Chứng khoán Mỹ: Cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị bán tháo, Nasdaq Composite lao dốc liền 3 phiên

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong phiên ngày 6/1 do nhiều cổ phiếu công nghệ tiếp tục bị bán tháo khi lợi suất tăng.

Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3 phiên liên tiếp khi đóng cửa phiên ngày 6/1. Ảnh: CNBC
Chỉ số Nasdaq Composite giảm 3 phiên liên tiếp khi đóng cửa phiên ngày 6/1. Ảnh: CNBC

Các chỉ số của chứng khoán Mỹ nhuộm sắc đỏ khi đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm trong bối cảnh nhà đầu tư trở nên thận trọng trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 12 vào ngày 7/1.

Chốt phiên giao dịch ngày 6/1, chỉ số Dow Jones lao dốc 170,64 điểm, tương đương 0,4%, xuống còn 36.236,47 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 0,1%, về mức 4.696,05 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite cũng sụt 0,1% còn 15.080,86 điểm. Nasdaq Composite đã giảm 4% trong hai phiên trước đó.

Giữa lo ngại về lãi suất tăng, một số cổ phiếu công nghệ tiếp tục lao dốc trong phiên ngày 6/1 khi nhà đầu tư rút khỏi những cổ phiếu vốn hóa cao. Cổ phiếu Tesla và Netflix đều mất hơn 2%. Cổ phiếu Apple hạ 1,6%, cổ phiếu Amazon rớt 0,6%, và cổ phiếu Alphabet mất gần 0,1%. Tuy nhiên, cổ phiếu Meta Platforms tăng 2,5%.

Bà Liz Young, Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty tài chính SoFi, nhận xét:  "Giới đầu tư đang thận trọng đối với nhóm cổ phiếu vốn dẫn dắt thị trường trong năm ngoái. Chúng ta đã quá quen với việc cổ phiếu công nghệ luôn là người dẫn đầu, nhưng điều đó có thể thay đổi trong năm nay”.

Theo chuyên gia Young, rất nhiều nhà đầu tư đã nắm giữ lượng lớn cổ phiếu công nghệ vào cuối năm 2021. Vì vậy, thời điểm hiện tại là cơ hội để đảm bảo rằng danh mục của mình không chịu rủi ro quá lớn từ những thách thức của các cổ phiếu công nghệ định giá cao.

Nhiều nhóm cổ phiếu nhạy cảm với lãi suất đi lên một ngày sau khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) công bố biên bản cuộc họp tháng 12 cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ sẵn sàng thắt chặt tiền tệ nhanh hơn dự kiến để chống lạm phát. Các quan chức FED cũng đã thảo luận về việc cắt giảm bảng cân đối kế toán trong một động thái nhằm thu hẹp chính sách tiền tệ nới lỏng.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc vọt lên trên 1,75% trong khi kết thúc năm 2021 ở mức 1,51%.

Cổ phiếu các ngân hàng khu vực Fifth Third và Regions đều tăng hơn 4%.  Cổ phiếu Citi nhích 3,2%, còn cổ phiếu Wells Fargo và Bank of America đều cộng hơn 2%. Nhóm cổ phiếu năng lượng giúp thúc đẩy thị trường khi giá dầu thô tăng mạnh. Cổ phiếu Diamondback Energy vọt 4,6%, cổ phiếu Devon Energy tăng 3,7% và cổ phiếu Occidental tăng gần 3%.

Kế hoạch của FED là giảm bớt số lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ và các chứng khoán được đảm bảo bằng thế chấp mà cơ quan này nắm giữ khi FED đã thu hẹp chương trình mua trái phiếu. FED dự kiến sẽ nâng lãi suất sau khi động thái thu hẹp này kết thúc.

Chuyên gia Young cho biết: "Trên thị trường có rất nhiều nhà đầu tư mới chưa từng trải qua một chu kỳ tăng lãi suất. Nếu nhìn vào lịch sử, chúng ta  sẽ thấy việc FED nâng lãi suất không phải án tử hình cho thị trường chứng khoán, đặc biệt đối với nhóm cổ phiếu công nghệ nói chung. Lần tăng lãi suất đầu tiên - điều mà tôi tin khiến nhà đầu tư sợ hãi trong phiên ngày 5/1 - không thực sự tác động lớn tới cổ phiếu".

Về dữ liệu kinh tế, Bộ Lao động Mỹ ngày 6/1 cho biết số người Mỹ lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên 207.000 người trong tuần kết thúc ngày 1/1/2022, cao hơn so với dự báo 195.000 người của các chuyên gia của Dow Jones.

Theo kế hoạch, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 12 trong ngày thứ Sáu (7/1). Các nhà kinh tế dự đoán nền kinh tế tạo ra thêm 422.000 việc làm trong tháng qua. Tuy nhiên, báo cáo của công ty nghiên cứu ADP cho thấy số việc làm mới lên tới 807.000, cao hơn đáng kể so với ước tính.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần