Chứng khoán Mỹ đảo chiều đi lên

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sự đi lên của thị trường chứng khoán Mỹ hôm qua gắn chặt với bản báo cáo cho thấy, trong tháng 5, nhịp độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ Mỹ đã được nâng lên, với số lượng đơn hàng mới tăng nhiều hơn.

Phố Wall đã thoát khỏi đà “lao dốc” và đảo chiều đi lên trong phiên giao dịch ngày 5/6, khi giới đầu tư đón nhận những số liệu tích cực trong lĩnh vực dịch vụ của Mỹ. Tuy nhiên, sức tăng của các chỉ số chứng khoán Mỹ vẫn còn bị hạn chế do những lo ngại xung quanh cuộc khủng hoảng nợ công dai dẳng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Chứng khoán Mỹ phục hồi nhẹ trong phiên giao dịch đêm 5/6, do giới đầu tư ngưng bán tháo cổ phiếu và việc thị trường nhận được tín hiệu lạc quan từ khu vực dịch vụ của Mỹ trong tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, những bất an về tình hình châu Âu vẫn phủ bóng thị trường.

Phiên hôm qua, nhóm cổ phiếu khu vực tài chính tăng điểm tốt nhất. Chỉ số S&P 500 lĩnh vực tài chính tăng tới 1,7%, cao hơn rất nhiều so với các mảng kinh doanh khác. Trong đó, đáng chú ý, cổ phiếu của ngân hàng Bank of America tăng vọt 2,9% lên 7,1 USD và của JPMorgan tăng mạnh 3,2% lên chốt ở mức 31,98 USD.

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích, sự phục hồi ấn tượng của nhóm cổ phiếu tài chính trong phiên 5/6 chỉ là tạm thời, do thị trường vẫn còn quá nhiều bất an về cuộc khủng hoảng nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng như các số liệu kém lạc quan của kinh tế Mỹ được công bố trong vài ngày gần đây.

Thị trường có thể quay đầu trượt sâu hơn nếu giới đầu tư thất vọng về kết quả cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (dự kiến sẽ khai mạc vào ngày hôm nay theo giờ địa phương) cũng như tuyên bố của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke về tình trạng tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Chốt phiên này, chỉ số Dow Jones tăng 26,49 điểm, tương đương 0,22%, đóng cửa ở mức 12.127,95 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng “nhích” thêm 7,32 điểm (0,57%), lên 1.285,50 điểm; trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 18,10 điểm (0,66%), lên 2.778,11 điểm.

Sự phục hồi của chứng khoán Mỹ sau nhiều phiên mất điểm liên tiếp chủ yếu là nhờ các số liệu đáng khích lệ từ lĩnh vực dịch vụ của nước này trong tháng 5/2012.

Báo cáo mới nhất từ Chính phủ Mỹ cho thấy, tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong tháng 5 vừa qua đã được cải thiện đáng kể so với tháng trước đó, với lượng đơn hàng mới tăng cao hơn.

Cũng trong phiên giao dịch ngày 5/6 vừa qua, các thị trường chứng khoán châu Âu đều đồng loạt đi lên, sau diễn biến ảm đạm của ngày giao dịch trước, nhờ giới đầu tư thêm kỳ vọng vào khả năng Liên minh châu ÂU (EU) sẽ đưa ra những biện pháp hỗ trợ cho các ngân hàng đang gặp khó khăn của khu vực này, đặc biệt là tại Tây Ban Nha.

Kết thúc ngày giao dịch này, trong khi thị trường chứng khoán London tiếp tục đóng cửa nghỉ lễ, thì tại Paris, chỉ số CAC 40 của Pháp tăng 1,07%, lên 2.986,10 điểm. Còn tại thị trường chứng khoán Madrid của Tây Ban Nha và Milan của Italy, chỉ số IBEX 35 và MIB cũng lần lượt ghi thêm 0,45% và 0,63%, lên 6.267,80 điểm và 12.973,66 điểm.

Tuy nhiên, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 lại tiếp tục hạ 0,19%, chốt ở mức 5.969,4 điểm.

Sang tới phiên giao dịch ngày 6/6, các thị trường chứng khoán châu Á tiếp tục tăng điểm nhờ tín hiệu tích cực từ các sàn chứng khoán Mỹ và châu Âu. Mở cửa phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 46,36 điểm, tương đương 0,55%, lên 8.428,36 điểm.

Cũng trong ngày, các bộ trưởng bộ tài chính của nhóm 7 nền kinh tế phát triển đã tiến hành cuộc hội đàm khẩn cấp để bàn biện pháp giải cứu Khu vực đồng tiền chung châu Âu đang ngập đầu trong cuộc khủng hoảng nợ công. Cuộc họp này ít nhiều cũng đã có những tác động tích cực tới niềm tin của giới đầu tư vào thị trường.

Trong khi đó, từ Tây Ban Nha, Bộ trưởng Bộ Tài chính Cristobal Montoro nói rằng, chi phí vay mượn của nước này tăng cao có thể đẩy nền kinh tế lớn thứ 4 ở khu vực đồng tiền chung ra khỏi thị trường trái phiếu. Ông này cho rằng, Liên minh châu Âu nên giúp đỡ Madrid tái vốn hóa các ngân hàng đang nặng gánh nợ nần.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần