùng đỉnh mới này. Agriseco dự báo xu hướng tăng giá trong ngắn hạn vẫn được duy trì, tuy nhiên cần lưu ý rằng VN-Index có thể sẽ gặp phải áp lực điều chỉnh tại ngưỡng kháng cự Fibonacci 1.320 điểm. Nhà đầu tư nên tận dụng thời điểm này để tái cơ cấu danh mục, tăng tỷ trọng tiền mặt chờ đợi những cơ hội hấp dẫn từ nhóm cổ phiếu nhiều triển vọng từ kết quả kinh doanh quý II/2021.

Cũng có phần thận trọng, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho biết ngưỡng kháng cự tâm lý quanh vùng 1.300 lần đầu tiệm cận cũng dễ xảy ra việc chốt lời ngắn hạn của những nhà đầu tư, do vậy xu thế sẽ xoay quanh đây và tích lũy. VDSC khuyến nghị nhà đầu tư tránh mua đuổi hoặc chốt lãi tạm thời và chờ đợi thị trường xây tạo nền móng tại vùng 1.300 vững vàng để tiếp tục hành trình đầu tư của mình.

Ngoài ra, hiện tượng nghẽn lệnh quay trở lại trong 4 phiên gần đây đang khiến nhà đầu tư e ngại. Đơn cử trong phiên giao dịch hôm 25/5, dù thanh khoản chỉ hơn 21.000 tỷ đồng, nhưng hiện tượng nghẽn, chập chờn lệnh vẫn diễn ra. Tuy hiện tượng này chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không ảnh hưởng nhiều tới diễn biến của các chỉ số chính, nhưng cũng ảnh hưởng đến tâm lý của thị trường.

Ghi nhận trong sáng 26/5, thị trường chứng khoán vẫn đang "hưng phấn" trên đỉnh mới nhưng sự phân hóa khá rõ nét. Hiện tại, thị trường đang trong trạng thái "xanh vỏ, đỏ lòng", khi mà VN-Index tăng điểm nhưng số mã giảm trên sàn HOSE lên đến 266 mã trong khi số mã xanh chỉ bằng phân nửa. Điều này cũng đang diễn ra tương tự với HNX. Các chuyên gia cảnh báo, nhà đầu tư sẽ cần rất cẩn trọng với những nhịp rung lắc. Thông thường khi lên một vùng giá mới, nhiều cổ phiếu sẽ phải mất thời gian để tạo lập vị thế giá vững chắc, nên lúc này nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ lưỡng.