Thị trường chứng khoán Mỹ đỏ sàn trong phiên giao dịch đêm 8/10, do nhà đầu tư lo lắng trước những dự báo về mùa kinh doanh yếu kém của các doanh nghiệp Mỹ cũng như sự tăng trưởng chậm chạp ở khu vực châu Á.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
WB đã chỉ ra nguyên nhân dẫn tới sự suy yếu của nhu cầu toàn cầu nằm ở sự phục hồi ì ạch của kinh tế Mỹ và suy thoái ở khu vực châu Âu. Theo định chế này, khủng hoảng nợ châu Âu vẫn là một rủi ro lớn hàng đầu, tiếp đó là nguy cơ xuất hiện “vực thẳm ngân sách” tại Mỹ.
Đóng cửa phiên 8/10 tại Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 26,50 điểm xuống 13.583,65 điểm và chỉ số công nghệ cao Nasdaq giảm 23,84 điểm xuống 3.112,35 điểm.
Mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp quý 3 sẽ bắt đầu trong tuần này với công ty đầu tiên công bố lợi nhuận hoạt động là Tập đoàn Alcoa vào cuối ngày 9/10 - động thái sẽ gây tác động mạnh đến thị trường chứng khoán Phố Wall và các thị trường khác. Một ngày trước khi có báo cáo chính thức, cổ phiếu của Alcoa bật tăng nhẹ 0,4%.
Cùng với WB, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng đưa ra nhận định rằng, nền kinh tế toàn cầu tiếp tục suy yếu nhưng tình trạng suy giảm kéo dài trong bao lâu tùy thuộc vào việc liệu Mỹ và các nhà làm chính sách châu Âu có giải quyết được những thách thức cơ bản đối với nền kinh tế.
Cụ thể, trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất, IMF dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng 3.3% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo hồi tháng 7 là 3.5%. Tổ chức này cũng dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 3.6% trong năm 2013, thấp hơn so ước tính trước đó là 3.9%.
Những lo lắng về triển vọng kinh tế thế giới, mà đặc biệt là về châu Á, đã tác động xấu tới tâm lý nhà đầu tư chứng khoán trên thị trường Mỹ đêm qua. Bên cạnh đó, thị trường cũng chịu ảnh hưởng bởi nhận định các doanh nghiệp S&P 500 làm ăn không tốt trong quý 3 vừa qua.
Cuối tuần trước, Bộ Lao động Mỹ công bố tỷ lệ thất nghiệp tháng 9 đã hạ mạnh xuống 7,8%. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ rớt xuống dưới 8% trong vòng 4 năm qua. Tuy nhiên, chốt phiên, thị trường trồi sụt do số lượng việc làm mới được tạo ra bằng với dự đoán.
Bên kia Bờ Đại Tây Dương, chứng khoán châu Âu đã trải qua một phiên giao dịch với chủ yếu là hoạt động bán ra do những lo ngại của nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang nỗ lực tìm giải pháp tốt nhất để ngăn chặn cuộc khủng hoảng tài chính khu vực.
Kết thúc phiên này tại Luân Đôn, chỉ số FTSE 100 giảm 0,50% xuống 5.841,74 điểm; chỉ số DAX 30 tại Frankfurt giảm 1,44% xuống 7.291,21 điểm và CAC 40 tại Pari giảm 1,46% xuống 3.406,53 điểm, cùng với đó là sa sút của đồng tiền chung châu Âu.
Chứng khoán châu Á lên xuống thất thường khi mở cửa phiên 9/10. Tại Tokyo, chỉ số chứng khoán chủ chốt tiếp đà giảm đêm trước tại châu Âu và Mỹ, cũng do những lo ngại về bất ổn kinh tế toàn cầu và diễn biến khó lường của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Theo đó, chỉ số Nikkei 225 giảm 40,91 điểm xuống 8.822,39 điểm.