Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Chứng khoán Mỹ khởi động đầu tuần trong “ sắc đỏ”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Xu hướng lên điểm từ tuần trước đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo chốt lời của giới đầu tư trong phiên giao dịch đầu tuần (7/1).

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác khiến thị trường cổ phiếu dừng bước trong phiên giao dịch này sự thận trọng của các nhà đầu tư trước báo cáo kết quả kinh doanh trong quý 4/2012 của khối doanh nghiệp, với sự mở đầu là báo cáo lợi nhuận của tập đoàn sản xuất nhôm Alcoa.

Trái ngược với đà tăng mạnh mẽ vào cuối tuần trước, Phố Wall lại khởi đầu tuần này với “sắc đỏ”, do hoạt động bán tháo chốt lời của giới đầu tư diễn ra ồ ạt sau một tuần giao dịch khởi sắc, cũng như tâm lý thận trọng của các nhà kinh doanh trước khi mùa công bố lợi nhuận của các doanh nghiệp bắt đầu.

Chứng khoán Mỹ khởi động đầu tuần trong “ sắc đỏ” - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Chốt phiên giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 50,92 điểm, tương ứng 0,38%, xuống 13.384,29 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 4,58 điểm, tương ứng 0,31%, còn 1.461,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,84 điểm, tương ứng 0,09%, còn 3.098,81 điểm.

So với thời điểm khi mở phiên, thì mức giảm cuối ngày của ba chỉ số đã được rút ngắn. Mặc dù vậy, phiên giảm điểm này đã khiến cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ không còn duy trì được mức điểm cao nhất trong 5 năm qua nhờ đà đi lên hồi tuần trước.

Khối lượng giao dịch toàn thị trường cũng ở mức rất thấp, với khoảng 4,78 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, thấp hơn nhiều so với mức giao dịch trung bình hàng ngày 6,42 tỷ cổ phiếu trong cả năm 2012 vừa kết thúc.

Tuy nhiên, mức giảm nhẹ của các chỉ số chính khiến độ chênh lệch giữa số cổ phiếu tăng giá và giảm giá trên các sàn giao dịch được thu hẹp khá mạnh. Cụ thể, trên sàn New York, số mã giảm điểm là 1.629, số mã tăng là 1.363, còn trên sàn Nasdaq là 1.438 và 1.066.

Đáng chú ý là trong phiên này, giá cổ phiếu của nhóm ngân hàng sụt giảm đáng kể, sau khi một số ngân hàng lớn của Mỹ, bao gồm Bank of America, vừa chấp nhận chịu mức phạt 8,5 tỷ USD nhằm chấm dứt cuộc điều tra của Chính phủ về những sai phạm trong hoạt động tịch biên tài sản thế chấp.

Dự báo cho rằng, lợi nhuận của các doanh nghiệp S&P 500 trong quý 4 có thể tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2011. Điều đáng chú ý là nhóm doanh nghiệp công nghiệp có thể bị lỗ, trong khi nhóm viễn thông và hàng tiêu dùng có thể dẫn đầu về tăng trưởng lợi nhuận.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng quay đầu đi xuống. Kết thúc phiên này, tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 0,41%, xuống 6.064,58 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp cũng hạ 0,68%, đóng cửa ở mức 3.704,64 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX cũng mất 0,56%, xuống 7.732,66 điểm.

Theo chân diễn biến ảm đạm tại các sàn chứng khoán Mỹ và châu Âu, sang tới phiên giao dịch ngày 8/1 tại thị trường châu Á, các chỉ số chứng khoán cũng đồng loạt tụt điểm, trước hoạt động bán tháo chốt lời của giới đầu tư.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 mở phiên với mức giảm 52,93 điểm (0,50%), xuống còn 10.546,08 điểm. Trong khi đó, tại Trung Quốc, tâm lý thận trọng chờ đợi các số liệu về thương mại và lạm phát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng khiến hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong đua nhau mất điểm.

Mở cửa, chỉ số Shanghai Composite hạ nhẹ 1,85 điểm (0,08%), xuống 2.283,51 điểm. Trong khi chỉ số Hang Seng cũng giảm 65,72 điểm (0,28%), xuống 23.264,03 điểm./.