Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán lập đỉnh mới, niềm vui có dài lâu?

An An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những phiên gần đây, thị trường chứng khoán (TTCK) liên tục lập kỷ lục về chỉ số và thanh khoản. Những con số quay như chong chóng này của chứng khoán Việt đã mang lại niềm vui cho rất nhiều nhà đầu tư, nhưng cũng đặt ra câu hỏi, liệu thị trường có đang tăng nóng và niềm vui này có kéo dài?

 Nhà đầu tư tại một sàn giao dịch chứng khoán ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Còn vượt đỉnh?

Kết thúc tháng 10, chỉ số VN-Index tăng 7,62% so với tháng trước, tăng 30,84% so với đầu năm; VN30 tăng 5,41% so với tháng trước và tăng 43,11% so với đầu năm. Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 10 quay lại đà tăng với giá trị và khối lượng giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt khoảng 22.139 tỷ đồng và 729,2 triệu cổ phiếu, tăng 5,94% về giá trị và tăng 2,68% về khối lượng so với tháng trước. Sang tháng 11, thị trường tiếp tục tăng mạnh, thanh khoản thị trường cũng tăng kỷ lục với giá trị khớp lệnh trên sàn HoSE lên tới hơn 41.000 tỷ đồng.

Theo Công ty CP Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCSI), dòng tiền của các nhà đầu tư nước ngoài đã có đóng góp không nhỏ giúp cho thị trường liên tục tăng điểm. Phân tích thị trường cho thấy, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn thuộc về các lĩnh vực: Ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, dầu khí, thép… vẫn dẫn dắt thị trường. Trong khi đó, áp lực bán ngắn hạn gia tăng lên nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Ngoài ra, mặc dù kết quả kinh doanh quý III và 9 tháng năm 2021 của nhiều DN không mấy tích cực, nhưng thị giá cổ phiếu vẫn đi lên, phản ánh vào đà tăng chung của thị trường.

Theo lý giải của Giám đốc Phân tích Đầu tư Công ty CP Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) Lê Quang Minh, triển vọng kinh doanh quý IV có dấu hiệu tích cực hơn khi nền kinh tế mở cửa trở lại cùng nhiều biện pháp hỗ trợ, kích thích kinh tế của Chính phủ. Do đó, nhiều DN dù có kết quả kinh doanh quý III kém khả quan, nhưng kế hoạch kinh doanh quý IV và năm 2022 lại rất tích cực. Ông Minh cho rằng, mức giá của cố phiếu phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư trong tương lai.

Đặc biệt, một số thống kê còn cho thấy, tính đến cuối quý III/2021, số dư tiền mặt trong tài khoản nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán lập kỷ lục khi đạt trên 92.000 tỷ đồng. Đây là dòng tiền chờ sẵn của thị trường chứng khoán trong bối cảnh lãi suất ngân hàng duy trì ở mức thấp và nhiều kênh đầu tư khác kém hấp dẫn. Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, dịch bệnh được kiểm soát nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp, khiến hoạt động sản xuất vẫn rất bấp bênh, dòng tiền của không ít DN vẫn phải tìm cơ hội trên sàn chứng khoán.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VCBS, bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định với mặt bằng lãi suất thấp vẫn là các yếu tố hỗ trợ đối với thị trường chứng khoán trong giai đoạn tới, nhất là trong bối cảnh thiếu vắng kênh đầu tư hấp dẫn hơn thị trường chứng khoán đối với nhà đầu tư cá nhân ở thời điểm hiện tại. Vì thế, VCBS nhận định, chỉ số VN-Index vẫn có thể tiếp tục thiết lập những mức đỉnh mới trong phần còn lại của năm 2021, hướng đến ngưỡng 1.500 điểm.

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Minh cũng cho rằng, thị chứng khoán đã xác lập chu kỳ tăng mới và có thể đạt được mức 1.480 – 1.500 điểm ngay trong quý IV. Tất nhiên thị trường vẫn sẽ có một vài nhịp điều chỉnh đan xen để thị trường tích lũy, nhưng sau đó vẫn sẽ điều chỉnh đi lên.

