Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ: Fed vẫn cứng rắn về lãi suất, Dow Jones mất hơn 300 điểm

Nguyễn Thu
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm điểm trong ngày 6/10 khi dữ liệu mới nhất cho thấy kinh tế Mỹ vẫn tương đối mạnh, xóa tan hy vọng của giới đầu tư rằng Fed sớm thay đổi quan điểm chính sách tiền tệ.

Chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 300 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/10. Ảnh: CNBC
Chỉ số Dow Jones lao dốc hơn 300 điểm khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 6/10. Ảnh: CNBC

Các chỉ số chính trên sàn Phố Wall đồng loạt lao dốc trong phiên giao dịch ngày thứ Năm trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng chờ báo cáo việc làm tháng 9 sắp được công bố ngày 7/10 sẽ là thông tin quan trọng đối với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc hoạch định chính sách tiền tệ.

Theo CNBC, chốt phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones sụt 346,93 điểm (tương đương 1,15%) xuống còn 29.926,94 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,02%, về mức 3.744,52 điểm, còn Nasdaq Composite giảm 0,68% xuống còn 11.073,31 điểm.

Năng lượng là lĩnh vực tăng mạnh nhất, tiến 1.8%. Dịch vụ tiện ích là điểm tối, sụt 3.3%.

Nhà đầu tư đang nóng lòng chờ đợi báo cáo việc làm tháng 9 được công bố vào sáng ngày 7/10 (giờ Mỹ). Báo cáo này là một trong những thông tin quan trọng mà Fed xem xét trước khi quyết định chính sách tiền tệ và nhịp độ nâng lãi suất.

Các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát ước tính nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 275.000 việc làm trong tháng qua và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức 3,7%.

Nếu thị trường việc làm suy yếu, nhà đầu tư sẽ lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, thị trường lao động mạnh mẽ cũng không hẳn là tin tốt với sàn Phố Wall do Fed sẽ có thêm lý do để nâng lãi suất nhằm chống lạm phát.

Đầu tuần, dữ liệu mới nhất cho thấy thị trường lao động và lĩnh vực sản xuất đang suy yếu giúp các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, một loạt thông tin tích cực công bố trong ngày 5/10, bên cạnh đó là một số phát biểu cứng rắn từ quan chức Fed, đã xóa tan hy vọng nơi nhà đầu tư rằng ngân hàng trung ương sẽ sớm giảm tốc độ tăng lãi suất.

Báo cáo được công ty phân tích thị trường ADP công bố hôm 5/10 cho thấy thị trường lao động vẫn hoạt động tốt khi tạo ra thêm 208.000 việc làm tư nhân trong tháng 9, cao hơn dự báo của Phố Wall.

Theo dữ liệu mới được công bố, số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc vào ngày 1/10 tăng lên 219.000 đơn vị, cao hơn dự báo của giới chuyên gia. 

Ông Chris Senyek, Giám đốc Chiến lược đầu tư của công ty phân tích Wolfe Research, nhận xét: “Nhà đầu tư không mong muốn đón nhận thông tin tích cực từ thị trường việc làm, điều có thể thúc đẩy Fed tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ hơn”. Ông Senyek cho rằng thị trường cổ phiếu Mỹ có thể tăng mạnh trong một vài phiên nhưng kịch bản trung hạn vẫn là đi xuống.

Trong khi đó, các quan chức Fed cảnh báo bối cảnh kinh tế hiện tại không cho phép ngân hàng trung ương Mỹ thay đổi chiến dịch nâng lãi suất một cách quyết liệt.

Theo Reuters, Chủ tịch Fed tại Chicago Charles Evans hôm 6/10 nói rằng các nhà hoạch định chính sách dự kiến ​​sẽ đưa ra 125 điểm cơ bản của đợt tăng lãi suất trước khi kết thúc năm do lạm phát gây thất vọng.

Cùng ngày, bà Lisa Cook, một trong 7 thống đốc của Fed, tuyên bố ủng hộ ngân hàng trung ương Mỹ tập trung chống lạm phát bằng cách tiếp tục tăng lãi suất. “Trong bối cảnh lạm phát đang cao hơn nhiều so với mức mục tiêu dài hạn 2% của Fed, quá trình tái lập ổn định giá cả nhiều khả năng sẽ đòi hỏi ngân hàng trung ương Mỹ tiếp tục tăng lãi suất và giữ chính sách thắt chặt trong một thời gian cho đến khi chúng ta tin chắc rằng lạm phát đang trên đường trở về với mục tiêu 2%” - bà Cook phát biểu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson hôm 6/10.

Cũng trong ngày 6/10, Neel Kashkari, Chủ tịch Fed Minneapolis, cho rằng Fed “còn lâu” mới ngừng quá trình tăng lãi suất. Ông Kashkari thừa nhận rằng việc nâng lãi suất gây ra nhiều rủi ro cho tăng trưởng kinh tế Mỹ, song điều này sẽ không ngăn cản nỗ lực của Fed nhằm kéo lạm phát quay trở lại mức 2%.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên ngày 6/10 còn do chịu sức ép từ lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng trở lại lên mức 3,823% sau khi dữ liệu việc làm "mềm" hơn không củng cố được hy vọng rằng Fed có thể chuyển sang lập trường chính sách bớt diều hâu hơn. Lợi suất kỳ hạn 2 năm – thước đo nhạy cảm hơn với những thay đổi trong chính sách tiền tệ - vọt lên trên 4,2%.