4 chủ đề chính cho cơ hội đầu tư

Mặc dù nhiều cổ phiếu trên thị trường đã tăng mạnh, thậm chí tăng “bằng lần” so với hồi đầu năm, nhưng các chuyên gia vẫn dự báo còn nhiều cơ hội và tiềm năng tăng trưởng. Theo đánh giá của Agriseco Research, trong trung và dài hạn, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, do thị trường đang ở mức định giá ngang với trung bình trong lịch sử và thấp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.

Trong khi đó, dưới sự phục hồi của nền kinh tế trong nước, các chuyên gia của VnDirect lại chỉ là triển vọng của các nhóm ngành theo 4 chủ đề chính. Thứ nhất là tiêu dùng trong nước sẽ phục hồi mạnh từ nay đến đầu năm 2022, sẽ giúp các DN ngành thực phẩm, bản lẻ và hàng không hưởng lợi. Thứ hai là giá cả hàng hóa tiếp tục duy trì ở mức cao do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Thứ ba là phát triển hạ tầng sẽ được đẩy mạnh trong một vài năm tới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thứ tư là nhiều cố phiếu ngân hàng đã chiết khấu 15% so với mức đỉnh, sự điều chỉnh này đã phần nào phản ánh những rủi ro giảm giá hiện hữu, giúp hiệu quả đầu tư của ngành ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn. Tương tự, VNCSI cũng nhận định khả quan hơn về triển vọng của nhóm xây dựng trong các quý tới khi các dự án bị hoãn bởi đợt giãn cách xã hội được thi công trở lại. Dòng vốn giá rẻ vẫn đang là cơ sở để nhu cầu tiêu thụ và đầu tư bất động sản gia tăng.

Ghi nhận phiên giao dịch 4/11, VN-Index tiếp đà tăng điểm, tiến sát mốc 1.450 điểm. Cổ phiếu chứng khoán, bất động sản hút tiền mạnh. Cụ thể, VN-Index tăng 4,04 điểm (0,28%) lên 1.448,34 điểm; HNX-Index tăng 1,62% lên 422,42 điểm và UPCom-Index tăng 0,38% lên 107,38 điểm. Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước nhưng vẫn ở mức rất cao, với giá trị giao dịch 3 sàn đạt hơn 33.000 tỷ đồng. VN-Index duy trì sắc xanh xuyên suốt thời gian giao dịch. Nhóm chứng khoán tiếp tục là tâm điểm thu hút dòng tiền với nhiều mã tăng mạnh, thậm chí tăng trần như APS, BSI, CTS, VIX, VND… Trong khi đó, nhóm bất động sản, xây dựng sau khi bị bán mạnh trong phiên trước đã thu hút dòng tiền trở lại và đồng loạt tăng mạnh, một số cổ phiếu đóng cửa tăng trần như HBC, VPI, CSC…

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, dòng tiền có thể sẽ phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể dẫn dắt đà tăng của thị trường. Yuanta khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và cơ cấu lại danh mục, tức là có thể gia tăng tỷ trọng nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và giảm dần tỷ trọng nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, thị trường UPCoM tháng 10 tiếp tục có diễn biến hết sức sôi động. Chỉ số UPCoM-Index tăng liên tục trong hầu hết các phiên giao dịch và đóng cửa tại mức cao nhất tháng với 105,38 điểm, tăng 9,13% so với tháng trước. Top 5 cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua nhiều nhất trong tháng 10 là QNS, VEA, BSR, ACV, VTP với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 5,1 triệu, 4,9 triệu, 1,7 triệu, 1,4 triệu và 918,4 nghìn cổ phiếu. Top 5 cổ phiếu được bán nhiều nhất là MML, QNS, VEA, VTP, ACV với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 23,3 triệu, 9,6 triệu, 7,1 triệu, 1,6 triệu và 1,2 triệu cổ phiếu.